Đà Nẵng cuối tuần
Sống hết mình với đam mê
Được đi, đến, trải nghiệm, cảm nhận, khám phá và được chia sẻ là khao khát mà Đinh Thế Anh (nhiếp ảnh gia, huấn luyện viên dù lượn thuộc CLB Dù lượn Đà Nẵng) và Phạm Mai Hương (travel blogger - người có đam mê du lịch) theo đuổi. Ở mỗi chuyến đi, họ gặp những con người, những nền văn hóa, những câu chuyện khác nhau, được ngắm nhìn thiên nhiên bao la, hùng vĩ...
Nhiếp ảnh gia, huấn luyện viên dù lượn Đinh Thế Anh. Ảnh: ĐINH THẾ ANH |
Và bằng cách nào đó, có thể là viết lách, chụp ảnh, làm phim... trên hành trình của mình, Thế Anh và Mai Hương có thêm thu nhập trang trải cho những chuyến đi tiếp theo, truyền cảm hứng cho cộng đồng, những người yêu chủ nghĩa xê dịch qua những bức ảnh đẹp, những thước phim độc đáo hay những câu chuyện do chính họ chia sẻ.
Thỏa ước mơ chinh phục bầu trời
Tốt nghiệp ngành kế toán tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, nhưng Thế Anh muốn dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và thỏa mãn đam mê đi đây đi đó, được chụp ảnh và khám phá những vùng đất mới lạ.
Ở mỗi chuyến đi, Thế Anh đều chụp ảnh rồi đăng trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn và liên tục những bức ảnh của anh được bình chọn ảnh đẹp của tuần, của tháng, của năm. Như được tiếp thêm động lực, anh quyết định mở tiệm chụp ảnh cưới Nu wedding (quận Hải Châu).
Chưa thỏa đam mê, Thế Anh tìm đến các bộ môn thể thao mạo hiểm như chèo Sup (chèo ván đứng), đi xe địa hình, dù lượn… để khám phá bản thân. “Môn thể thao thu hút tôi theo đuổi nhất là dù lượn. Mỗi lần chụp ảnh cưới cho các cặp đôi tại Hồ Xanh (bán đảo Sơn Trà), thi thoảng thấy một chiếc dù bay qua bay lại trên bầu trời rất hấp dẫn, tôi nghĩ sẽ học bộ môn này để thỏa mãn việc ghi lại những khoảnh khắc, những video độc đáo trên không trung. Vậy là tôi bén duyên với dù lượn từ đó, nay tôi đang là huấn luyện viên dù lượn với chứng nhận bằng phi công quốc tế”, Thế Anh tâm sự.
Thế Anh đã đi du lịch khoảng 20 nước, trong đó gần 10 nước đi chỉ để được bay dù lượn như Pháp, Ý, Đức, Mỹ, Hà Lan, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia… “Thay vì đi du lịch dưới mặt đất, tôi chọn du lịch trên bầu trời để tạo sự khác biệt. Khi đi du lịch, nhất là du lịch nước ngoài, cần biết ngoại ngữ và lái xe để chủ động trong mọi hoàn cảnh. Trong mỗi chuyến đi, hành lý của tôi lúc nào cũng phải có hành lý nặng hơn 20kg, đó là dù lượn”, Thế Anh hóm hỉnh chia sẻ.
Cũng theo Thế Anh, khi bay ở các quốc gia khác, thường chỉ được bay ở các địa hình là rừng, núi hoặc biển; còn ở Đà Nẵng, người bay được trải nghiệm đa dạng địa hình, vừa được bay qua bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng, bay trên biển, trên cả những con đường…, cho du khách những cảm nhận thú vị.
Người nhỏ tuổi nhất đã bay cùng Thế Anh là hành khách 8 tuổi và người lớn nhất 84 tuổi. “Người bay dù lượn có thể nhìn bầu trời, mặt đất ở tất cả góc độ, cảm nhận được tất cả mọi giác quan. Khi bay, người bay chỉ cần mang theo giày và quần dài, mọi việc còn lại để tôi lo. Hầu hết người bay lần đầu đều có cảm giác sợ nhưng khi vượt qua được nỗi sợ ban đầu và về đích thành công thì thấy sẽ “phiêu” vô cùng”, Thế Anh cho hay.
Truyền cảm hứng cho cộng đồng
Phạm Mai Hương từng làm việc tại một trường đại học ở Đà Nẵng, sau đó lại chọn viết báo tự do và làm travel blogger. Công việc chính của Hương là viết, chụp ảnh, quay phim. Hương kiếm tiền bằng cách cộng tác với nhiều tờ báo. Trong mỗi chuyến đi, Hương luôn viết và chia sẻ những bài viết, cảm nhận của mình trên mạng xã hội và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng, lan tỏa, truyền cảm hứng cho những người yêu chủ nghĩa xê dịch.
“Năm 25 tuổi, tôi xem bộ phim “Thảm họa Everest” và ước mơ được một lần đặt chân lên Everest Base Camp (Trại căn cứ Everest - một trong hai trại căn cứ ở phía đối diện đỉnh Everest, trại cơ sở phía nam ở Nepal có độ cao 5.364 mét và trại cơ sở phía bắc ở Tây Tạng có độ cao 5.150 mét). Sau nửa năm lên kế hoạch, tôi một mình đến Nepal. Đó cũng là lần đầu tiên tôi rời Việt Nam. Dù lần đó tôi bị thiếu oxy và phải dừng lại ở chặng cuối cùng của hành trình, nhưng tôi bắt đầu nhận ra mình cần thực hiện ước mơ - đó là trở thành một phóng viên theo kiểu tự do và travel blogger. Từ đó, tôi đặt chân đến nhiều đất nước khác nhau, được gặp nhiều người thú vị, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau và hiểu được bản thân mình”, Mai Hương thổ lộ.
Mai Hương đã đến 12 nước và một vòng xuyên Việt. Ở các chuyến đi nước ngoài, hầu hết cô đi theo kiểu xin làm tình nguyện viên cho một số trang trại qua các tổ chức tình nguyện miễn phí. Mỗi nơi đến, Hương có khoảng 2 tuần để sống và trải nghiệm cùng các gia đình bản địa. Lúc đầu, cô đi chỉ với mục đích khám phá, mở rộng tầm mắt. Sau nhiều chuyến đi, đặc biệt từ chuyến đi đến Nepal và Mông Cổ, bằng những câu chuyện viết trên facebook, những bộ ảnh, thước phim, cô đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người cùng đam mê xê dịch.
Hiện Hương đã lập gia đình. Cô mở tiệm đồ handmade (đồ làm thủ công) thêu thùa theo phong cách hiện đại và dành thời gian chăm sóc con gái nhỏ. Hương cũng dành tâm sức viết bản thảo cuốn sách kể về những hành trình mình đã đi qua, những vùng đất, những trải nghiệm văn hóa và con người mà cô đã đến.
“Tôi muốn dành ít nhất một năm để trải nghiệm và khám phá thế giới rộng lớn, thử thách bản thân. Tôi chấp nhận những khó khăn, thử thách và những điều không lường trước được để một lần được sống như vậy. Ít nhất tôi thấy mình có một tuổi trẻ ý nghĩa. Ít nhất tôi biết bản thân mình làm được những gì và đi xa được đến đâu”, Mai Hương khẳng định.
THANH TÌNH