Đà Nẵng cuối tuần
"Cuộc cách mạng giáo dục" tại đảo Jeju
Từ một điểm du lịch không quá sôi động, đảo Jeju chuyển mình thành trung tâm giáo dục chất lượng cao hấp dẫn không chỉ trong nước mà còn với nhiều nước láng giềng và phương Tây.
Học sinh Trường North London Collegiate School (NLCS) trong giờ học nhạc. Ảnh: NLCS |
Là doanh nhân công nghệ thông tin (IT), anh Yanbo Li (người Trung Quốc) bắt đầu tìm kiếm trường quốc tế cho con sau khi cậu bé Zhilun ra đời. Anh chọn ngôi trường của Anh trên đảo Jeju (Hàn Quốc) thay vì các trường ở Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc) hay Singapore.
Hai năm trước, anh Li mua nhà ở Jeju và cùng con trai tới đó sống. Zhilun hiện là học sinh lớp 7 tại Trường North London Collegiate School (NLCS) Jeju. Anh đang quản lý từ xa công việc ở Bắc Kinh, chỉ về công ty trực tiếp khi cần. “Các trường ở đây có chất lượng giáo dục cao và hoạt động ngoài trời rất tốt”, doanh nhân này nói. “Jeju lớn hơn Hong Kong và Singapore, nhưng dân số ít hơn, giao thông bớt đông hơn và việc đi lại rất thuận tiện”, anh cho biết.
Không chỉ anh Li, mà nhiều gia đình Hàn Quốc và Trung Quốc khá giả cũng đang gửi con tới Jeju học thay vì ra nước ngoài hay tới những nơi khác ở châu Á. Điều này làm tăng nguồn thu đáng kể cho hòn đảo, chưa kể giá đất cũng tăng vì nhiều phụ huynh quyết định “dời nhà theo con”.
Chiến lược đột phá
Năm 2008, chính phủ Hàn Quốc khởi động dự án 1,5 tỷ USD, biến vùng nông nghiệp rộng 3,8km2 tại làng Daejeong trên đảo Jeju thành trung tâm giáo dục mới. Đến nay, 4 trường quốc tế cao cấp, trong đó có NLCS và Branksome Hall Asia, được mở tại đây với khoảng 4.600 em đang theo học.
Daejeong trước đây là làng nông nghiệp nổi tiếng với thắng cảnh thiên nhiên, núi cao biển biếc. Hòn đảo này cũng nổi tiếng vì có các nữ ngư dân cao niên, có người 80 tuổi vẫn hằng ngày bơi lặn vớt rong biển. Nơi đây còn có các rừng quýt và cả những chú heo đen độc nhất vô nhị.
Nhưng giờ đây, tại ngôi làng (nay đã là thị trấn) cách thủ đô Seoul một giờ bay đã mọc lên nhiều trường học hiện đại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao, biệt thự riêng cao cấp có bể bơi ngoài trời và sân golf kề cận.
Ngoài 4 trường đã mở, Trung tâm Phát triển thành phố quốc tế tự do Jeju (JDC) - đơn vị quản lý dự án giáo dục tại Jeju - đã ký những thỏa thuận sơ bộ thêm với hai trường phương Tây khác. Ông Moon Dae-lim, Chủ tịch JDC, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ biến thành phố này thành trung tâm giáo dục của Đông Bắc Á. Chúng tôi có những điểm hấp dẫn độc đáo so với Hong Kong và Singapore, đó là thiên nhiên tuyệt đẹp và môi trường an toàn ở Jeju”.
Ngăn “chảy máu” chất xám và dòng tiền
Các trường quốc tế chất lượng cao tại Jeju đã giúp Hàn Quốc giảm bớt dòng tiền đổ ra nước ngoài cho việc du học. Theo thống kê của chính phủ, năm 2019 có tổng cộng 8.961 học sinh các cấp đi du học. Con số này giảm đáng kể so với 29.511 du học sinh năm 2006.
Ngoài ra, các ngôi trường ở Jeju mang tới sự lựa chọn giáo dục khác. Em Bae Suh-yoon, nữ sinh trường NLCS, đã cùng mẹ là chị Chung Mi-hyang chuyển tới Jeju 9 năm trước. Cha em, một bác sĩ, đang làm việc tại Seoul. “Hệ thống giáo dục Hàn Quốc rất nặng nề và chú trọng việc ghi nhớ kiến thức. Tôi muốn con mình có được sự giáo dục sáng tạo nhưng không muốn gửi con ra nước ngoài quá sớm”, chị Chung nói. “Nếu học ở Jeju, gia đình tôi có thể gặp nhau thường xuyên hơn”.
Em Daniel Gondorf, học sinh vừa chuyển từ Berlin (Đức) tới Jeju học năm 2021 tại NLCS cho rằng: “Đây là một trong những trường tốt nhất thế giới căn cứ các điểm số đánh giá về chương trình đào tạo tú tài quốc tế (IB) của họ”.
Hiện nay, phần lớn học sinh tại các trường quốc tế ở Jeju là người Hàn Quốc; khoảng 10% là người Trung Quốc; 5% từ Nhật Bản, Mông Cổ, Mỹ, Úc và châu Âu.
Bất kể học phí thường niên và phí nội trú khá cao, lên tới 50.000 USD, số người học vẫn rất đông. Hơn 90% học sinh tốt nghiệp tại các trường đó đã đỗ vào nhóm 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Các em cũng có các hoạt động ngoại khóa thú vị như lặn với bình dưỡng khí, lặn với ống thở và cưỡi ngựa. “Nhiều phụ huynh nhận ra họ không cần gửi con tới Anh, Mỹ hay nơi khác, họ có thể có mọi điều mong muốn về giáo dục chất lượng cao ở đây”, bà Lynne Oldfield, Hiệu trưởng người Anh của Trường NLCS nói.
Chính sách hấp dẫn
Không chỉ chất lượng giáo dục, phụ huynh Trung Quốc còn bị “lôi kéo” tới Jeju vì chính sách visa ưu đãi. Theo đó, những người bỏ tiền mua căn hộ chung cư hay đầu tư tại các khu nghỉ dưỡng được cấp visa cư trú dài hạn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên chương trình đang tạm ngưng.
|
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Financial Times)