Đà Nẵng cuối tuần

F0 Ở NHÀ

Để F0 có tâm lý thoải mái...

13:16, 09/01/2022 (GMT+7)

Để góp phần giảm áp lực cho các cơ sở điều trị Covid-19, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã kích hoạt mô hình điều trị, cách ly bệnh nhân mắc Covid-19 (F0) tại nhà, nơi cư trú. Mô hình này tạo tâm lý thoải mái cho người dân yên tâm hơn trong điều trị.

Những người nhiễm SARS-CoV-2 đã tiêm đủ 2 hoặc 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 nếu có bệnh nền phải đang trong giai đoạn ổn định mới đủ điều kiện điều trị tại nhà. Trong ảnh: Bệnh viện C Đà Nẵng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho các bệnh nhân lớn tuổi. Ảnh: Đ.H.L
Những người nhiễm SARS-CoV-2 đã tiêm đủ 2 hoặc 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 nếu có bệnh nền phải đang trong giai đoạn ổn định mới đủ điều kiện điều trị tại nhà. TRONG ẢNH: Bệnh viện C Đà Nẵng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho các bệnh nhân lớn tuổi. Ảnh: Đ.H.L

Theo quy định của Sở Y tế, quy trình cách ly, chăm sóc và điều trị F0 tại nhà gồm 6 bước: Lập danh sách; đánh giá, thẩm định điều kiện; lập bệnh án điều trị F0 tại nhà; thực hiện điều trị F0 tại nhà; theo dõi, giám sát cách ly, điều trị tại nhà; kết thúc cách ly, điều trị tại nhà.

Điều trị tại nhà vẫn yên tâm

Là một trong những người đầu tiên thực hiện điều trị F0 tại nhà ở quận Liên Chiểu, anh P.C.B (phường Hòa Hiệp Bắc) cho biết, sau khi phát hiện một người trong cơ quan dương tính với SARS-CoV-2, đơn vị thông báo cho y tế đến triển khai xét nghiệm trong đêm và may mắn là mầm bệnh chưa phát tán. Riêng anh P.C.B bị nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không biểu hiện triệu chứng.

Sau khi làm các thủ tục theo quy định, anh P.C.B được điều trị tại nhà. “Điều đầu tiên là phải chuẩn bị tâm lý thoải mái và thực hiện cách ly với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt 5K. Do cơ thể không có biểu hiện gì khác thường nên tôi vẫn sinh hoạt ăn uống bình thường và thực hiện đo huyết áp thường xuyên rồi báo cho y tế 3 ngày/lần. Sau 5 ngày test lại thì cho kết quả âm tính và tiếp tục chờ thêm 9 ngày để xét nghiệm PCR. Giờ tôi đã khỏe hẳn và trở lại với công việc bình thường”, anh P.C.B chia sẻ.

Phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) là địa phương đi đầu kích hoạt Trạm y tế lưu động điều trị F0 tại nhà trên địa bàn thành phố. Để chuẩn bị cho công tác này, Trạm Y tế phường Thọ Quang đã triển khai tập huấn, chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, thuốc men theo kế hoạch của ngành y tế. Vì thế, khi kích hoạt Trạm y tế lưu động điều trị F0, các nhân viên y tế không bị động, tổ chức đánh giá tình trạng và theo dõi sức khỏe hằng ngày cho bệnh nhân. Sau khi tiếp nhận các F0 điều trị tại nhà, trạm y tế cập nhật thông tin của bệnh nhân, tổ chức lập nhóm Zalo để các F0 cùng cán bộ, nhân viên y tế phường tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin về sức khỏe và tư vấn điều trị.

Đến nay, trên địa bàn phường Thọ Quang có 12 ca điều trị F0 tại nhà; trong đó có 11 ca tự điều trị khỏi bệnh, riêng có 1 ca phải chuyển lên bệnh viện dã chiến vào ngày 11-12-2021. Sau khi điều trị 3 ngày tại nhà, bệnh nhân này chuyển từ triệu chứng nhẹ lên trung bình nặng nên phải chuyển viện. Sau 6 ngày điều trị tại bệnh viện dã chiến, bệnh nhân đã khỏi hẳn và xuất viện.

Triệu chứng gì, uống thuốc đó

Với kinh nghiệm điều trị F0 tại nhà, chị B.T.T (quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, chị và cả gia đình bị nhiễm SARS-CoV-2 đúng lúc Thành phố Hồ Chí Minh đang đỉnh điểm của dịch bệnh. May mắn là chị đã tiêm 2 mũi vắc-xin nên triệu chứng nhẹ, chị trở thành người trụ cột để hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên khác trong nhà vượt qua Covid-19.

Để điều trị hiệu quả tại nhà, theo chị B.T.T, điều đầu tiên bệnh nhân cần làm là xông mặt 2 lần/ngày: Buổi sáng, lấy tỏi giã nhuyễn rồi cho vào nước sôi, hít vào đường mũi và thở ra bằng miệng. Buổi tối đập sả, gừng và một ít muối bỏ vào nước đun sôi rồi xông. Thứ hai, nên uống nước ấm, tuyệt đối không được uống nước lạnh hay nước sôi để nguội, đồng thời thường xuyên giữ ấm cơ thể và thoa dầu vào mũi. Thứ ba, thực hiện vệ sinh mắt, mũi, miệng bằng nước muối mỗi ngày 3 lần, quan trọng nhất vẫn là khò nước muối. Thứ tư, uống trà gừng nóng sau khi xông tỏi buổi sáng sau ăn 30 phút.

Ngoài ra, nếu có điều kiện thì nên uống nước quả dừa cùng gừng tươi giã nhuyễn, đường phèn sau khi đun sôi vào buổi trưa. Nước uống này sẽ cung cấp vitamin, giúp hạ sốt và giữ ấm cơ thể. “Cố gắng vệ sinh mũi thật sạch, nhất là thực hiện hít bằng đường mũi và thở ra bằng đường miệng để phòng virus tấn công phổi nhanh hơn.

Lưu ý, bị triệu chứng gì thì uống thuốc điều trị triệu chứng đó, cố gắng vận động bằng các bài tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, tránh nằm li bì. Khi bị nhiễm bệnh sẽ bị mất vị giác nên người bệnh ráng ăn nhiều cho có sức khỏe, đặc biệt là các loại quả chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng.

Đây là những kinh nghiệm tôi học được từ đồng nghiệp bị bệnh, kết hợp với kinh nghiệm điều trị của bản thân và gia đình. Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân cần ăn uống bổ dưỡng và uống các loại thuốc thải độc gan. Nhiều người trên 35 tuổi thường bị hụt hơi sau khi hết bệnh nên cần tập thở để cải thiện sức khỏe tốt hơn”, chị B.T.T nói.

Trong khi đó, chị Đ.K.T (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, chị đã tiêm vắc-xin 2 mũi nên lúc nhiễm SARS-CoV-2, chị chỉ biểu hiện nhẹ như cảm cúm. Khi điều trị tại nhà, chồng và con trai 5 tuổi ở dưới nhà, còn chị tự cách ly trên lầu. Sau khi làm thủ tục khai báo với Trạm y tế phường, chị được hướng dẫn cách điều trị và cung cấp một số loại thuốc cần thiết.

“Khi nào sốt thì uống thuốc hạ sốt, khi nào ho thì uống thuốc ho, đặc biệt uống nhiều nước cam và không được uống nước đá kẻo bị viêm họng. Do tôi bị nhẹ nên việc ăn uống bình thường. Sau khi tự điều trị 5 ngày thì test lại và khỏi bệnh”, chị Đ.K.T chia sẻ. Theo chị T., khi điều trị tại nhà, điều quan trọng là phải giữ tâm lý ổn định, không nên quá lo lắng. Chỉ những người có bệnh nền mới cần đến sự hỗ trợ của lực lượng y tế để ứng phó kịp thời. Với những F0 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình cần có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người nhiễm, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ người nhiễm.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.