Đà Nẵng cuối tuần
Phát hiện 5 hóa thạch voi ma mút thời kỷ băng hà
Một “nghĩa địa voi ma mút” với xác của 5 cá thể đã được khai quật tại thị trấn Swindon, hạt Wiltshire, cách thủ đô London của Anh hơn 110km về phía tây, hé lộ bước đầu về cuộc sống kỷ băng hà hơn 200.000 năm trước.
Các nhà khảo cổ khai quật xương voi ma mút. Ảnh: DigVentures/The Guardian |
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khai quật một “nghĩa địa voi ma mút” chứa hài cốt của 5 cá thể, trong đó có 1 cá thể cỡ nhỏ, 2 cỡ trung bình và 2 cá thể trưởng thành. Công việc khai quật được hoàn tất vào tháng 12-2021 tại mỏ đá ở thị trấn Swindon. Nơi đây có thể bao gồm những sinh vật khổng lồ thời kỳ băng hà khác, chẳng hạn như nai sừng tấm gạc dài hơn 10 mét, với độ lớn gấp đôi loài chúng ta thấy hiện nay, hay những sinh vật nhỏ bé, đặc biệt là bọ phân.
Tất cả những khai quật giờ đây cung cấp những manh mối mới về cách tổ tiên người Neanderthal sống trong điều kiện khắc nghiệt của nước Anh thời kỷ băng hà - thời kỳ tiền sử mà ít người biết đến.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện nhiều công cụ bằng đá do người Neanderthal chế tác, gồm 1 chiếc rìu cầm tay và các công cụ nhỏ bằng đá lửa để làm sạch da động vật. Lisa Westcott Wilkins, nhà đồng sáng lập tổ chức khảo cổ DigVentures, cho rằng việc tìm thấy xương voi ma mút là điều phi thường, khám phá này càng đặc biệt hơn bởi những mảnh xương không chỉ lâu đời mà còn được bảo quản tốt và nằm gần các công cụ bằng đá của người Neanderthal. Trong khi đó, GS. Ben Garrod về sinh học tiến hóa tại Đại học East Anglia tham gia cùng các nhà khảo cổ học trong cuộc khai quật nói: “Đây là một trong những khám phá quan trọng nhất cổ sinh vật học của Anh”.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, xác voi ma mút và các đồ tạo tác có niên đại khoảng 220.000 năm trước, khi nước Anh bị người Neanderthal chiếm đóng trong thời kỳ ấm áp hơn giữa các băng hà. Nhiệt độ giảm xuống buộc người Neanderthal di cư về phía nam và địa điểm này sau đó trở thành đồng bằng màu mỡ, tươi tốt, nơi cả động vật và con người đều sinh sống.
Những con voi ma mút sớm nhất đã đến khoảng 5 triệu năm trước từ châu Phi. Voi ma mút thảo nguyên là loài lớn nhất trong số chúng và tồn tại từ khoảng 1,8 triệu năm trước đến khoảng 200.000 năm trước. Voi ma mút thảo nguyên nặng tới 15 tấn, gấp đôi hoặc gấp ba lần trọng lượng của một con voi châu Phi. Đây là loài voi ma mút lớn nhất từ trước đến nay tuy sau một thời gian thì chúng đã giảm xuống còn 10 tấn. Vào thời điểm đó, khí hậu lạnh hơn, các nguồn tài nguyên ngày càng thưa thớt, khiến các loài sinh vật bị thu hẹp dần.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu nguyên nhân có quá nhiều voi ma mút chết cùng một chỗ. Một số nghiên cứu trước đây đã phát hiện người Neanderthal tổ chức săn bắn voi ma mút và các loài động vật lớn khác. Dấu chân của họ đã được tìm thấy tại khu vực của những con voi thuộc loài Palaeoloxodonantiquus ở miền nam Tây Ban Nha, có niên đại khoảng 100.000 năm.
HOÀNG ĐẶNG (theo The Guardian)