Với giá năng lượng tăng cao cùng căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu buộc phải suy nghĩ về an ninh năng lượng cho “lục địa già”.
Logo của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trên một đường ống tại Nhà máy Chelyabinsk thuộc sở hữu của Tập đoàn ChelPipe ở Chelyabinsk, Nga. Ảnh: Reuters |
Châu Âu đang đầu tư năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, đồng thời dần loại bỏ than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác. Song, họ vẫn cần khí đốt tự nhiên - năng lượng truyền thống để phục vụ sản xuất và dân sinh.
Giá khí đốt tăng cao
Giá khí đốt và điện ở châu Âu tăng cao kể từ tháng 8-2021, khi mức dự trữ khí đốt xuống thấp hơn mức bình thường. Tháng 12-2021, giá khí đốt lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.190 USD/1.000m3. Nguyên nhân do nhu cầu về nguyên liệu thô ở châu Á tăng mạnh, sản lượng năng lượng từ điện gió ở châu Âu giảm và lượng dự trữ trong các cơ sở lưu trữ thấp.
Hiện nay, châu Âu phải chấp nhận trả giá cao để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Qatar, Algeria và nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, với Mỹ, nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến, cường quốc này đã vươn lên thành nước xuất khẩu khí hóa lỏng lớn trên thế giới, giúp lượng LNG của Mỹ xuất khẩu sang châu Âu ngày một tăng.
Theo ước tính của Bloomberg, hơn 2/3 tổng số hàng hóa khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ được chuyển đến châu Âu. Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn giảm đòn bẩy của Nga nên yêu cầu nhiều nhà cung cấp hơn gửi LNG đến châu Âu. Tuy nhiên, nguồn cung LNG từ Mỹ không thể tăng một sớm một chiều nên sẽ chỉ đáp ứng 2/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Hơn nữa, tàu chở LPG cần hệ thống cảng đặc biệt và “lục địa già” không sở hữu đủ hạ tầng thiết yếu cho lượng tàu lớn như thế. Đồng thời, về lâu dài châu Âu cũng không thể chấp nhận mức giá khí đốt cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 7 lần so với giá ở Mỹ.
Đến cuối năm 2021, khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, các nhà lãnh đạo châu lục này mới xoay xở tìm nguồn cung thay thế. Nhưng Nga cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt nhập khẩu vào châu Âu (gồm 27 nước EU và Anh), trong đó khoảng 31% là khí đốt qua đường ống và 4% là LNG, thì khó có quốc gia đơn lẻ nào có thể thay thế Moscow, như nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi tại hội nghị về khí đốt ở Doha (Qatar) hôm 22-2. Đức là khách hàng quan trọng của Nga, phụ thuộc vào Moscow 65% nhu cầu khí đốt tự nhiên; Ý là 43%, các nước vùng Baltic và đông nam châu Âu cũng phụ thuộc không kém.
Nguồn cung có thể gián đoạn
Phần lớn khí đốt đến Đức đi từ Nga thông qua một đường ống dẫn lớn ở biển Baltic được gọi là Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc). Tuyến đường ống thứ hai là Nord Stream 2 đã hoàn thành dài 1.230km, trị giá 11,6 tỷ USD, không được Đức cấp phép nên đang bị “đóng băng”. Nord Stream 2 chạy từ Nga dọc theo Biển Baltic và vào thẳng Đức mà không cần qua Ukraine, giảm cho Moscow một khoản chi phí lớn phải trả cho Kiev. Dự án này gây rất nhiều tranh cãi cho Mỹ, Ukraine và các nước châu Âu bởi họ cho rằng Nord Stream 2 là công cụ địa chính trị của Nga, đồng thời sẽ làm “lục địa già” phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên của Moscow.
Tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra ở Đức hôm 19-2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen cho rằng, 27 thành viên EU vẫn an toàn trong mùa đông này nhưng “đang làm mọi việc có thể để thoát phụ thuộc khí đốt từ Nga”. Bà Ursula Von der Leyen cáo buộc tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga “cố tình tích trữ và cung cấp càng ít càng tốt trong khi giá cả và nhu cầu đang tăng vọt”.
Tập đoàn Gazprom chịu trách nhiệm cung cấp khí đốt cho châu Âu theo các hợp đồng dài hạn và thực hiện bán hàng giao ngay cho các quốc gia trên nền tảng bán hàng điện tử (ESP). Trong lúc xảy ra căng thẳng ở biên giới Ukraine, Gazprom không cung cấp thêm khí đốt trên nền tảng ESP kể từ tháng 8 năm ngoái, mà chỉ chuyển đủ lượng khí đốt theo hợp đồng dài hạn.
Dù tuyên bố của các nhà lãnh đạo châu Âu là vậy, nhưng giới quan sát dự đoán châu Âu sẽ hoàn toàn thiếu khí đốt trong mùa đông này do giảm sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên và không có được các thỏa thuận với Nga, chưa nói đến khả năng Moscow có thể cắt nguồn cung khí đốt nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt. Một đợt rét đậm kéo dài trong những tuần tới cũng sẽ làm giảm dung lượng lưu trữ ở châu Âu hơn nữa.
VĨNH AN (theo AP, NYT, Bloomberg, The Independent)