Đà Nẵng cuối tuần

Ngày xuân lễ chùa

06:15, 13/02/2022 (GMT+7)

Đến chùa ngày đầu năm mới, cảm thấy lòng mình lâng lâng, cầu mong an bình trước thử thách dù lớn hay nhỏ mà bất cứ ai cũng trải qua trong cuộc sống. Bình an, biết yêu thương, san sẻ để cuộc đời này ngày một ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn...

1. “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, câu nói dân gian phác họa bức tranh xưa của làng quê Việt, đâu cũng có một ngôi chùa nằm dưới tán cây cổ thụ sum suê, sớm chiều vọng tiếng chuông ngân. Trên đất Hòa Vang, có một ngôi chùa soi bóng bên dòng sông Túy Loan, lặng lẽ neo vào lòng thiện nam tín nữ một chánh niệm thiện lành mỗi khi về dâng lễ Phật: chùa Hưng Quang.

Lễ chùa trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022. (Ảnh chụp tại chùa Linh Ứng Sơn Trà).  Ảnh: XUÂN HIẾU
Lễ chùa trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022. (Ảnh chụp tại chùa Linh Ứng Sơn Trà). Ảnh: XUÂN HIẾU

Chị Trần Thị Thu (ở thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) trong 10 năm “bén duyên” với đạo Phật đã nhận được khá nhiều “lộc” khi đến viếng cảnh ngôi chùa này vào đêm giao thừa. Khi được hỏi đâu là “lộc” để lại trong tâm hồn chị nhiều xúc cảm thiêng liêng nhất giữa phút giao mùa, chị đưa ra tấm giấy nhỏ ghi mấy dòng chữ: Hương thơm hoa quý vườn kia/ Ngược chiều gió thổi, dễ gì thoảng bay/ Hương người đức hạnh thơm thay/ Dù cho ngược gió dâng đầy muôn phương.

Câu thơ trích từ Kinh Pháp cú hướng tâm hồn chị Thu đến những điều tốt đẹp nhất theo lời Phật dạy. Có duyên đến với đạo, dần dà nhận chân ra giá trị khi học và thực hành theo lời Phật dạy, từ đó chị tìm cách trợ duyên cho ba mẹ cùng về chùa tu tập. Đến nay, cả gia đình, ba mẹ, anh chị em đều hướng Phật và tìm được những ngày an lành trong tâm.

Chị Thu nhận áo quần các loại của người ta rồi đi bỏ cho các nơi bán. Ngày rằm và mồng Một hằng tháng, chị bán thêm hoa cúc. Đó là những “nghề” không phải lấn cấn về thời gian. Với chị, chùa như ngôi nhà thứ hai của mình, khi nào bản thân rảnh rỗi hay chùa có Phật sự thì chị lại đến. Nhiều năm rồi, tối 30 Tết, sau khi cúng năm mới tại nhà, mấy mẹ con chị đón giao thừa ở chùa và sáng mùng Một quay lại lễ Phật.

Cứ lệ đến Tết, Thượng tọa Thích Huệ Chấn, trụ trì chùa Hưng Quang, cho in 500 câu trích từ Kinh Pháp cú trên tấm giấy nhỏ và dày như danh thiếp, bỏ vào phong bì chúc Tết, gọi là “Lộc giao thừa”. Trong bì có một tờ tiền giấy mới mệnh giá từ 500 đồng - 5.000 đồng, do các phật tử hiến cúng. Các phong bì được buộc bằng sợi chỉ đỏ, treo trên cây đèn Dược sư, đèn có cả thảy 49 ngọn được chia 7 tầng, mỗi tầng 7 ngọn. Mỗi khi có thiện nam tín nữ về lễ Phật đón giao thừa, thầy đích thân phát “lộc” đầu năm. “Ai được câu kinh nào là tùy duyên, nhưng câu nào cũng có ý cho ta một pháp hay”, chị Thu chia sẻ.

2. Chùa Hưng Quang được thành lập vào năm 1956 trên khuôn viên chùa Quan Thánh xưa ở làng Bồ Bản (nay là thôn Bồ Bản 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), ban đầu do các cư sĩ Phật tử địa phương đứng ra xây dựng và tu học dưới sự chứng minh của cố Hòa thượng Thích Quang Thể, khai sơn trú trì chùa Thọ Quang (nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Mãi đến gần nửa thế kỷ sau, năm 2003, các cư sĩ mới xuống chùa Thọ Quang, cung thỉnh thầy Thích Huệ Chấn về trụ trì chùa đến nay.

Chị Trần Thị Thu (ở thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) gửi lời ước nguyện năm mới lên “Cây ước nguyện”. Ảnh: V.T.L
Chị Trần Thị Thu (ở thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) gửi lời ước nguyện năm mới lên “Cây ước nguyện”. Ảnh: V.T.L

Năm 2005, sau khi quận Cẩm Lệ được thành lập, chùa Hưng Quang còn là nơi đóng Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Hòa Vang. Năm 2008, dưới sự coi ngó của thầy Huệ Chấn, chùa được xây mới và giữ nguyên hiện trạng khang trang, bề thế, tạo nét cổ kính pha lẫn hiện đại bên dòng sông Túy Loan thơ mộng như hiện nay.

Thầy Huệ Chấn không chỉ là Ủy viên Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban trị sự Phật giáo huyện Hòa Vang, mà còn là Phó Hiệu trưởng kiêm Học vụ Trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng. Bận rộn công việc, nhưng thầy vẫn dành thời gian tinh tấn chăm lo Phật sự tại ngôi chùa mình trụ trì. Trước năm 2003, khi thầy chưa về chùa Hưng Quang, những ngày lễ lớn, chỉ tầm 50 thiện nam tín nữ về chùa dâng lễ Phật. Từ đó đến nay, số lượng người về viếng cảnh chùa vào các dịp lễ, Tết tăng đến mấy trăm người, thậm chí có khi đến hàng nghìn người...

Một vị cao niên đóng góp nhiều công quả trong quá trình xây dựng chùa là cụ Tán Giản, pháp danh Chúc Thi, nguyên Hiệu trưởng Trường trung học Ông Ích Khiêm (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang - nay là Trường THPT Ông Ích Khiêm), từng là huynh trưởng Gia đình Phật tử chùa Hưng Quang. Cha của ông lão 80 tuổi này là một trong những thành viên sáng lập chùa Hưng Quang năm 1956. Thời còn khỏe, lễ lạt nào ở chùa cụ cũng có mặt. Đêm 30 Tết, cụ đi chùa lễ Phật, nhận “lộc” giao thừa đem về cất dưới bàn Phật hoặc để trong túi, đi đâu cũng mang theo bên mình để cầu mọi sự an lành. Đến khi luốngtuổi rồi, cụ chỉ đi chùa vào sáng mồng Một.

Hưu lão, cụ vẫn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của người con Phật. Để ghi nhận công đức của cụ đối với Phật giáo huyện Hòa Vang, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Hòa Vang trao tặng cụ tấm phù điêu gỗ ghi 4 chữ “Cư Trần Lạc Đạo” (Sống Đời Vui Đạo). Đây là tên một bài thơ chữ Hán của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), được người đời sau dịch sang Quốc ngữ: Cõi trần vui đạo, hãy tùy duyên,/ Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền./ Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm,/ Vô tâm trước cảnh, hỏi gì thiền.

Những người có công lập chùa hơn 60 năm trước như cụ Giản, trong cuộc đời hẳn đã đón rất nhiều giao thừa, rất nhiều mồng Một ở chùa với tâm thiện lành, với ước nguyện quốc thái dân an, gia đạo thuận hòa, hạnh phúc. Đến khi chân không còn vững, mắt không còn tinh, trái tim các cụ vẫn rung lên cảm xúc “Cư Trần Lạc Đạo”, ở đời mà vui đạo, là giác ngộ ngay giữa cuộc đời, giác ngộ không phải xa lánh cuộc đời hay quên đời...

3. Trong nền văn hóa Phật giáo Việt Nam, Phật Di Lặc biểu trưng cho niềm vui, sự hoan hỉ, lòng hỉ xả, điều may mắn, nguồn phúc lộc và sự thịnh vượng. Có lẽ vậy mà trong truyền thống Phật giáo Việt, các chùa và tự viện thường gọi ngày mồng Một Tết Nguyên đán là ngày lễ vía Di Lặc, là ngày Phật Di Lặc hạ sinh.

Ở chùa Hưng Quang, sáng mồng Một, có đến hàng nghìn lượt người từ các nơi về dâng lễ Phật, trong đó có những người đã gửi hương linh ông bà, cha mẹ nương tựa cảnh chùa nên dù xa xôi mấy cũng tìm về. Khi bước chân vào chùa, có cảm giác chốn tôn nghiêm sáng bừng bởi nụ cười Phật Di Lặc - biểu tượng của hạnh phúc, lòng từ bi và sự hoan hỉ để quên hết mọi sầu não.

Từ hôm trước, thầy Huệ Chấn đã cho bố trí một cây khô, thường là mứt, cao tầm 3m, cành nhánh xòe quanh để làm “Cây ước nguyện”. Gọi thế, bởi cây xuất phát từ một bộ kinh có tên là Kinh Ước nguyện, bản kinh đề cập cụ thể các ước nguyện tốt đẹp của một tỳ kheo và con đường thành tựu ước nguyện ấy. Mỗi thiện nam tín nữ khi lễ chùa dùng bút ghi lời ước nguyện của mình lên tấm giấy nhỏ màu vàng (thường là giấy A4 cắt làm tư) rồi bỏ vào phong bì và treo lên cây.

Người trong gia đình có điều bất hòa thì ước nguyện: “Con mong ba mẹ con không cãi nhau nữa”. Người mong muốn hai đấng sinh thành của mình được mạnh lành thì ghi: “Con cầu mong cha mẹ được bình yên sau bệnh”. Cũng có sĩ tử sắp sửa đi thi, gửi lời nguyện ước thì ghi: “Con cầu mong năm nay được thi đậu để khỏi phụ lòng cha mẹ”...

Tới rằm tháng Giêng, nhà chùa cho đốt tất cả, gọi là “phần hóa”, để gửi những lời nguyện ước đầu năm của mọi người lên cao xanh. Tuy không ai đo đếm các ước nguyện đó có được bao nhiêu thành tựu nhưng giữa không khí đầy tín thành của ngày đầu năm mới, việc gửi những nguyện ước thầm kín của mình như một liệu pháp tâm lý giúp tâm hồn con người trong sáng hơn, hy vọng hơn, an yên hơn...

Lễ chùa vào thời khắc tiệm cận giữa năm cũ và năm mới, dường như đất trời và con người hợp nhất trong một sát na có tên gọi là Giao thừa. Mùi trầm hương thanh khiết chạm đến từng trái tim người, rũ bỏ những tục lụy buồn thương ngày cũ và làm cho thêm thơm những đóa hoa ước nguyện nở giữa lòng người trong ngày đầu năm mới.

VĂN THÀNH LÊ

.