Đà Nẵng cuối tuần
Tạo những con sóng thúc đẩy phát triển văn học
Cứ 5 năm một lần, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc (gọi tắt là hội nghị viết văn trẻ). Theo dự kiến, hội nghị viết văn trẻ lần thứ 10 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng trong năm nay sau khi trì hoãn do ảnh hưởng Covid-19. Sự kiện này là diễn đàn bổ ích để các cây bút trẻ giao lưu, học hỏi và bày tỏ những trăn trở cũng như đưa ra những đề xuất với mong muốn tạo ra những con sóng thúc đẩy phát triển văn học.
Đà Nẵng cuối tuần có cuộc phỏng vấn với các đại biểu: Phan Đức Lộc (Điện Biên), Đức Anh (Hà Nội), Trương Công Tưởng (Bình Định), Phát Dương (Cần Thơ).
* Bạn mong đợi gì khi tham dự hội nghị viết văn trẻ lần thứ 10?
Nhà văn Phan Đức Lộc. |
- Phan Đức Lộc: Hội nghị viết văn trẻ chính là cơ hội để tôi được gặp gỡ, giao lưu với những bạn văn toàn quốc, đặc biệt là các nhà thơ, nhà văn lớn mà lâu tôi vẫn âm thầm đọc tác phẩm của họ. Ở một góc nhìn vĩ mô hơn, tôi hy vọng hội nghị sẽ tìm ra được những hướng đi mới mẻ, rành mạch, thúc đẩy sự phát triển, khuyến khích sự dấn thân, đón nhận sự cách tân của các tác giả trẻ. Đồng thời, thông qua các cuộc hội thảo trong khuôn khổ hội nghị, tôi cũng mong muốn được lắng nghe, học hỏi những ý kiến, quan điểm sáng tác cá tính, đặc sắc và táo bạo, muốn được dự phần vào những cuộc tranh luận văn chương sôi nổi, gợi mở và mang đầy tính xây dựng. Và tôi tin, sau hội nghị này, tôi sẽ càng nhìn rõ hơn mình bé nhỏ ra sao để tiết chế bản thân lại, khiêm tốn hơn, nghiêm túc hơn, nỗ lực hơn.
Nhà văn Đức Anh. |
- Đức Anh: Theo tôi biết, Hội Nhà văn Việt Nam đang dành sự quan tâm rất lớn cho thế hệ văn chương kế cận. Bản chất của thế hệ văn chương 9X (và thế hệ Z) có nhiều biến đổi so với thế hệ trước. Sự du nhập tự nhiên của các luồng văn hóa trên thế giới, sự nở sớm của việc đọc và việc chúng tôi lớn lên trong môi trường giải trí - công nghệ đã tạo ra một tinh thần văn chương với những đặc trưng riêng.
Văn chương Việt Nam đang có một cơ hội đặc biệt: Chúng ta sẽ được chứng kiến sự ra đời của những dạng tác phẩm chưa từng có. Chúng ta cũng sẽ có nhiều nhà văn trẻ với tham vọng rất lớn, cùng kiến tạo một bản sắc để đóng góp chung vào khuôn mặt - không chỉ văn chương - mà là văn hóa Việt Nam. Hội nghị viết văn trẻ là dịp để nhìn lại và tiên tri cho những điều tuyệt vời ấy. Đó cũng là một sự kiện kích thích sự chuẩn bị toàn diện về việc đọc, quan sát văn học trẻ trong nước.
Nhà thơ Trương Công Tưởng. |
- Trương Công Tưởng: Đến với hội nghị lần này, tôi cũng như những người khác, muốn được gặp gỡ những người bạn mà lâu nay chúng tôi chỉ biết nhau qua tác phẩm và trên mạng xã hội. Thêm nữa, tôi muốn lắng nghe những người bạn viết cùng thời của mình nghĩ gì, muốn gì và viết gì. Tiếng nói của mỗi cá nhân sẽ làm nên tiếng nói của thế hệ, mà tôi cũng nằm trong thế hệ ấy.
Nhà văn Phát Dương. |
- Phát Dương: Tôi mong đợi sẽ gặp những cây bút trẻ tài năng cùng hội tụ. Thực tế, sự cạnh tranh lành mạnh luôn tạo đà cho sự phát triển, tôi nghĩ đây là cơ hội để các cây bút trẻ giao lưu và tìm hiểu vị trí của mình trong dòng chảy văn học hiện tại. Và những con cá nhỏ chúng tôi rất mong muốn được chia sẻ những suy nghĩ của mình, trình bày những thắc mắc và nguyện vọng, cũng như lắng nghe những kinh nghiệm quý giá từ các nhà văn tên tuổi. Tôi tin, bằng cách trao đổi trực tiếp, chúng ta sẽ tìm thấy những điều mới mẻ, tạo ra những con sóng lớn thúc đẩy sự phát triển của văn học.
* Theo bạn, lợi thế của những người viết trẻ là gì? Hiện nay, đội ngũ viết văn trẻ gặp những khó khăn trong sáng tác và Hội Nhà văn cần làm gì để hỗ trợ các cây viết trẻ phát triển tài năng?
- Phan Đức Lộc: Tùy vào môi trường sống, làm việc và các yếu tố khác nữa mà mỗi người trẻ sẽ khám phá ra những lợi thế, đồng thời hiểu rõ những khó khăn riêng của bản thân. Tuy nhiên, về cơ bản thì thuận lợi đầu tiên của đa phần các tác giả trẻ chắc chắn là sức khỏe. Thứ nữa là những cơ hội “xê dịch” và tiếp cận nhanh nhạy nhiều nguồn thông tin thông qua thực tiễn cuộc sống cũng như công nghệ 4.0 để từ đó làm mới mình bằng nguồn năng lượng tích cực, nhiệt huyết, sáng tạo. Còn khó khăn thì nhiều nhưng có lẽ khó nhất là việc cân đối thời gian cho sáng tác giữa những bộn bề mưu sinh, lập nghiệp, các mối quan hệ…
Để Hội Nhà văn gần gũi hơn với người trẻ, tôi mong trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục dành nhiều chỉ tiêu cho việc xét kết nạp những tác giả dưới 35 tuổi; đồng thời, chú trọng mở những diễn đàn trực tuyến trao đổi văn chương và lập trang Facebook Ban Văn trẻ để nơi đó thực sự là kênh thông tin chính thống kết nối các tác giả trẻ khắp mọi miền đất nước.
- Đức Anh: Chúng tôi có đông đảo độc giả cùng thế hệ với mình. Cách tiếp nhận văn chương của họ gần gũi với cách chúng tôi viết. Bạn đọc cùng sáng tạo với chúng tôi và tự họ tạo ra một thị trường cởi mở. Không lạ khi gần đây nhiều tác giả 9X mới xuất hiện đã có đông đảo bạn đọc trung thành như Thục Linh, Thảo Trang, Hiền Trang, Huỳnh Trọng Khang…
Chúng tôi trưởng thành khi nền xuất bản đã công bố nhiều tư liệu, nghiên cứu lịch sử - văn hóa có giá trị, cũng như các bản dịch của nhiều kiệt tác triết học - văn chương trên toàn thế giới ở cả cận đại lẫn đương đại. Nếu muốn trau dồi kiến văn, chúng tôi không cần quá vất vả như trước đây. Nhưng quan trọng hơn, những người viết trẻ cũng được tiếp nhận nội lực của văn hóa Việt Nam.
Những người trẻ đương nhiên vấp phải khó khăn lớn nhất là sự trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều. Trải nghiệm ở đây không có nghĩa là đi nhiều nơi, quan sát nhiều thứ, mà đã từng sai lầm, đã từng gây nên lỗi mà không thể trả, từng nợ cuộc đời, từng đi qua mất mát không thể vãn hồi…, đến khi nào chúng ta đặt bút xuống chỉ để văn chương cất lên một sám hối với chính mình. Nhưng những người viết trẻ khó có được điều ấy. Bù lại, chúng tôi còn nguyên cái nhìn phơi phới về cuộc đời và trí tưởng tượng mãnh liệt của những người tóc xanh.
Hiện tại, Hội Nhà văn vẫn phát huy rất tốt vai trò của tiền bối, giúp đỡ thế hệ văn chương trẻ. Chúng tôi mong mỏi cái nhìn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, về việc tìm kiếm, xuất bản và xuất khẩu văn học trẻ Việt Nam sẽ được trở thành một chiến lược nghiêm túc và dài hạn. Phía các nhà văn trẻ cũng gửi gắm nhiều tin yêu và hy vọng.
- Trương Công Tưởng: Lợi thế của người viết trẻ chính là tuổi trẻ. Khi anh trẻ, anh đầy năng lượng để học tập, tiếp nhận, đầy sức sáng tạo, khám phá, mạnh dạn để thể nghiệm… Tuy là lợi thế nhưng cũng chính là khó khăn, bởi vì anh trẻ nên anh chưa có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm ngoài đời sống cũng như trong trang viết. Tôi thấy hiện nay, chỉ cần một cái click chuột là có thể “xuất bản” tác phẩm ngay trên mạng, in ấn sách cũng khá dễ dàng, giải thưởng thì từ lớn đến nhỏ đều nở rộ. Những gì cần làm thì Hội Nhà văn đã, đang và sẽ làm, chỉ còn chờ người đủ tài năng, đam mê, tác phẩm đủ chinh phục bạn đọc, vậy thôi! Anh xuất bản bao nhiêu đầu sách, có bao nhiêu giải thưởng… cũng không quan trọng bằng tác phẩm có ở lại trong lòng bạn đọc hay không. Vì vậy, tôi nghĩ, đã đam mê thì dù như thế nào, ra sao, họ vẫn sẽ viết và có con đường đi riêng của mình.
- Phát Dương: Năng lượng trẻ có lẽ là lợi thế nổi bật nhất của những người viết trẻ, biểu hiện rõ bằng sự năng động, ham thích khám phá, dám nghĩ dám làm…, họ không ngại tìm tòi và thử sức ở những đề tài, những thể loại, những nội dung mới. Họ cũng không ngại thất bại, kinh nghiệm từ vấp ngã có lẽ là liều thuốc làm nên sức mạnh của họ. Thế nhưng, đó cũng chính là trở ngại của họ. Lấy ví dụ như vầy, một người viết chậm và lười với số lượng ít, so với người viết nhiều dám đổi mới và dám thất bại, người viết nhiều dễ bị đánh giá là hời hợt, không ổn định. Hơn vậy, vì quá mới nên nhiều sáng tác của người trẻ (dẫu trong quá trình tìm tòi thử nghiệm) không có nhiều đất dụng võ và được công nhận đúng mức. Tôi nghĩ, điều Hội Nhà văn cần làm là tìm, động viên và tạo thêm đất để người viết văn trẻ thỏa thích sáng tạo. Và cần có một đội ngũ chuyên môn có khả năng đánh giá đúng thực lực của các tác giả trẻ để bồi dưỡng đúng cách, tránh trường hợp bỏ sót và đánh giá sai dẫn đến đánh mất những tài năng tiềm ẩn.
*Cảm ơn các cây bút trẻ tham gia trao đổi!
ĐOÀN HẠO LƯƠNG