Đà Nẵng cuối tuần
Cột cờ Nam Định và Cột cờ Hà Nội
* Trong lần ghé thành phố Nam Định, tôi nghe nói nơi đây có Kỳ đài Thành Nam được xây dựng cùng thời với Kỳ đài Hà Nội. Rất mong chuyên mục Cửa sổ tri thức cho biết thêm thông tin về hai kỳ đài này. (Nguyễn Mỹ Vân, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)
Cột cờ Nam Định được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1962. Ảnh: V.T.L |
- Kỳ đài Nam Định và Kỳ đài Hà Nội đều được xây dựng cùng thời vào năm Gia Long thứ 11 (1812).
Kỳ đài Thành Nam còn được gọi là Cột cờ Nam Định là một công trình kiến trúc độc đáo tiêu biểu của Thành Nam xưa. Cột cờ xưa gọi là kỳ đài, nằm ở phía nam thành phố Nam Định, trước điện Kính Thiên (nay là chùa Vọng Cung).
Theo pa-nô giới thiệu “Cột cờ Nam Định và sự tích Giám Thương Công chúa” của Bảo tàng tỉnh Nam Định đặt trong khuôn viên kỳ đài rộng 1.800m2, Kỳ đài Nam Định được khởi dựng từ năm Gia Long thứ 11 (1812) đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) thì hoàn thành.
Năm 1873, khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Nam Định lần thứ nhất, nhiều tướng sĩ, nhân dân Thành Nam đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh, trong đó có liệt nữ anh hùng Nguyễn Thị Trinh. Bà là con gái của quan Vệ úy Nguyễn Kế Hưng, người coi kho lương ở Thành Nam lúc bấy giờ.
Ngày 11-12-1873, quân Pháp do Jean Dupuis chỉ huy đánh thành Nam Định. Quan Vệ úy Nguyễn Kế Hưng mang thân binh đến giúp quân sĩ bảo vệ Kỳ đài. Quân Pháp bao vây Kỳ đài mỗi lúc một đông. Nguyễn Thị Trinh liền tổ chức một đội quân ở lại trấn giữ kho lương, đích thân bà dẫn đầu một đội quân đến Kỳ đài đánh tập hậu để giải vây cho cha. Nhưng trước lợi thế về vũ khí tối tân của thực dân Pháp, nhiều tướng sĩ bảo vệ Kỳ đài lần lượt hy sinh, trong đó có liệt nữ Nguyễn Thị Trinh hy sinh khi mới ngoài 20 tuổi. Nhân dân Thành Nam an táng bà và các tướng sĩ ngay tại khu vực Kỳ đài.
Ngày 15-3-1874, sau Hòa ước Giáp Thân, quân Pháp rút khỏi Bắc Kỳ. Vua Tự Đức xét công lao, phong tặng những người có công chống Pháp. Liệt nữ Nguyễn Thị Trinh được phong tặng “Giám Thương Công chúa” (Công chúa coi Kho) và cho xây dựng miếu thờ bà tại Kỳ đài.
Năm 1891, vua Thành Thái truy phong bà thêm mỹ hiệu “Tiết liệt Anh phong”. Bà được nhân dân Thành Nam tôn phong là Thành hoàng Đương cảnh, Bạch Hoa Công chúa, thường gọi là Bà chúa Bản Tỉnh hay Bà chúa Cột Cờ.
Ngày 28-4-1962, Cột cờ Nam Định được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Từng bị đạn bom phá hủy, Cột cờ Nam Định được phục dựng theo đúng nguyên trạng vào năm 1997 với chiều cao tổng thể 23,84m.
Kỳ đài Hà Nội hay Cột cờ Hà Nội được xây dựng trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long. Theo mô tả của Báo Tiền Phong, từ vọng gác trên đỉnh cột cờ có thể quan sát toàn bộ thành Thăng Long xưa và vùng ngoại thành. Thực dân Pháp cũng sử dụng công trình này làm đài quan sát, kết nối liên lạc nên Kỳ đài không bị phá hủy.
Tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội), Kỳ đài Hà Nội có chiều cao 33m, nếu tính cả trụ treo cờ là 44m, cấu trúc gồm 3 tầng đế và một tòa tháp. Các tầng đế có hình chóp vuông cụt, diện tích nhỏ dần và được xếp chồng lên nhau theo thứ tự nhỏ dần. Cột cờ Hà Nội là một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể khu di tích thành cổ và là biểu tượng thiêng liêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
ĐNCT