Đà Nẵng cuối tuần

Giải pháp duy nhất

15:38, 26/03/2022 (GMT+7)

1. Ngày nào cũng như ngày nào. Buổi sáng, An thức dậy lúc 5 giờ 30. Dịch sách trong vòng 1 tiếng. Ăn sáng lúc 7 giờ và có mặt ở công ty đúng giờ làm việc lúc 8 giờ, toàn tâm toàn ý với vị trí biên tập viên cho một nhà phát hành sách. Nghỉ trưa lúc 11 giờ rưỡi, ăn cơm hộp mang theo, rồi tranh thủ giấc trưa để kiểm tra các đơn hàng. Quay lại làm việc lúc 13 giờ. 17 giờ tan sở, chạy xe và trừ đi khoảng thời gian tắc đường, cô tới cửa hàng ngót nghét lúc 17 giờ 30. Tiến hành xử lý các đơn hàng ban trưa và phát sinh, tiếp khách vãng lai lẫn online, lên lịch bài viết cho trang, cập nhật, niêm yết giá cả… cho tới khi đóng cửa lúc 21 giờ. Cuối cùng, về đến nhà khoảng 21 giờ rưỡi, đã có cơm nhà chờ. Giặt giũ, tắm rửa. Dịch sách trong 45 phút. Đi ngủ lúc cận 23 giờ 30. Tính ra vẫn phải ngủ đủ cỡ 6 tiếng mỗi ngày. Hạn chế hẹn hò, gặp gỡ vô bổ để chẳng có gì phải ràng buộc, bận tâm vẩn vơ. Tiết kiệm hết mức. Thỉnh thoảng, cô có những chuyến đi nước ngoài cùng nhóm bạn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

An 9X, còn trẻ chán! Nhưng cô đã định lịch trình công việc, hiếm khi thay đổi, cứ y chang đó mà làm. Vì thực ra, An không còn cách nào khác. Nếu không xoay xở, chịu khó “ăn nên làm ra”, thì rất sớm thôi, ngân hàng sẽ siết ngôi nhà duy nhất của gia đình.

Chuyện xảy ra khoảng từ một năm trước. Mọi thứ trước mặt An như tối sầm lại khi nhận giấy báo nợ từ ngân hàng. May thay, chỉ mình cô biết trước, và giữ kín bao lâu hay bấy lâu. Mọi thứ dường như vẫn ổn, vẫn vận hành theo tính toán. Chỉ riêng sự rệu rã bên trong An đã xuất hiện.

2. Theo suy đoán, An biết món nợ siết nhà này từ chính cha mà ra. Cô cũng biết, cha là người được nhận định biết làm ăn, sống biết trước biết sau, có tình có nghĩa. Chuyện thương thảo, tính toán làm ăn, cô “tuổi gì” mà phải dính dáng. Nhưng An lại là người đứng ra lãnh nhận hậu quả không hề nhỏ, đối với một đứa mới đi làm vài năm, vốn liếng chẳng thấm vào đâu.

Ngậm ngùi nhận ra nghịch cảnh đã xảy đến cùng với cái chết của cha trong một tai nạn giao thông. Nỗi mất mát chưa kịp nguôi ngoai thì bầu trời tuổi trẻ của An như phủ đầy mây xám bằng tờ giấy báo nợ. Cha đã đầu tư vào một dự án bất động sản “ma” nào đó. Theo tìm hiểu, thị trường bất động sản năm đó với nhiều gam màu xám, nổi cộm với tình trạng phân lô bán nền, lập dự án “ma” của công ty địa ốc X để bán cho gần 7.000 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng. Có lẽ, cha cô chỉ là một trong hàng nghìn khách hàng bị chiếm đoạt.

Người đón nhận thông tin đầu tiên là An. Cô không thể trách cha, vì sự tình đã rành rành. Nhưng An có niềm tin vào tình thương vô bến bờ của cha. Nhiều đêm thinh lặng, An thao thức, đọc kinh cầu nguyện và bật khóc trước di ảnh cha. Xin cha hãy phù hộ, soi sáng cho con nghĩ ra cách để cứu vãn tình hình. Không nên để mẹ và em biết nhà mình đang thiếu nợ cả tỷ đồng.

3. An dốc gần hết số tiền tiết kiệm, bắt tay vào kinh doanh cùng hai người bạn thân. Nhóm mở cửa hàng vừa nhỏ và có chiến lược kinh doanh với thương hiệu “3 Meows”- vì ba cô nàng cùng quý mèo.
Họ có những chuyến đi nước ngoài, du lịch thì ít mà tranh thủ ngụp lặn muốn đứt hơi ở xứ người để tìm mua các món đồ mới lạ, giá hời để về bày bán. Hay cả những cuối tuần mò xuống tận xưởng gốm ở Bình Dương nhặt nhạnh từng món, dọc đường mang về cầu xin đừng xảy ra va chạm, đổ bể. Cứ thế, ngốn đi nhiều cuối tuần, nhiều thời gian rảnh của những cô gái trẻ đầy nhiệt huyết và quyết tâm kiếm tiền chân chính.

Trước kia, họ cũng là sinh viên, từng lê la các hội chợ quy tụ nam thanh nữ tú, nhìn ngó, trao đổi, trò chuyện, ăn uống và đương nhiên không thể thiếu tiết mục mua sắm, vì quá nhiều gian hàng hấp dẫn. Hiểu được sức hút đó, họ đăng ký đặt gian hàng tại các hội chợ, chắc sẽ thu hút sinh viên - vốn có nhiều mối bận tâm chân thành.

Hội chợ tiềm năng nhất vẫn là mùa cuối năm, nên cả nhóm miệt mài cất công chuẩn bị rất nhiều món đồ. An cũng có khiếu may và làm đồ thủ công, chẳng là ngày xưa cô vốn được cha mẹ chiều chuộng những sở thích lành mạnh đó, nên thành ra, vừa thích vừa thạo, cho tới giờ.

Một đêm khuya, mẹ đợi An về để báo tin:

- Sắp tới ngày giỗ cha rồi con.

- Con có ý kiến thế này. Có nhất thiết phải tổ chức đám giỗ lớn không mẹ? Mẹ con mình có thể đọc kinh và đi lễ cầu nguyện cho cha, là đủ, được không? Đó là điều người đã khuất cần nhất.

Nhưng mẹ không đồng ý. Nhà vốn neo người, nên An thuê dịch vụ nấu ăn phục vụ trọn gói tới tận nhà. Vị chi hết 8 triệu đồng.

4. Cuối tuần, trong khi cả nhóm lui cui chuẩn bị cho hội chợ. Đến lúc về được thì cũng xế chiều. Vừa đến nhà, mẹ An mắng: 

- Trời ơi, đám giỗ cha, mà nó đi đâu từ sáng giờ. Mẹ không hiểu con nghĩ gì nữa.

-  Con biết lỗi rồi! Con xin phép.

Dồn nén xen lẫn tức tưởi, An chỉ biết quay đi ngay lập tức, lên phòng, đóng cửa lại. Lần này, An khóc rất lớn. Tưởng như bao nước mắt để dành, An rút cạn trong lần này.

An đang sống trong căn nhà quen thuộc bên người thân, nhưng chưa bao giờ An cho họ thấy những khốn cùng gặp phải. An cố gắng làm mọi thứ bằng sức mình có thể, để người thân được thấy mọi thứ hiện hữu vẫn ổn, trong khi An thì rệu rã.

An tắm rửa thay đồ, đi lễ cầu nguyện cho cha, rồi tạt qua thăm nhóm bạn, thấy họ vẫn đang miệt mài chuẩn bị cho hội chợ.

5. Em gái An về nghỉ hè. An vô tư chở em đi đây đó. Đột nhiên, khách hàng gọi đến, muốn giao món này món kia, cần gấp cho dịp đặc biệt. An tranh thủ chạy tới cửa hàng lấy đồ, sực quên mất, em mình vẫn còn ngồi yên sau lưng. Giao tới nhà khách hàng, An nhận về hai trăm bốn mươi nghìn.
Ngay hôm sau, tan làm, An chạy thẳng tới cửa hàng, bất ngờ thấy mẹ và em đang lui cui lau dọn. Chị bạn quay ra, nói nhỏ:

- Không biết sao, mẹ và em của em biết chuyện. Mà thôi, cứ để cho họ biết, như vậy cũng tốt. Em cứ giấu hoài vậy, sức nào chịu nổi.

Nghe mấy từ “sức nào chịu cho nổi”, An chạy ùa vào góc khuất mà bật khóc.

Tối hôm đó, quay về nhà, An thấy mẹ đang đọc báo. Đi ngang qua, mẹ gọi cô lại:

- Mẹ đang kiếm việc gì đó để làm thêm.

- Thôi mẹ à! Thời buổi giờ, khó làm cho bằng người ta lắm! Mẹ lại không rành, con cũng không muốn mẹ vất vả.

Mẹ cô rưng rưng:

- Vậy chuyện gì đang xảy ra? Con đang làm việc và chắt góp từng đồng. Nói mẹ nghe, có chuyện gì để mẹ con mình cùng tính. Mẹ không thể để con cáng đáng một mình được.

Biết không thể giấu được nữa, An kể mọi chuyện. Mẹ thở dài thườn thượt. Mẹ và cô cùng tính toán cho ra cách vẹn toàn nhất lúc này. Chỉ có giải pháp duy nhất: Hóa giá căn nhà phố, sẽ dứt điểm món nợ ngân hàng.

An đã nghĩ cách cầm cố, giữ lại ngôi nhà vốn mang giá trị vật chất lớn và gắn bó với nhiều kỷ niệm của cả gia đình. Nhưng nếu giữ lại ngôi nhà thì cả nhà cứ phải sống thắc thỏm vì lo toan, mải miết đi kiếm từng đồng để cầm cự qua ngày ư? An nghĩ sức mình thì có thể, dành vài năm tuổi trẻ hy sinh, đánh đổi. Nhưng giờ mẹ và em gái muốn mọi người cùng chung tay gánh vác. Thôi thì, món quà vật chất này đành chia trước, hóa giá, để đổi lấy an ổn. Thôi thì, trong cái rủi có cái may, gia tài của cả nhà cũng là do chắt chiu làm nên, chắc cha cũng an lòng.

An còn công việc chính cần chuyên tâm. Em gái cũng cần tiếp tục việc du học. Mỗi ngày, chỉ cần chúng con chu toàn bổn phận, để cuộc đời mình mỗi ngày thêm tốt hơn, là được. Mẹ sẽ về quê nhà khi biết mình không ham chốn thị thành nữa, thấy mình thừa thãi ở đây. Cũng không phải bước đường cùng đâu, mẹ cũng có ý định này rồi. Số vốn còn, cả nhà cùng chắt chiu thêm, khi em gái đi du học về, sẽ kiếm tìm một căn chung cư để ở.

Rồi cũng vượt qua được đoạn đường khó khăn và đáng nhớ, đáng trân trọng. Lần đầu An nếm trải cảm giác đi ở trọ. Mẹ cũng chỉ cách An hơn một tiếng chịu khó ngồi xe. Thỉnh thoảng cô lại nằn nì mẹ lên thành phố vài bữa, vừa để hâm nóng gian bếp, vừa  hâm nóng tình cảm mẹ con.

Không gì là mãi mãi, chỉ riêng tình cảm vẫn còn ở lại...

Nhất là thứ tình cảm từ ái của bậc làm cha làm mẹ trao đi, lúc nào cũng thật trọn vẹn nghĩa lý.

TRẦN DUY THÀNH

.