Góc nhớ

Ăn hàng trong chợ…

.

Tôi không nhớ lần đầu tiên Má dắt tôi vào chợ để ăn là vào lúc nào. Chỉ biết khi ấy, cảm giác như mình lạc vào một đám đông ồn ào, tất bật ngược xuôi…, nhưng tất cả sự chú tâm của một cậu bé chỉ là hướng vào tô bánh canh chả cá trước mặt…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đừng nói là cơ hội để bước vào một quán ăn nhỏ và gọi món, đó chắc chắn là thứ xa xỉ của thời thơ ấu nghèo khó. Chỉ cần được một buổi Má dắt theo đi chợ, rồi cho ghé một hàng ăn sáng giữa những tiếng rao, tiếng trả giá, tiếng chân người và cả sự nhếch nhác của những lối đi giữa chợ… thì đã là hạnh phúc.
Mỗi hàng ăn trong chợ chỉ chiếm một góc nhỏ, với một cái ghế gỗ dài đặt phía trước cái bàn phủ lên tấm nhựa cũ sờn. Trên những mặt bàn ấy là những nồi chè ngập tràn màu sắc, có lúc là những khay bánh căn vàng rộm màu trứng gà lẫn với tôm tươi, cũng có khi là một thau bánh bèo xếp cùng bánh hỏi, bánh bột lọc…, rồi thì những nồi nước lèo nấu bún bò, bún cá…

Những hàng ăn trong chợ không dành cho khách bên ngoài đi ăn sáng. Dĩ nhiên là vậy. Vì đã là chợ thì khó mà sạch sẽ, ngăn nắp, chu đáo... Ngồi ăn giữa chợ cũng chẳng thể nói chuyện thư thả hoặc yêu cầu mọi người chung quanh nói năng nhẹ nhàng. Đối tượng chính để các hàng ăn trong chợ phục vụ là những người bán hàng trong chợ, cộng thêm người đi chợ nhân tiện ghé ăn vào buổi sáng sớm…
Hàng ăn trong chợ có ngon không? Xin thưa là rất ngon! Có rẻ không? Xin thưa là rất rẻ!
Ngon là vì bán cho người trong chợ ăn không dễ chút nào. Chỉ cần nấu ăn dở, nguyên liệu có vấn đề thì sẽ bị ngay các bà, các chị đồn từ đầu chợ cho đến cuối chợ….

Còn rẻ là vì người trong chợ chuyên nghiệp đến mức nhìn nguyên liệu, nhìn cách nấu thì biết mức giá bán như thế nào là phù hợp. Chủ yếu người bán hàng ăn trong chợ lấy công làm lời. Nhưng bán hàng ăn trong chợ lại có mức độ an toàn cao, bởi hầu như ngày nào cũng có một lượng khách nhất định loanh quanh trong chợ.

Có lần theo Má đi chợ, tạt ngang qua sạp hải sản, Má mua vội 2 khay mực con tươi roi rói vừa chuyển lên từ ghe. Xong lật đật hai Má con di chuyển qua hàng bánh xèo, nhờ người bán rửa sơ mực rồi cứ thế cho lên các khuôn bánh xèo trên các bếp củi nhỏ… Ngày tháng về sau, trên hành trình ngược xuôi khắp các vùng miền, ăn không biết bao nhiêu món ngon vật lạ, song những cái bánh xèo với phần nhân bên trên là 2-3 con mực tươi, cùng ít giá và đậu xanh bóc vỏ của hàng ăn nằm trong góc chợ quê năm ấy, vẫn luôn là một trong những món ăn ngon nhất cuộc đời từng được nếm.

Câu chuyện của những hàng ăn trong chợ này được kể bởi ký ức dài hơn 30 năm. Chợ quê ngày ấy bây giờ đã khang trang hơn. Và những ngôi chợ trên khắp Việt Nam, theo thời gian cũng biến chuyển với rất nhiều thay đổi như quy luật tất yếu của cuộc sống. Thế nhưng, ở đâu đó trong lòng của những ngôi chợ thành phố hay tỉnh lẻ, những hàng ăn vẫn nép mình bên cạnh sự ồn ào của chợ để bán những món ăn ngon, rẻ cho chính những “cư dân” của chợ.

Nếu có một lần nào, bạn tình cờ bước chân qua một ngôi chợ, có thể thử hỏi một ai đó trong chợ lối dẫn đến hàng ăn. Hãy đến và ngồi xuống một hàng ăn bất kỳ mà bạn thích. Và, trong khoảnh khắc ấy, làm ơn cho bản thân một cơ hội quên đi những tất bật xung quanh, để ăn một món ăn…
Mà lắm khi món ăn ấy sẽ là trải nghiệm đời người!

NGUYỄN PHONG VIỆT

;
;
.
.
.
.
.