Theo hệ thống tổ chức đơn vị hành chính dưới triều vua Thành Thái, năm 1905, tỉnh Quảng Nam có hai phủ là Thăng Bình và Điện Bàn, trong đó phủ Thăng Bình gồm 3 huyện là Quế Sơn, Lễ Dương và Hà Đông. Đến nay, hầu hết các tài liệu, công trình nghiên cứu đã xuất bản đều ghi huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ vào năm 1906 (năm Thành Thái thứ 18), sau đó đổi tên thành Tam Kỳ; phủ lỵ chuyển từ xã Chiên Đàn vào thôn An Hòa, xã Tam Kỳ, nay di tích phủ đường vẫn còn sau khuôn viên UBND phường An Mỹ.
Thành phố Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay. Ảnh: XUÂN SƠN |
Để xác định thời điểm thành lập phủ Tam Kỳ như nói trên, có lẽ các bài viết, công trình nghiên cứu đã xuất bản đều dựa vào sách Đại Nam nhất thống nhất chí (quyển thứ 5) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn bằng chữ Hán dưới triều vua Duy Tân. Đại Nam nhất thống nhất chí được viết theo thể loại địa chí, giới thiệu khái quát về quá trình thành lập của tỉnh Quảng Nam cũng như các huyện, phủ trong tỉnh bấy giờ; những nét cơ bản về hình thế, khí hậu, phong tục, thành trì, học hiệu, hộ khẩu, sơn xuyên, khe đầm, cổ tích, lăng mộ, nhân vật…
Viết về sự thay đổi địa giới và tên gọi đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và phủ Tam Kỳ, Đại Nam nhất thống nhất chí (Tư Trai Nguyễn Tạo dịch sang Quốc ngữ, Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản năm 1964) viết: “Năm 18 (1906) cải huyện Hà Đông làm phủ Hà Đông, sau cải làm phủ Tam Kỳ kiêm lý cả huyện Hà Đông” (tr.7), “Năm Thành Thái thứ 18 (1906) thăng lên làm phủ, mới đặt chức Tri phủ, đổi làm Tam Kỳ phủ kiêm lý huyện Hà Đông; nay lãnh 1 huyện” (tr.12).
Tuy nhiên, hầu hết các tài liệu, công trình nghiên cứu đã xuất bản không ghi thời điểm cụ thể nào của năm 1906 nâng huyện Hà Đông thành phủ Hà Đông và sau đó đổi tên thành Tam Kỳ. Sự khiếm khuyết này đã ảnh hưởng nhất định cho việc nghiên cứu, phân biệt tên gọi hành chính lúc giao thời giữa huyện Hà Đông, phủ Hà Đông, phủ Tam Kỳ và khi đặt trong mối quan hệ với các đơn vị trực thuộc phủ Hà Đông, phủ Tam Kỳ cũng như các đơn vị hành chính liên quan của tỉnh Quảng Nam. Cũng chính vì không có thời điểm cụ thể nên việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm thời điểm thành lập phủ Tam Kỳ trong thời gian qua thường ghi chung là năm 1906, không có ngày, ít ra là tháng.
Vậy phủ Tam Kỳ được thành lập vào thời gian cụ thể nào của năm 1906? Để có câu trả lời, bản thân người viết đã tham khảo nhiều tài liệu, trong đó có bộ lịch sử Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Nguyên bản bộ lịch sử này viết bằng chữ Hán, chưa từng được triều Nguyễn cho khắc in, càng chưa được dịch ra chữ Quốc ngữ nên đông đảo người đọc trong và ngoài nước còn chưa biết đến.
Bản thảo được dùng để phiên dịch và giới thiệu là văn bản chép tay duy nhất hiện được biết đến do nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh nhờ chụp lại ở Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ (Paris, Pháp) và gửi về nước. Bản thảo này không có ở Việt Nam và cũng chưa có tài liệu nào trong nước nhắc đến. Cao Tự Thanh cũng người là dịch và giới thiệu nội dung công trình này (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2012).
Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên chủ yếu ghi chép các sự kiện, lĩnh vực và quá trình vận động xã hội trên địa bàn các tỉnh thuộc Trung Kỳ, Bắc Kỳ trong 28 năm từ năm 1889-1916 và được chia thành 29 quyển, mỗi quyển tương ứng với một năm dưới triều vua Thành Thái (1889-1907) - 19 quyển, triều vua Duy Tân (1907-1916) - 10 quyển. Gọi là phụ biên vì được chép thêm vào sách Đại Nam Thực lục Chính biên viết về thời vua Đồng Khánh (1885-1889).
Thời điểm thành lập phủ Tam Kỳ được biên soạn trong quyển 18, cụ thể là năm Bính Ngọ - Thành Thái thứ 18 (1906): “Tháng 6. Đổi huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam làm phủ, vì một huyện địa thế rộng lớn dinh điền quá nhiều nên đổi làm phủ (ấn kiếm đồ kỷ của quan lại đều chiếu lệ phủ nha mà làm)” (tr. 501). Như vậy, việc đổi huyện thành phủ lúc này, ngoài Tam Kỳ còn có Tuy Phước, tỉnh Bình Định và lý do việc nâng huyện lên phủ là do địa bàn rộng, ruộng đất nhiều; thời điểm là tháng 6-1906.
Qua việc đổi huyện thành phủ cho thấy người Pháp và chính quyền Nam triều rất coi trọng địa bàn Tam Kỳ ở khu vực phía nam tỉnh Quảng Nam bấy giờ, không chỉ về diện tích rộng, dân số đông và mà còn cả về mặt chính trị, kinh tế, xã hội.
Về thời điểm chuyển tên Hà Đông thành Tam Kỳ, Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên không ghi cụ thể thời gian, nhưng qua các nội dung liên quan thì có thể xác định thời gian sớm nhất xuất hiện tên gọi phủ Tam Kỳ. Tại quyển 19, năm Đinh Mùi Thành Thái thứ 19 (1907), Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên ghi vào tháng 3: “Bãi đoản binh ở phủ hạt Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam. Trước năm Thành Thái thứ 12 vì dân Man quấy nhiễu nhiều nên chuẩn cho ba tổng Tiên Giang, Phước Lợi, Đức Hòa ở hạt ấy chọn người sung vào đoàn binh (mỗi tổng 100 người) để phòng bị.
Đến lúc này dân Man đã tạm yên ổn, quan tỉnh và Trú Sứ tỉnh ấy nghĩ xin triệt bãi (số đoản binh ấy cho trở về tráng hạng, chịu thuế, bắt đầu từ năm sau), bộ Hộ tâu lên, chuẩn cho thi hành” (tr. 519). Trú Sứ tức là Viên Công sứ người Pháp ở Quảng Nam. Tiếp theo, vào tháng 4, Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên một lần nữa nhắc đến Tam Kỳ: “Quan tỉnh Quảng Nam báo về tình hình bệnh tật (dân gian nhiều người phát bệnh thương hàn, về sau sinh ra sốt rét, hoặc bệnh nặng, hoặc chết; ở Quế Sơn, Thăng Bình là nặng nhất, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hòa Vang đỡ hơn Chuẩn trích tiền mua thuốc (ký ninh) chia cấp cho” (tr. 520-521).
Như vậy, qua hai trích dẫn trên cho thấy ít ra đến tháng 3 năm Thành Thái thứ 19 - tháng 4- 1907, đã xuất hiện chữ Tam Kỳ gắn với tên gọi phủ (phủ hạt). Điều này cũng phù hợp với nhiều tài liệu, sách nghiên cứu đã xuất bản khi cho rằng sang năm 1907, đổi tên Hà Đông thành Tam Kỳ.
Tóm lại, qua Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên một lần nữa khẳng định phủ Tam Kỳ thành lập năm 1906 và đổi tên từ Hà Đông thành Tam Kỳ vào năm 1907. Đáng chú ý, qua bộ lịch sử trên đã xác định thời điểm cụ thể thành lập phủ Tam Kỳ là vào tháng 6 của năm Thành Thái thứ 18, tức tháng 7-1906 và đổi tên thành Tam Kỳ ít ra vào tháng 3 năm Thành Thái thứ 19, tức tháng 4-1907. Vấn đề còn lại là trên cơ sở này, chúng ta tiếp tục xác minh, làm rõ hơn ngày cụ thể chuyển huyện thành phủ và ngày đổi tên Hà Đông thành Tam Kỳ qua các tấu của quan lại tỉnh Quảng Nam, tấu của các bộ dưới triều Thành Thái và bút phê của vua Thành Thái.
PHAN XUÂN QUANG