Ký ức ngày giải phóng

.

Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê), chúng tôi được nghe ông Bùi Hồng Khanh (76 tuổi), nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và vợ là bà Lê Thị Ngọc Lan (68 tuổi), nguyên Phó ban thường trực Ban liên lạc Tổng Đoàn học sinh Đà Nẵng kể về những ngày Đà Nẵng sục sôi khí thế đấu tranh, giành giải phóng dân tộc.

Ông Bùi Hồng Khanh, nguyên Cán bộ Biệt động thành Đà Nẵng và bà Lê Thị Ngọc Lan, Phó Ban thường trực Ban liên lạc Tổng Đoàn học sinh Đà Nẵng tự hào kể về những ngày thành phố sục sôi khí thế giải phóng.  Ảnh: THANH TÌNH
Ông Bùi Hồng Khanh, nguyên Cán bộ Biệt động thành Đà Nẵng và bà Lê Thị Ngọc Lan, Phó Ban thường trực Ban liên lạc Tổng Đoàn học sinh Đà Nẵng tự hào kể về những ngày thành phố sục sôi khí thế giải phóng. Ảnh: THANH TÌNH

Trong ký ức của ông Khanh, những ngày giữa tháng 3-1975, trên chiến trường Quảng Đà, tình hình chiến sự diễn ra thuận lợi. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương khẳng định thời cơ lớn đã đến và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Thực hiện chủ trương của Trung ương, quân và dân ta tiếp tục đẩy mạnh tấn công địch, nhanh chóng tiêu diệt lực lượng Quân đoàn 1 ngụy, không cho chúng co cụm chiến lược ở Đà Nẵng hoặc rút chạy về Sài Gòn.

Ngày 24-3-1975, Thị xã Tam Kỳ (tỉnh Quảng Tín lúc bấy giờ) giải phóng, trên đà thắng lợi, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng với chỉ đạo “Kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng”. Lần lượt các ngày từ 25 đến 27-3-1975, quân địch bị tiêu diệt và tan rã tại tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Tín, vòng vây Đà Nẵng càng siết chặt, tình hình an ninh trật tự trở nên hỗn loạn, tàn quân địch lợi dụng cướp bóc, chém giết lẫn nhau. Thực hiện phương án “Huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, hàng loạt chốt điểm, khu dồn ở huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang được bộ đội địa phương, du kích và nhân dân bao vây tiến công, bức rút, bức hàng.

Đặc biệt, từ ngày 28-3-1975, ở phía nam, Sư đoàn 2 chủ lực Quân khu 5 dọc đường 1 đánh chiếm Bà Rén, Trung đoàn 96 Quảng Đà đánh chiếm thị trấn Nam Phước, sau đó vượt sông Thu Bồn, đường 100 tập kết lực lượng tại xã Điện Hòa. Ở phía bắc, các Sư đoàn 324, 325 (Quân đoàn 2) đánh chiếm đèo Hải Vân, đèo mũi Trâu. Ở phía tây, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) tiến công theo đường 14.

Trong đêm, tướng tá Ngụy và Tổng lãnh sự quán Mỹ tìm cách bỏ trốn nhưng đi đến đâu cũng bị quân ta bịt đường, khiến chúng phải dùng máy bay trực thăng đưa ra tàu chiến ngoài khơi. Trên đà thắng lợi, tiền phương Đặc khu ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận 44 Quảng Đà tổ chức họp tại xã Điện Hòa phổ biến mệnh lệnh, giao nhiệm vụ cho các đơn vị địa phương, phân công cán bộ lãnh đạo chỉ huy đi các hướng.

Mờ sáng 29-3-1975, các cánh quân của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương thần tốc tiến vào Đà Nẵng. Lúc này, lực lượng bên trong thành phố cũng nổi dậy làm chủ một số địa bàn và sử dụng ô-tô của quân ngụy đi đón bộ đội vào. 9 giờ sáng 29-3-1975, các cánh quân từ phía nam tiến ra, phía bắc tiến vào, phía tây tiến xuống đã đánh chiếm sân bay Đà Nẵng. 10 giờ cùng ngày, cánh quân phía đông đánh chiếm sân bay Nước Mặn.

Tại trung tâm thành phố, lực lượng tự vệ - biệt động đã chiếm lĩnh một số mục tiêu quan trọng, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy. 11 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 1 R20 đã đánh chiếm và treo cờ chiến thắng lên nóc Tòa Thị chính. Ở phía đông, Trung đoàn 79 tiến công, dồn quân địch ra bán đảo Sơn Trà, buộc quân địch phải đầu hàng. Các đơn vị còn lại tiếp tục tiến công chiếm các mục tiêu trong thành phố, đến 15 giờ 30 ngày 29-3-1975, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng.

Cũng thời điểm này, ông Bùi Hồng Khanh là cán bộ tác chiến ban 12, được giao nhiệm vụ cấp tốc vào nội thành Đà Nẵng chỉ huy lực lượng tự vệ - biệt động. Ông Khanh nhớ lại, khi nhận lệnh ra chỉ huy lực lượng tự vệ - biệt động Đà Nẵng, ông nhanh chóng tổ chức đội hình, trang bị vũ khí, rạng sáng ngày 29-3-1975 tiến vào Đà Nẵng.

Lúc xe chạy đến ngã ba Huế, biết xe của bộ đội giải phóng, người dân chạy ra xem đông đúc. Đến ngã ba Cai Lang, xe không di chuyển được, ông đi bộ theo đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) đến số nhà 30 Nguyễn Thị Giang (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) thiết lập cơ sở chỉ huy, gọi các đội biệt động giao nhiệm vụ nhanh chóng chiếm cơ sở ngụy đã bỏ chạy, vận động nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, làm nhiệm vụ dẫn đường cho quân giải phóng.

Chung ký ức về những ngày thành phố sục sôi khí thế đấu tranh, bà Lê Thị Ngọc Lan kể, từ ngày 26 đến 28-3-1975, bà cùng các chị đội biệt động Đà Nẵng nhận nhiệm vụ liên lạc và may cờ chuẩn bị phục vụ chiến đấu.

“Những ngày ấy chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, không ngơi nghỉ, ai cũng rôm rả chuyện trò, chia sẻ tình hình chiến sự. Trưa 29-3-1975, nghe tin quân giải phóng vào thành phố, tôi cùng các chị em xuống đường xem. Hình ảnh tôi ấn tượng nhất lúc đó là tại đường Hùng Vương giao với Trần Phú, tầm 5-6 xe chở từng tốp bộ đội giải phóng đội mũ sao vàng hiên ngang đi vào thành phố. Lúc đấy tôi rất hồi hộp và mừng vui vì sau bao ngày chờ đợi, thời khắc giải phóng nay đã thành hiện thực”, bà Lan chia sẻ.

Cùng tham gia hoạt động biệt động thành, ông Khanh và bà Lan gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Ngồi trước mặt chúng tôi, lật giở những trang sử hào hùng về thời tuổi trẻ đã sống và chiến đấu, vợ chồng ông Khanh nói rằng trong những ngày thành phố chưa giải phóng, ông bà sống với một lý tưởng duy nhất: vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì Tổ quốc thống nhất. Vì thế, dù nhiều lần kề cận giữa sự sống và cái chết, tưởng chừng sẽ hy sinh nhưng khi tỉnh dậy, họ lại tiếp tục cống hiến, tiếp tục chiến đấu, không hề sợ nguy hiểm, hy sinh.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.