Vẽ hy vọng trên những bức tường ở Zimbabwe

.

Với bút lông và lọ sơn, nghệ sĩ đường phố Basil Matsika đã vẽ những bức tranh tường vui tươi về các ngôi sao ca nhạc - thể thao, nhạc sĩ địa phương và cuộc sống thường ngày, truyền cảm hứng về tương lai tươi sáng giữa cảnh nghèo đói bao trùm Mbare, một trong những thị trấn lâu đời nhất của Zimbabwe ở thủ đô Harare.

Nghệ sĩ đường phố Basil Matsika trước bức tranh tường của ông.  Ảnh: The Guardian
Nghệ sĩ đường phố Basil Matsika trước bức tranh tường của ông. Ảnh: The Guardian

Trong khi nhiều người coi Mbare là khu phố nhiều tội phạm, ông Basil Matsika lại chọn tìm kiếm vẻ đẹp đơn thuần phía trong những bức tường vá víu, bẩn thỉu của căn hộ Matapi - nơi đã trở thành một trong những không gian lý tưởng để ông vẽ những bức tranh tường khổng lồ. Ông thường bắt đầu bằng cách phác thảo hình ảnh bằng bút chì trước khi sơn.

Basil Matsika lý giải: “Tôi thường thay thế những bức tranh vẽ bậy thô tục trên tường bằng cách vẽ đè lên những bức tranh khác tươi sáng hơn về chân dung các anh hùng địa phương của chúng tôi”. Ông cũng cho biết, để bảo vệ trẻ em và cộng đồng khỏi tiếp xúc với những ngôn từ tục tĩu, ông chọn cách vẽ, chọn cách tạo ra một điều gì đó đẹp đẽ từ cái mà xã hội coi là bẩn thỉu. Nghệ thuật mà người nghệ sĩ đường phố này hướng tới chính là bảo vệ lịch sử của thị trấn Mbare.

“Chúng tôi luôn muốn truyền đi những thông điệp tốt đẹp từ nghệ thuật của mình bởi vì, như bạn biết, thị trấn Mbare vẫn luôn nổi tiếng với những điều tồi tệ”, ông Matsika nói.

Matsika cho rằng, lịch sử của Mbare gắn liền với âm nhạc. Nơi đây tự hào về việc nuôi dưỡng các ngôi sao Zimdancehall (dancehall là thể loại âm nhạc nổi tiếng của Jamaica từ cuối những năm 1970, Zimdancehall được xem là một thể loại nhạc đường phố ở Zimbabwe) nổi tiếng nên ông thường vẽ họ.

“Đây là những anh hùng địa phương của chúng tôi. Họ đã đưa thị trấn Mbare lên bản đồ và đổi lại, tôi đã vẽ những bức tranh tường để lại cho hậu thế. Những bức tranh sẽ dạy cho con cái chúng tôi rằng đã từng có những con người tuyệt vời như vậy trong thị trấn nghèo này”, ông nói.

Người quản lý nghệ thuật của Mbare, ông Abraham Chimweta cho biết: “Những người qua đường không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chụp ảnh ở đây và điều này khiến tôi rất tự hào vì nghệ thuật của chúng tôi đang được đánh giá cao. Ngay cả những người từ ngoại thành cũng đến đây để chụp ảnh bên cạnh những nghệ sĩ mà họ yêu thích”.

Mbare đã trở thành quê hương graffiti (hình vẽ trên tường) của thành phố Harare và xung quanh đó là những bức tranh tường kể câu chuyện về thị trấn này, với các nghệ sĩ chuyên hát nhạc dancehall nổi tiếng được vẽ trên mọi bức tường. Với Matsika, Mbare giống một bảo tàng của riêng thị trấn. “Chúng tôi đang ghi lại lịch sử của chính mình: 100 năm sau, thế hệ sau sẽ biết có rất nhiều nghệ sĩ đã bước ra từ cộng đồng này”, nghệ sĩ Matsika nói.

HOÀNG ĐẶNG (theo The Guardian)

;
;
.
.
.
.
.