Đà Nẵng cuối tuần
Cánh cửa nhà lao Con Gà
Có lẽ ít ai hình dung Trung tâm triển lãm Văn hóa thông tin Đà Nẵng ngày trước (số 84 Hùng Vương, quận Hải Châu) từng là địa điểm nhà lao Con Gà - nơi thực dân Pháp giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Mọi dấu vết về nhà lao Con Gà trên khu đất này đã bị xóa nhòa từ lâu và chứng tích về nơi địa ngục trần gian thuở nào chỉ duy nhất còn lại hai cánh cổng sắt hoen gỉ.
Hai cánh cửa sắt này là vết tích duy nhất còn lại của nhà lao Con Gà, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: THÁI MỸ |
Theo tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng, để giam cầm đồng bào, chiến sĩ yêu nước, thực dân Pháp đã lấy trại lính khố xanh trên tuyến đường Đồng Khánh (nay là đường Hùng Vương) để xây dựng nhà lao, đặt tên Trại 676 hoặc nhà lao 676. Hầu hết người dân Đà Nẵng đều gọi nơi đây là nhà lao Con Gà bởi lúc bấy giờ phía đối diện nhà lao có một vườn hoa nhỏ và Pháp đã xây dựng tại vườn hoa này một Đài kỷ niệm lính Việt tòng chinh qua Pháp bị tử trận trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918), trên đỉnh đài có tượng con gà trống bằng đồng.
Các cựu tù chính trị từng bị Pháp giam giữ ở nhà lao Con Gà, trong đó có ông Trần Thanh Kim (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), lúc còn sống đã kể rằng, vào tháng 1-1949, ông Kim bị bắt khi đang hoạt động tại thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Còn ông Nguyễn Văn Châu (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) bị bắt trong lúc đang giấu cờ Tổ quốc và tài liệu mật ngay trong nhà mình. Lính Pháp ập tới đốt nhà, bắt ông giải đi.
Qua ký ức của ông Kim, ông Châu, nhà lao Con Gà do trùm mật thám Bernard chỉ huy. Xung quanh nhà lao là các con đường Đồng Khánh (nay đường Hùng Vương); Guillemin (đường Nguyễn Chí Thanh), Galliéni (đường Yên Bái) nên diện tích giam giữ nơi đây khá rộng. Có lúc lính Pháp lùng sục, bắt giam hàng ngàn người, đánh đập, tra tấn cực kỳ man rợ. Với những người không chịu khuất phục trước đòn roi, chúng tìm cách thủ tiêu.
Trong số các tù nhân bị bắt đưa vào nhà lao Con Gà rất sớm là Huỳnh Ngọc Huệ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 10-3-1945, Huỳnh Ngọc Huệ thoát ra ngoài, được bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam và cử làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Năm 1949, nhà lao Con Gà được Pháp sửa sang lại kiên cố hơn và phân riêng biệt 3 khu giam giữ cho số tù nhân khác nhau: Khu một để giam những cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị chúng bắt tại mặt trận và những người bị phát hiện trong các hầm bí mật; khu hai để giam những người bị bắt trong các cuộc lùng sục, bố ráp, bao gồm cả người già, trẻ em mà chúng nghi là hoạt động bí mật và khu thứ ba giam phụ nữ.
Từ năm 1950, Pháp mở rộng các cuộc càn quét, bắt người đưa về nhà lao Con Gà ngày càng nhiều, có lúc trong các khu giam giữ có tới 1.000 - 1.500 người. Tuy nhiên, ngọn lửa yêu nước chốn lao tù vẫn hừng hực, các phong trào đấu tranh liên tục diễn ra. Các cuộc tuyệt thực, chống chào cờ, tổ chức vượt ngục đều có sự chỉ đạo của chi bộ “Quyết tiến” do đồng chí Trần Thanh Kim làm Bí thư. Dần dần số đảng viên trong nhà lao Con Gà ngày càng đông nên mỗi khu giam giữ có thêm một chi bộ dưới sự lãnh đạo của Liên chi ủy.
Các tổ chức đảng trong nhà lao đã tìm mọi cách kết nối, liên lạc chặt chẽ, chỉ đạo nhiều cuộc đấu tranh như chống đàn áp bạo lực tù nhân, không để tù nhân đói khát, đòi thực hiện nghiêm túc các quy định của quốc tế về đối xử nhân đạo với tù nhân, chống chào cờ địch, dạy học cho người mù chữ, gây cảm tình với một số lính gác nhà lao để tạo điều kiện cho các cuộc vượt ngục. Do công tác dân vận khéo nên vào đêm hè tháng 6-1950, Liên chi ủy đã tổ chức cho 5 cán bộ thoát ra bên ngoài; đêm 14-7-1950 tổ chức cho 2 cán bộ đào thoát thành công...
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève ký kết, các tù chính trị được trao trả theo quy định và sau đó nhà lao Con Gà bị phá bỏ hoàn toàn… Chứng tích về nhà lao Con Gà giờ đây chỉ còn hai cánh cửa cổng sắt được Trung tâm triển lãm Văn hóa thông tin Đà Nẵng bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng từ tháng 5-1991, nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.
THÁI MỸ