Đà Nẵng cuối tuần

Hàng chè tàu tuổi thơ

14:17, 16/04/2022 (GMT+7)

Ở một số vùng miền, chè tàu còn có tên gọi khác là trà cọc rào, chà tàu, xà tàu… Riêng làng tôi, ai cũng gọi loài cây này là chè tàu. Có thể do lá cây này có màu sắc, hình dáng khá giống với lá của cây chè xanh, khi vò trên tay, chúng cũng giòn tan, tỏa ra mùi hương ngai ngái y như mùi lá cây chè. Cũng như bao hàng chè tàu khác ở làng, hai hàng chè tàu dẫn vào nhà tôi quanh năm xanh tốt. Mỗi ngày, bức tường cây ấy càng thêm ngay ngắn, rợp xanh, điểm tô duyên dáng cho nơi chốn trở về.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thuở ấu thơ, tôi từng gắn bó với những hàng chè tàu bao bọc vườn tược, nhưng thật ra tôi chưa bao giờ để tâm, thắc mắc về cái tên mà khi phát âm lên cứ nghe nằng nặng - chè tàu. Phải đến những lần trở lại thăm làng gần đây, khi làng quê đã dần vắng bóng những hàng cây xanh biếc, tôi mới ngổn ngang đi tìm lại những dòng ký ức xa xôi nơi con ngõ trước nhà.

Chăm sóc chè tàu dễ lắm. Nó là loại cây thuộc họ rễ chùm, chịu hạn tốt, lại ít sâu bệnh nên năm thì mười họa mới thấy nội cầm liềm ra tỉa tót, uốn dáng nắn cành. Tôi chưa bao giờ thấy nội phải gia công tưới nước, nhổ cỏ, bón phân…

Hàng chè tàu có độ cao vừa phải, nên thật dễ hiểu khi nó trở thành nơi trưng dụng của nhiều người lớn. Cha mẹ sau khi đi làm đồng về, trời đang nắng sẽ tiện tay vắt lên đấy mấy bộ áo quần lao động đẫm mùi mồ hôi. Còn nội sáng mùa hè nào cũng săm soi, nâng lên đặt xuống trên bề mặt đủ loại hàng thức để phơi phóng, nào là mẹt bầu, bí, măng tươi, khoai lang, sắn dẻo… Có khi nội còn tận dụng cành cây chè tàu để vót nhọn thành tăm xỉa răng, hay bó chè tàu thành những chiếc chổi rành chiều chiều quét lá...

Đời chè tàu thân thuộc, thăng trầm cùng bao thế hệ chủ nhân. Ai vào nhà mà không đi qua ngõ, ai từ xa về mà không sột soạt bước lên đám lá chè tàu. Hàng xóm láng giềng sống cạnh nhau, dùng chung hàng chè tàu làm ranh giới lúc nào cũng thân thiết, gắn bó như anh em ruột thịt. Buồn, vui liền vạch bụi chạy sang, có gì ngon cũng không ngớt líu lo gọi, trao qua gửi lại trên đám chè tàu. Riêng với tụi trẻ con, hai hàng chè tàu xanh um dẫn từ đường vào sân chính là chốn hò hẹn thân quen. Tụi con gái chia phe đánh thẻ, chơi trốn tìm. Những dáng hình lô nhô, lấp ló qua mắt lá, những đôi mắt trẻ thơ như bi ve, lấp lánh cùng nắng trong vườn.

Hàng chè tàu ít sâu bọ, thay vào đó là một thế giới loài vật khiến đám con trai mê tơi, thích thú. Những chú bọ ngựa ẩn mình vì màu xanh như lá, chúng không ngừng kéo hai lưỡi kiếm rọt rẹt vào nhau. Những chú kỳ nhông với chiếc đuôi cong dài và chiếc cổ đỏ au au màu ớt cũng rón rén, vươn mình, trườn ra phơi nắng. Rồi những chú nhện giăng tơ, ngậm sương phía trên; những chú gà mái mơ, mèo vàng, chó vện tranh nhau bới đất, xù lông, gầm gừ nhau bên dưới… Nơi hàng chè tàu là một thế giới tuổi thơ mê say và hạnh phúc. Ở đó lúc này bình yên, im ắng; lúc khác lại rất nhộn nhịp, ồn ào…

Có đợt, hàng chè tàu bị thương, lá cành úa vàng rồi khô bong mất một đoạn. Đợt đó, trong lúc chơi trò nấu nướng và bán hàng, cái Lụt hái ở đâu ra một nắm dây tóc tiên mang về, giả vờ xào nấu làm món bún nghệ, thế rồi để quên luôn trên đám lá chè tàu. Chỉ hai tuần sau, đám tóc tiên sinh trưởng, bò lan vàng rực. Thấy thế, tụi trẻ con trong xóm còn hân hoan trêu đùa: Kìa, kìa công chúa chè tàu đang đội vương miện. Ai ngờ chỉ vài tháng sau, đám cây bị ký sinh, hút cạn dinh dưỡng trở nên èo uột, héo lá rồi dần xác xơ…

Bây giờ mỗi lần về làng, tôi không thấy nhiều người nhân giống cây chè tàu nữa. Những hàng rào, bờ dậu vốn có sẵn, được xén tỉa thẳng đều tăm tắp cũng bị nếp sống chuộng bê-tông, đô thị hóa thổi bay mất. Tôi không biết mọi người vì cần màu sắc hơn, cần riêng tư, kín kẽ hơn nên chọn xây những bức tường bằng vôi vữa, hay họ sợ trồng chè tàu phức tạp, không rảnh công chăm? Chè tàu có cần chăm gì đâu. Cây non, cây già, lá đâm xanh, hoa lún phún rồi phủ bột xanh lơ xếp thành từng chuỗi...

Nội từng bảo những chiếc hạt của cây sẽ ẩn phía cuối đài hoa, chỉ cần mưa đến, cây mẹ sẽ thả xuống, khoảng đất phía dưới mọc lên lớp lớp cây non…

MINH THI

.