Đà Nẵng cuối tuần
Cất nhớ vào quên
Ông Sáu rút cây chống cửa vẫn để ngay đầu giường phóng một phát. Lũ oắt con oai oái bỏ chạy. Nhành me đổ sóng soài tả tơi cành lá. Vài quả bị rớt lại từ túi của bọn trẻ. Khỉ tinh gì đâu phá làng phá xóm không cho ai nghỉ trưa. Ông làu bàu một mình. Con mướp dường như đồng cảm với niềm bực dọc của ông, nó thè chiếc lưỡi hồng mềm mại liếm lấy đôi tay già nua khắc khổ. Ông vuốt đầu con vật âu yếm. Đoạn, ông cúi người lôi chiếc rương gỗ dưới gầm giường. Chiếc khóa lọc cọc tách ra khỏi ổ. Ông mân mê từng thứ kỷ vật được bọc kín mấy lần nilon đã vàng chạch, cứng quành.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Là những chiếc ảnh hiếm hoi từ chiến trường máu lửa, là những bức thư nét bút nghiêng đã nhòe nét mực, là chiếc vòng tay làm bằng vỏ đạn chưa kịp trao… Ông luôn nán lại hồi lâu bên chồng báo cũ. Bức hình cô văn công duyên dáng với lúm đồng tiền xinh xinh cùng chiếc răng thừa điệu đà như hút cả tâm trí ông vào những ngày tháng bom đạn.
Gần năm mươi năm rồi còn gì. Thời gian trôi đi nhanh quá, thoáng cái hết cả đời người.
Những ký ức về cuộc chiến năm nào như một thước phim chạy chầm chậm qua khối não thi thoảng muốn long lên bởi những cơn đau. Ông sống trong ký ức, sống bằng ký ức, đôi lúc ông say ngủ trong ký ức. Mỗi lần say ngủ thế, miệng ông nở nụ cười mãn nguyện, như thể ông đang gặp điều gì đó mà ở cuộc đời thực này ông không chạm tới được. Có người bảo ông điên. Ông chẳng điên tẹo nào. Ông kể vanh vách những trận đánh ông đã tham gia, những binh đoàn ông đã cận kề suýt quên mình trong khói lửa, cả những pha sống mái với quân thù. Có lần thằng Miên hỏi, ông dũng cảm quá vậy, hồi đó người ta hổng sợ chết hả ông? Trời, lúc đó mình không đánh chúng nó thì chúng nó đánh mình. Chết ai hổng sợ, nhưng chết như thế nào cho nó đáng mặt thằng đàn ông chứ con. Thằng Miên làm ra vẻ suy nghĩ ghê lắm. Vậy cái cô tóc dài xinh xinh kia là ai vậy, người yêu ông hả? Ông không nói gì, khuôn mặt trầm lặng mênh mang. Ông xúi tụi nhỏ về hết, ông mệt.
Ông hiếm khi kể chuyện tình của mình, bởi nó là một vết hằn năm tháng. Đến bao giờ ông miên man chìm vào giấc ngủ, lúc ấy ông mới được sống cuộc đời thực của mình.
Ông Sáu cứ nửa tỉnh nửa mê mà quên bẵng mình còn bà vợ già và hai đứa con cả trai lẫn gái. Chẳng ai nhắc với ông về chúng. Như thể tự vợ ông sinh ra rồi cũng tự bà lo dựng vợ gả chồng cho chúng vậy. Đôi lúc, ông sống như mây ngàn gió núi, quên sự đời, quên chuyện người, quên cả chuyện mình. Vợ ông thở dài khoắc khoải, mấy mảnh đạn còn nằm trong người nhưng không thể lấy ra. Ông ấy sống được đã là một kỳ tích rồi, các con đừng đòi hỏi gì thêm ở cha mà tội.
Các con dần quen với những buồn vui cười nói của cha mình. Thi thoảng chúng ghé về thăm, ông nhìn chúng ngẩn ngơ như người xa lạ. Ánh mắt xa xăm mờ mịt. Bà vợ lủi thủi một mình cũng đâm buồn chán. Bà hết ghé đứa này lại ở với đứa nọ trông cháu cho chúng còn hơn ở với ông già lẩn thẩn. Riết rồi phần ông ông sống, phần bà bà tự lo, chẳng ai phiền ai. Đến bữa, cô con gái út mang cơm canh sang cho cha, ông vui vẻ đón nhận như một phần quà của cuộc đời. Lúc nào ông cũng cảm ơn khiến nhiều lúc cô út đâm hờn, cha coi con là ai mà ơn nghĩa thế, đến được làm con của cha thôi cũng khó nữa. Giọng cô dỗi hờn trách móc. Ơ em hay thiệt, sao lại trách cha, em quên mẹ nói gì rồi sao? Chồng cô út lên tiếng. Nhưng em không cam lòng. Anh nghĩ xem, mẹ tần tảo sớm hôm, với hai anh em, rồi dâu rể, các cháu nữa, lại chẳng thể bằng cái cô người giấy ấy. Ấy, sao em gọi cô ấy là người giấy, cô ấy cũng là một chiến sĩ hẳn hoi. Em không cam tâm, cô út hét lên.
Ông chẳng màng những lời hờn lẫy, chẳng ai lay chuyển được lòng ông, ngoại trừ những hôm trở trời. Đầu ông như thể bị hàng vạn mũi kim xuyên thấu. Chúng riết buốt, nhâm nhay cơn đau như người ta nhai nỗi buồn, từ tốn mà thấm thía. Thi thoảng ông ôm đầu kêu gào, quằn quại, vật vã, mồ hôi vã ra. Những lúc ấy ông gọi tên từng đứa con, ông gọi vợ trìu mến, rồi ông ngã vật với những cơn tím tái. Út bảo, nói nghe bất hiếu chứ giá cha đau thế mình mới được là con của cha, đằng này lúc không đau lại đem lòng mơ tưởng người phụ nữ khác.
Mà cô ấy là ai hả mẹ? Bà mẹ bị hỏi giật ngược đâm lúng túng, thì là người thương cũ của cha. Nói như mẹ ai nói không được. Cô út đâm quạu, mà sao mẹ không ghen? Ghen gì chứ, mẹ con mình còn phải mang ơn người ta không hết. Nói rồi, mẹ thở dài thườn thượt, mắt mẹ xa xăm.
Thật ra mẹ biết, cô ấy là người đã lấy cả thân mình để cứu cha và đồng đội, cũng nhờ nhan sắc và trí thông minh hơn người, nhưng đổi lại, cô suýt bỏ mạng và còn bị chà đạp nhân phẩm. Cô muốn chết, lại không chết được. Sau ngày thống nhất đất nước, ông có đi tìm cô nhiều lần nhưng rơi vào vô vọng. Chiếc ảnh ông cất trong rương là bản sao hoàn hảo của người yêu năm xưa, duy chỉ việc gặp lại cô để bù đắp những tổn thương xa xưa là một hành trình dài vật vã trong từng cơn đau buốt nhói.
Dần dần mọi người trong nhà quen với cách sống kỳ lạ của ông. Cứ nhập nhoạng giữa nhớ quên xưa cũ. Cứ mơ mơ thật thật, cứ ảo dịu lẫn hãi hùng, Hiện tại xen quá khứ. Mẹ bảo cứ để ông ấy yên!
Hay mình giấu những thứ kia xem cha thế nào? Em bảo thứ gì cơ? Chồng cô út hỏi lại vợ. Thì mấy thứ vớ vẩn cha vẫn cất trong rương ấy. Nhưng đó là kỷ vật của cha, em quên mẹ dặn rồi sao? Cô út phụng phịu đi về phía cuối vườn, mùi nguyệt quế đưa hương thanh khiết cả khu tĩnh lặng. Nơi này cha cô vẫn thường ngồi trầm ngâm thả hồn theo ký ức. Cô ấy là ai. Cô ấy ở đâu. Và vì sao cha lại đau đáu trong lòng những niềm đau ray rứt vậy.
Lòng cô út ray rứt vô cùng, ray rứt xót mẹ, ray rứt thương cha.
Tranh thủ lúc cha đến bệnh viện thăm khám định kỳ, cô út liều lĩnh tiến vào cấm phận của cha mình. Để làm gì, cô chưa nghĩ ra. Nhưng biết đâu, cô sẽ tìm được những bí mật. Mẹ yêu cha nhưng thừa cao ngạo để không vén bức màn bí mật đó. Mẹ bảo, với đàn ông mà nói, ai cũng có một khu vườn bí mật, nếu con cố tình tìm đến, hoặc con sẽ thỏa mãn lòng mình, nhưng tổn thương là điều khó tránh, hoặc chẳng gì cả để rồi con thất vọng. Vậy mẹ không đặt chân vào khu vườn của cha sao? Út tò mò. Xưa mẹ đã từng, mẹ cũng không cam lòng. Nhưng cha con là người đàn ông tốt. Chỉ mới đây thôi ông mới trở chứng vậy, mà giờ trở chứng thì đã làm sao. Hết đời rồi con, cứ để cha thanh thản được ngày nào hay ngày nấy.
Lục tung phòng cha rồi cô cũng tìm được chiếc chìa khóa nằm ém mình ngay chân giường. Rón rén, vụng trộm, cô loay hoay cho chìa vào chiếc ổ cũ kỹ. Một tiếng “tách” nhẹ vang lên, chiếc rương mở ra một trời kỷ niệm. Chợt, mắt cô nhòe đi với những dòng thư, mà nét bút nghiêng nghiêng này không lẫn vào đâu được. Nét bút hào hoa cô vẫn thường tự hào mỗi khi có người tới nhờ cha biên đơn thư này nọ. Nhưng ấy là chuyện của gần hai mươi năm về trước.
Lâu rồi cha không viết gì, thi thoảng ông đọc. Những tạp chí các con mang về ông xem rất kỹ. Rồi một hôm, ông thần người ra trước tờ báo cũ kỹ, trong ấy có hình cô văn công xinh đẹp răng khểnh tóc dài. Không ai biết cha nghĩ gì, không ai đọc được dòng suy nghĩ đó.
Hôn nhân của cha mẹ là sự vá víu muộn màng sau ngày giải phóng khi cả hai đã quá tuổi ba mươi. Mẹ giảng dạy tại trường làng, cha phụ trách mảng văn hóa huyện. Hai cuộc đời, hai tính cách không có điểm chung nhưng họ luôn cố gắng vì con. Nhưng đến khi những mảnh đạn trong người cha trở chứng, dường như mọi giới hạn đều bị dẹp bỏ. Không còn chân lý nào thắng nổi kẻ ngông nghênh đang trỗi dậy trong cha.
Cô đọc, như nuốt từng lời thơ cha viết, nước mắt cô chảy dài suýt nhòe ướt hết trang thơ.
“...
Người đi qua chiến tranh
Đồng đội tôi kẻ còn, người mất
Những mảnh đạn hằn sâu kí ức
Nuôi lòng căm hờn, quyết thắng
trận mùa xuân.
Gặp nhau giữa đạn bom
Một cái nắm tay cũng khẽ khàng
rụt vội
Hẹn em mai này hết chiến dịch
Mình cùng nhau đi giữa mùa xuân.
Giặc hết rồi anh cũng lạc mất em
Mùa xuân bảy lăm, rồi những
mùa xuân sau nữa.
Biết ai còn nhớ
Lời thề chém đá hoa cương…”
Thẩn thờ hồi lâu trước những dòng cảm xúc, cô cẩn thận để mọi thứ lại nguyên vị trí cũ. Phải rồi, ai cũng có một khu vườn bí mật. Và khu vườn của cha nguyên vẹn đến ngỡ ngàng. Cô sẽ thôi cái ý định phanh phui những bí mật trong khu vườn ký ức ấy.
Ai rồi cũng phải cất niềm thương xưa vào dĩ vãng, ai rồi cũng phải cất nhớ vào quên. Chỉ có điều người ấy có đủ khéo léo gói lòng mình để không làm tổn thương người khác không thôi.
Cô bước ra khỏi căn phòng ấy, ngột ngạt, bức bách, vỡ òa xúc cảm.
Nơi cuối vườn, nguyệt quế vẫn đưa hương thoang thoảng, như nhớ, như thương, như dìu người vào giấc an yên xa vắng.
HỒ LOAN