Khách lạ đêm dài

.

“Khách lạ” là từ của cây bút thể thao Ian Ladyman, còn “đêm dài” là tiếng thở ngao ngán của Roy Kean - cựu đội trưởng của Manchester United - sau lúc chứng kiến đội bóng này thua chủ nhà Liverpool với tỉ số 0-4 vào rạng sáng 20-4 (giờ Việt Nam). Bốn bàn thủng lưới và không một lần đưa bóng vào cầu môn đối phương, trận thua cách biệt ở Anfield thêm một lần minh họa khoảng cách về đẳng cấp thực tại giữa hai kình địch. Ở lượt đi, ngay tại Old Trafford, đội khách Liverpool từng thắng với tỉ số lạnh lùng 5-0 để bây giờ hình thành cột mốc đối đầu kinh ngạc 9-0 cho cả mùa giải.

Các cầu thủ Manchester United thất vọng khi để thua 0-4 trước Liverpool ở trận đấu bù vòng 30 Giải ngoại hạng Anh.  Ảnh: Getty Images
Các cầu thủ Manchester United thất vọng khi để thua 0-4 trước Liverpool ở trận đấu bù vòng 30 Giải ngoại hạng Anh. Ảnh: Getty Images

Trong bài mới nhất viết cho tờ Daily Mail, Ladyman nhận định sự xuống cấp không thể kìm hãm của Manchester United xuất phát từ nhiều khía cạnh nhưng lớn nhất là từ đổ vỡ nội tình mà bản thân từng cầu thủ phải gánh phần trách nhiệm. Quá ít thành viên toàn tâm lo cho câu lạc bộ, nhiều người hiện diện như khách lạ, dòm trước ngó sau nhấp nhổm khăn gói ra đi, thắng chẳng vui mà thua cũng không hề sốc. Một M.U gắn kết, quyện chặt ngày nào không còn nữa nên chẳng có gì ngạc nhiên trước thành quả trồi sụt thất thường của họ bây giờ.

Roy Kean cay đắng hơn khi bảo đó chẳng phải là đội bóng mà mình từng sống chết với nó và rằng xem các cầu thủ đàn em thi đấu bây giờ trong màu áo M.U chỉ thấy tức giận, buồn tủi. “Chẳng có con tim, thiếu vắng tâm hồn, họ đánh mất truyền thống màu áo tự bao giờ. Xem họ thi đấu bây giờ khác nào trải qua đêm dài mệt mỏi”, giọng cựu đội trưởng Manchester United thẳng thắn.

Bực dọc và cay độc hơn có lẽ là phản ứng của Paul Scholes khi cựu tiền vệ này bảo rằng thật ghê tởm khi xem cách đội bóng cũ của mình để thua tan tát trước Liverpool: “Không ai nỗ lực chống đỡ, họ cứ buông tay để đối phương mặc sức tung hoành. Chờ để thấy một cố gắng gượng dậy của họ đến mỏi mắt vẫn không thấy. Chủ nhà dường như muốn ghi bàn lúc nào tùy thích!”. Cũng như Roy Kean, Paul Scholes cảm nhận bản thân tổn thương vì chiếc áo truyền thống mà mình từng mặc với lòng trân quý đang bị thế hệ đàn em hiện nay làm nhàu úa.

Buồn bực, thất vọng là cảm nhận dễ thấy ở nhiều cổ động viên, những người gắn bó với Manchester United sau đêm buồn Anfield. Thất bại mới nhất khiến hy vọng lọt vào nhóm bốn đội dẫn đầu giải Ngoại hạng Anh để góp mặt ở đấu trường Champions League mùa tới trở nên mong manh hơn bao giờ.

Manchester United rơi xuống vị trí thứ sáu, sau hai kình địch Tottenham (thứ tư) và Arsenal (thứ năm). Điều bất lợi cho chủ sân Old Trafford là cả hai đối thủ trực tiếp này đều còn khả năng gia tăng cách biệt nhờ vào các trận đấu bù. Hãy còn 5 vòng đấu để tìm cơ hội tham gia đấu trường châu lục mùa sau nhưng M.U đang rơi vào tình cảnh khó khăn, đặc biệt về tâm lý và tinh thần, như nhận xét của Paul Scholes: “Các cầu thủ muốn mùa giải qua nhanh. Họ muốn ẩn náu nhưng làm sao mà trốn tránh thực tế buồn bã này cho được!”.

Một cuộc cách mạng toàn diện nhằm phục hồi phẩm chất, giá trị truyền thống của Manchester United là điều nhiều người đề xuất. Từ chủ sở hữu đến đội ngũ quản lý, từ huấn luyện viên đến cầu thủ, tất cả - theo họ - phải được thanh lọc, thay mới. Có như thế mới không còn những khách lạ vô tâm, hờ hững trong chính ngôi nhà của mình và Roy Kean cùng nhiều đồng đội cũ mới không còn chịu đựng thêm những đêm dài nhức nhối.

ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.
.