Đà Nẵng cuối tuần

Khi phái nữ làm việc trong ngành công nghệ...

08:21, 24/04/2022 (GMT+7)

Trong cộng đồng công nghệ trẻ tại Đà Nẵng, phái nữ đang dần khẳng định chỗ đứng quan trọng, có nhiều cơ hội làm chủ sự nghiệp, gặt hái thành công và trở thành động lực cho các bạn trẻ đam mê công nghệ khác.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Chế Thị Nhơn Tâm và Lê Trúc (từ trái qua) chia sẻ trong một sự kiện cộng đồng về công nghệ tại Đà Nẵng. Ảnh. L.X
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Chế Thị Nhơn Tâm và Lê Trúc (từ trái qua) chia sẻ trong một sự kiện cộng đồng về công nghệ tại Đà Nẵng. Ảnh. L.X

“Sức mạnh” của phụ nữ làm công nghệ nằm ở đâu?

Tại sự kiện Women TechMaker Đà Nẵng 2022 - Phiên chia sẻ “Chuyện ngành, chuyện nghề - Lộ trình dành cho chị em” ngành công nghệ thông tin (CNTT) diễn ra vào đầu tháng 4-2022, chị Trần Hạnh Trang, Giám đốc điều hành tập đoàn công nghệ Enouvo (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đã có những chia sẻ thú vị về vai trò và thế mạnh của phái nữ trong các hoạt động công nghệ.

Theo chị Trang, phái nữ hiện đại không thiếu bất kỳ tố chất nào để cống hiến cho ngành nghề vốn được xã hội ngầm mặc định thường dành cho nam giới: “Họ tràn đầy tự tin, năng lượng và niềm đam mê với nghề, lúc cần cứng rắn hay mềm mỏng đều có thể điều chỉnh phù hợp hoàn cảnh. Các bạn nữ bên cạnh năng lực còn có sự ấm áp, kiên nhẫn, kỹ càng, làm việc chăm chỉ, không ngại đương đầu với những yêu cầu công việc khó khăn, đồng thời khả năng đa nhiệm, quán xuyến mọi thứ cũng chu đáo và hiệu quả hơn”.

Đồng quan điểm, chị Chế Thị Nhơn Tâm, chuyên viên phân tích nghiệp vụ (Business Analyst) - người đóng vai trò cầu nối giữa khách hàng và đội ngũ phát triển sản phẩm tại Công ty phần mềm mgm Technology Partners VietNam (quận Hải Châu) cho rằng: “CNTT là ngành khá khô cứng. Trong sự hợp tác hằng ngày giữa đồng nghiệp với nhau, hoặc giữa công ty và khách hàng, luôn xảy ra những tranh luận, hay có những vấn đề cần được thảo luận, và không phải lúc nào cũng được giải quyết bằng các giải pháp phần mềm, mà còn cần đến nhiều yếu tố khác. Lúc đấy, sự mềm mỏng, linh hoạt, khả năng đánh giá, nhìn nhận những điểm nhỏ, góc khuất sự việc của phái nữ mang lại rất nhiều lợi thế, bảo đảm mọi việc được xử lý thấu đáo, hợp lý, hợp tình”.

Là người chịu trách nhiệm quản lý quy trình dự án chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp (Quality Assurance Manager), chị Lê Trúc - Trung tâm phát triển SmartDev Đà Nẵng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) nhìn nhận: “Chị em chúng mình có năng lực thấu hiểu và cách thể hiện tinh tế, dễ đi vào lòng người, vì vậy cần triệt để phát huy các thế mạnh này. Để có thể cân bằng mọi việc thì ngoài chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng mềm cũng quan trọng không kém, đó là yếu tố hàng đầu mà mình chú trọng trong việc đào tạo và dẫn dắt các bạn mới vào nghề”.

Cơ hội phát triển

Với sự cởi mở từ xã hội, phái nữ đang có rất nhiều cơ hội khẳng định bản thân trong lĩnh vực công nghệ. Đơn cử như chị Nguyễn Thị Phương Thảo, kỹ sư phần mềm (Software ​​Engineer), Công ty One Tech Stop Viet Nam (phường Nam Dương, quận Hải Châu) có 4 năm thành thạo trong lĩnh vực lập trình Mobile, trở thành nhân tố không thể thiếu trong các dự án về iOS và Flutter của công ty.

Chị Thảo chia sẻ: “Đặc thù công việc đòi hỏi chúng ta phải có một thể trạng sức khỏe tốt để đáp ứng được cường độ làm việc cao, trí óc hoạt động liên tục dưới nhiều áp lực, căng thẳng. Do đó, hầu hết mọi người cho rằng phái nữ rất khó gắn bó và hoạt động lâu dài trong môi trường này. Nhưng thực tế chứng minh ngược lại. Nữ giới có cái nhìn đa chiều trong công việc, mang đến những quan điểm, góc nhìn khác nhau cho dự án, giúp sản phẩm làm ra đáp ứng được tối đa nhu cầu sử dụng của người dùng. Điều đó khiến họ được trọng dụng, có nhiều cơ hội thăng tiến và cải thiện chất lượng cuộc sống. Công ty mình đang làm luôn sẵn sàng trao cơ hội cho nhân viên nữ, dù các công việc liên quan đến kỹ thuật hay quản lý. Mình cũng đã góp mặt trong nhiều sự kiện cộng đồng liên quan đến công nghệ, sẻ chia những kiến thức cũng như trải nghiệm của bản thân, từ đó truyền cảm hứng cho các bạn nữ mong muốn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ”.

Với chị Chế Thị Nhơn Tâm - cử nhân ngôn ngữ Anh nhưng rẽ hướng công nghệ, việc thiếu nền tảng đào tạo về chuyên môn là thử thách khá lớn. Nhưng chính trở lực đó thôi thúc chị cố gắng không ngừng “Mình luôn học hỏi không ngừng mỗi ngày vì thế giới công nghệ chuyển động rất nhanh. Mình tranh thủ thời gian sau giờ làm để tham gia những khóa học nâng cao nghiệp vụ, chủ động học hỏi từ những đồng nghiệp. Sức khỏe cũng là một vấn đề đáng quan tâm bởi việc ngồi trước máy tính quá lâu dễ gây ra đau lưng, mỏi mắt, đau đầu. Để duy trì sự bền bỉ, dẻo dai, mình cũng thường chạy bộ, tập yoga, học nhảy và chơi cầu lông”, chị Tâm cho biết.

Tương tự, ở công ty của chị Lê Trúc, tiếng nói của tất cả mọi người đều được lắng nghe, đặc biệt nữ giới còn nhận được ưu ái và hỗ trợ nhiệt tình từ cấp trên. Họ được tạo điều kiện chia sẻ kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn, mở rộng phát triển khả năng trên nhiều mảng khác nhau...

LÒ XO

.