Đà Nẵng cuối tuần
Phát triển Đà Nẵng thành đô thị sinh thái
Sau 12 năm thực hiện Đề án Thành phố môi trường (2008-2020), Đà Nẵng đã đạt được 7/10 tiêu chí. Song, vẫn còn nhiều tồn tại liên quan các vấn đề quản lý, xử lý rác thải rắn, công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong quan trắc môi trường tự động…
Trên các bãi biển có thùng rác để người dân và du khách bỏ rác đúng quy định. Đặc biệt, mô hình “cá ăn rác thải nhựa” khuyến khích người đi biển bỏ rác vào thùng rác tập kết, nhất là rác thải nhựa. Ảnh: PHÚC AN |
Một số chỉ tiêu quản lý đạt kết quả nổi bật như: tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch là 99%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn là 83,5%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong không khí được xử lý đạt chuẩn 100%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt hơn 95% ở khu vực đô thị, khu vực nông thôn là hơn 70%...
Thực trạng rác thải
Tính đến năm 2020, Đà Nẵng cơ bản đạt 7/10 chỉ tiêu của Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2008-2020. Tuy vậy, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ cùng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã không ngừng gia tăng áp lực đến môi trường. Trung bình mỗi năm, thành phố thải ra môi trường khoảng 80.000 tấn chất thải, trong đó chất thải nhựa chiếm khoảng 0,19kg/người/ngày, chiếm 23% chỉ tiêu phát thải.
Theo báo cáo của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, trong giai đoạn 2016-2019, tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt tăng từ 868 tấn/ngày đến 941 tấn/ngày với tốc độ tăng bình quân 9-15%/năm. Nguồn phát thải chủ yếu từ quá trình sinh hoạt của người dân, các hoạt động thương mại dịch vụ, các địa điểm trường học công sở hay các khu vực công cộng…
Thông tin thu thập của các tổ chức nghiên cứu trên địa bàn thành phố cho thấy thành phần chính của chất thải rắn sinh hoạt là các sản phẩm có yếu tố hữu cơ với tỷ lệ đến 75% tổng lượng rác thải. Đáng chú ý là các sản phẩm nhựa, túi nilon chiếm đến 14% tổng lượng rác thải. Đây là thành phần có thời gian phân hủy khá lâu, có thể mất đến 1.000 năm, đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến môi trường, sức khỏe con người và động vật.
Khối lượng chất thải công nghiệp và chất thải y tế được thu gom và xử lý trên địa bàn thành phố cũng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016-2019. Năm 2019, chất thải công nghiệp đạt 16.800 tấn, chất thải y tế đạt 5.300 tấn và nhóm rác thải nguy hại của hai loại này đạt gần 380 tấn. Theo Báo cáo môi trường quốc gia, Đà Nẵng là địa phương có mức phát thải chất thải rắn y tế nguy hại lớn (> 500 tấn/năm), đứng thứ 6 trong cả nước. Nhóm chất thải này có mầm bệnh độc hại, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng hiện vẫn chưa có xe chuyên dụng để thu gom theo đúng tiêu chuẩn để bảo đảm quá trình vận chuyển an toàn.
Giai đoạn 2020-2021, với tác động của đại dịch Covid-19, khối lượng chất thải có xu hướng giảm do các hoạt động du lịch bị hạn chế trong thời gian giãn cách. Chất thải rắn sinh hoạt năm 2020 giảm khoảng 8% so với năm 2019 với lượng chất thải dao động trung bình khoảng 1.087 tấn/ngày. Tuy nhiên, khi thành phố bước sang trạng thái “bình thường mới” với các hoạt động dịch vụ phát triển mạnh mẽ trở lại thì nguy cơ phát thải ra môi trường có thể sẽ diễn ra với tốc độ tăng nhanh hơn giai đoạn trước năm 2020. Dự báo đến năm 2030, lượng chất thải rắn phát sinh là rất lớn, chất thải rắn sinh hoạt có thể tăng đến 2.000 - 2.200 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 700 tấn/ngày, chất thải rắn y tế khoảng 18 tấn/ngày. Đáng chú ý là chất thải rắn y tế nguy hại có thể chiếm đến 2,5 - 3 tấn/ngày.
Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 bao gồm 31 tiêu chí cụ thể, tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm như: phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Với tổng kinh phí đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng, đề án được kỳ vọng sẽ huy động tối đa các nguồn lực để tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí môi trường đang có; phấn đấu phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái phù hợp lộ trình đến năm 2030, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước về một thành phố đáng sống.
Triển khai đồng bộ công tác thu gom, xử lý rác thải
Hiện nay, các cơ sở thu mua phế liệu và các trạm trung chuyển ở Đà Nẵng phần lớn có quy mô còn nhỏ và nằm xen lẫn giữa các hộ dân cư với công nghệ lạc hậu, bộc lộ nhiều khuyết điểm như phát sinh mùi hôi, rò rỉ rác thải…, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư liền kề. Quy trình phân loại rác thải thông thường và rác thải tái chế chưa được thực hiện theo đúng quy định gây lãng phí thời gian và công sức khi xử lý, các dụng cụ thu gom tự tạo không bảo đảm an toàn đối với các chất thải lây nhiễm hoặc chất thải hóa học nguy hại. Các trạm trung chuyển hoạt động với công suất thấp, khoảng 100 tấn/ngày, tạo áp lực lớn đối với việc thu gom rác thải. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nhiều, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Công tác thu gom và vận chuyển rác thải vẫn được thực hiện bởi tỷ lệ lớn các loại xe thô sơ, hiệu suất thấp và ảnh hưởng đáng kể cảnh quan đô thị.
Công nghệ xử lý rác thải bằng lò đốt tĩnh hai cấp, công nghệ ép ngang hở hay hệ thống thoát nước bị quá tải không bảo đảm xử lý các loại rác thải nguy hại có tính phức tạp và đa dạng. Ngân sách chi trả cho công tác xử lý rác thải còn khá khiếm tốn so với lượng rác phát thải khiến nhiều quy trình chôn lấp được thực hiện không đầy đủ. Bên cạnh đó, hành vi và thói quen sử dụng túi nilon, rác thải nhựa còn nhiều, nhất là tại các cơ sở lưu trú, du lịch, các đơn vị kinh doanh nước uống và thực phẩm, chợ dân sinh hay siêu thị… đã ảnh hưởng đáng kể đến việc phát thải ra môi trường xung quanh.
Vậy giải pháp nào giúp giảm thiểu rác thải tại Đà Nẵng?
Với mục đích hướng đến một đô thị cảnh quan đáng sống mà vẫn bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, quản lý tốt và triển khai đồng bộ quy trình thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý đối với rác thải, đặc biệt là chất thải công nghiệp và y tế nhằm nâng cao ý thức của người dân. Thực hiện tái sử dụng và tái chế đối với các loại chất thải không nguy hại, hạn chế chôn lấp nếu không cần thiết.
Thứ hai, hoàn thiện các chính sách đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, các trạm trung chuyển hiện đại, phương tiện thu gom, vận chuyển nhằm cơ giới hóa công tác xử lý rác thải. Có kế hoạch và phương án bố trí các vị trí thu gom phù hợp, xa khu dân cư và kết hợp phân loại rác tại nguồn để hạn chế lây nhiễm.
Thứ ba, quy hoạch, xây dựng các vị trí tập kết rác thải, các khu liên hợp xử lý chất thải nguy hại và nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác để sớm đưa vào vận hành, giảm thiểu sự xâm nhập của các hóa chất độc hại vào môi trường sống.
Thứ tư, chủ động nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống đơn giá, chi phí vệ sinh môi trường hợp lý, bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện quy trình xử lý rác thải gắn kết với bảo vệ môi trường và lợi ích người lao động.
Cuối cùng, tiếp tục phát động nhiều phong trào như “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với túi nilon và sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần”, “Chợ giảm túi nilon”, vận động người dân không đổ rác thải bừa bãi, các phong trào ăn xanh, uống sạch… nhằm nâng cao nhận thức, niềm tin và ý thức bảo vệ môi trường, thay đổi hành vi, thói quen phát thải ra cộng đồng của người dân.
Với nỗ lực gắn kết, đồng hành của các các cấp chính quyền và người dân Đà Nẵng trong việc giảm thiểu phát thải ra môi trường, hy vọng Đà Nẵng sẽ sớm hoàn thành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, là điểm đến xanh thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
TS. NGUYỄN HỮU NGUYÊN XUÂN
(*) Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.