Trao yêu thương

.

Hè chớm, vì muốn mua một món đồ thời trang phù hợp với thời tiết nên tôi nhắn bạn hỏi địa chỉ bán hàng. Thực tế, tôi vẫn có thể đặt hàng qua mạng thứ mình cần nhưng chẳng hiểu sao, tôi không có duyên với cách bán mua online thường diễn ra trong vòng một cái vuốt nhẹ trên màn hình cảm ứng.

Chợ không chỉ là nơi trao đổi, giao lưu kinh tế mà còn thể hiện những nét văn hóa, sinh hoạt, đời sống tâm hồn của cư dân địa phương. Ảnh: KHÁNH HOÀNG
Chợ không chỉ là nơi trao đổi, giao lưu kinh tế mà còn thể hiện những nét văn hóa, sinh hoạt, đời sống tâm hồn của cư dân địa phương. Ảnh: KHÁNH HOÀNG

Chỉ tôi đi chợ, bạn không quên nói thêm: “Hiện nay, ai cũng muốn sống nhanh, đi tắt bằng việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin mà quên rằng, những điều hay ho vẫn đang tràn ngập cuộc sống ngoài kia. Ngay cả chuyện mua hàng cũng vậy. Hãy thử một lần ra chợ, thượng vàng hạ cám gì cũng có. Chưa kể, mình còn được lắng nghe, chia sẻ những điều thú vị, hấp dẫn cùng mấy dì, mấy mệ ở chợ”.

Trước đây, mỗi lần vào chợ, tôi thường mất gần cả buổi. Hết lượn qua hàng gạo, tôi lại rẽ sang hàng xoong. Hết tò mò với những gian hàng ngay ngắn phía trong nhà, tôi lại ùa ra khu chợ trời với bạt ngàn hoa trái.

Không chỉ đi chợ hằng ngày, đối với khách du lịch thập phương, mỗi lần ghé thăm một vùng đất nào đó, họ thường chọn chợ là một trong những điểm đến đầu tiên. Trong suy nghĩ của mỗi người, chợ không chỉ là nơi trao đổi, giao lưu kinh tế mà còn thể hiện những nét văn hóa, sinh hoạt, đời sống tâm hồn của cư dân địa phương.

Những khu chợ ngoại ô gần vùng miệt vườn chắc sẽ tắm mình bởi gánh gồng rau trái. Nơi này, chợ thường được họp sớm và tan sớm. Những người nông dân bao giờ cũng thức dậy từ tinh mơ, họ sẽ tranh thủ ra vườn bứt một ít củ, quả để làm hàng hóa. Những lọn rau xanh non mơn mởn, những chanh, cam, mướp, ổi tươi ngon, thơm giòn, khi đã được trao tay khách hàng, chúng vẫn chưa thôi quấn quýt sương đêm…

Những chợ đóng gần các khu làng nghề như làng mộc, làng rèn, làng đan lát thì hiển nhiên một phần lớn diện tích khu chợ được dành để trưng dụng, bày bán sản phẩm thủ công. Vì được làm bằng tay, chắt chiu từng phút một nên nếu có mắt nhìn, người mua sẽ cảm nhận được trên từng sản phẩm sự chăm chỉ, nhẫn nại của cả-một-hành-trình.

Nhắc đến chợ, quê tôi có chợ Phiên. Tức trước đây, cứ 5 ngày, chợ được họp một lần nên người trong vùng đặt tên là chợ Phiên. Bây giờ, tên chợ vẫn được giữ nguyên nhưng cách thức hoạt động đã khác. Ngày nào chợ cũng họp. Theo lời mẹ kể lại, vì mỗi tháng chỉ có 6 phiên nên khi đến kỳ là chợ đông đúc, tấp nập. Người vùng biển mang cá mú, tôm, mực ngược lên. Người trung du, đồng bằng sẽ đi thuyền hoặc gánh gồng củ, quả, hoa, rau đổ đến. Người miền núi cũng gùi măng, chổi đót, lá rừng ngược núi trở ra.

Mỗi người bán hàng có một khuôn mặt, dáng vẻ, làn da, giọng nói khác nhau. Nhưng ai cũng từ tốn, niềm nở, bán hàng với thái độ chân tình, cởi mở nhất. Không ít lần cầm trên tay nắm rau xanh mướt, tôi rụt rè ướm hỏi cách xào nấu ngon. Thế là dì bán hàng thao thao chia sẻ bằng hết những bí kíp nhà nghề. Những bạn hàng bên cạnh có điều gì hay cũng sẵn sàng bổ sung, góp thêm thông tin vào câu chuyện.

Này nhé, muốn nấu canh mít ngon mềm thì phải có ruốc biển và lá lốt, khi sôi hạn chế đụng đũa. Với  rau khoai, rau muống, để chuẩn vị nhất, ta nên nấu với ốc hến hoặc tôm cọng tươi, lúc nấu phải để lửa thật to, chỉ cần thấy rau sôi nhào lên là nhấc xuống ngay, tránh cho rau bị nát. Riêng rau ngót, sẽ ngọt nước nhất khi nấu với cá giếc đồng, lúc rửa nhớ vò rau sơ qua để nồi canh thêm đượm đà, hòa quyện… Những mẹo vặt đứng bếp này, nếu không có những lần đi chợ, ai sẽ bày vẽ giúp tôi?

Thời nghèo khó, những ngôi chợ chưa được quy hoạch thành lô quầy, tựa vào nhau đều tăm tắp như bây giờ. Tất cả những buôn bán nhao nhao, rộn ràng trao đổi đều được thực hiện ở ngoài trời. Có chăng, chỉ có những mệ già chuyên bán cau, trầu, những cô hàng xén dịu dàng, tha thướt mới tự dựng được những chiếc sạp tre cao cao, tựa vào mấy gốc cây cổ thụ, vào hiên đình làng để chào mời khách mua… Thời nghèo khó, bên đình có chợ, trong chợ có đình. Chợ là nơi náo nhiệt nhưng cũng là điểm đến đáng trân trọng với hành trình mua bán đầy buồn vui.

Hôm nay nghĩ lại, tôi chợt thấy, người lớn nào cũng từng là một đứa trẻ, và đứa trẻ nào cũng từng lớn lên với dăm ba lần được đón từ tay mẹ những món quà. Những lần ấy, mẹ vừa đi chợ về. Mẹ vui, con vui, không khí gia đình rôm rả…

Ngày mai, nhân tiện vì cần mua món đồ đã định, tôi sẽ lần nữa chầm chậm chạy xe đến một khu chợ gần nhà. Bạn tôi nói, ở chợ thứ gì cần cũng sẽ có. Đúng lắm chứ, đi chợ, đôi khi, cả những thứ mình nghĩ chưa thực sự cần đến, thế mà chúng cũng như duyên lành ghé đến tới tấp. Tôi sẽ không bao giờ quên cách làm thế nào để nấu được những nồi canh ngon.

Lúc ấy, dì bán rau và tôi, không đơn thuần chỉ là bên bán, bên mua. Chúng tôi đang trao nhau yêu thương.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.