Thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn

.

Thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2022-2025, Đà Nẵng kỳ vọng các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng sẽ giúp gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn.

Bà Nguyễn Ngọc Lanh (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) hy vọng được tiếp cận các chính sách ưu đãi từ đề án thí điểm để nâng cao chất lượng dịch vụ tại Haly Farm. Ảnh: TIỂU YẾN
Bà Nguyễn Ngọc Lanh (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) hy vọng được tiếp cận các chính sách ưu đãi từ đề án thí điểm để nâng cao chất lượng dịch vụ tại Haly Farm. Ảnh: TIỂU YẾN

Đáng chú ý, thành phố yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện thí điểm không cung cấp dịch vụ lưu trú, không làm ô nhiễm nguồn nước, không thay đổi mục đích sử dụng đất, rừng và xây dựng các hạng mục bằng vật liệu thô sơ, thân thiện với môi trường.

Tôn trọng các giá trị tự nhiên

Theo Quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 15-2-2022 của UBND thành phố về việc ban hành Đề án thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang, mục tiêu của đề án là xây dựng 15 điểm sản xuất nông nghiệp gắn với khai thác dịch vụ du lịch, hình thành sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm)…

Loại đất thực hiện phát triển du lịch gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng sản xuất; bảo đảm diện tích từ 3.000m2 trở lên đối với đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản và 10.000m2 trở lên đối với đất rừng sản xuất. Các mô hình thí điểm cho phép du khách tham gia hoạt động trải nghiệm như: trồng, thu hoạch, đóng gói, câu cá, thả lưới và chế biến các loại rau củ, thủy sản thu hoạch được. Ngoài ra, các hoạt động như cắm trại, thả diều, trò chơi vận động, yoga, dưỡng sinh, chụp ảnh, hoạt động sân khấu quy mô nhỏ, chèo thuyền, cưỡi ngựa, chăm sóc gia súc... cũng được thành phố khuyến khích nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí trong ngày của du khách. 

Để bảo đảm mục tiêu đề ra, UBND thành phố giao cho các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Cụ thể, giao UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp các sở, ngành khảo sát thực địa, thẩm định vùng sản xuất; vận động, khuyến khích cá nhân nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, nói không với túi nilon và rác thải nhựa sử dụng một lần, có kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc phát triển dịch vụ du lịch, tránh tự phát những dịch vụ kém chất lượng. Đối với Sở Du lịch, thành phố yêu cầu đẩy nhanh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đào tạo nhân lực, nghiệp vụ, kết nối đơn vị lữ hành xây dựng tour du lịch đô thị - nông thôn…

Để hoạt động thí điểm diễn ra an toàn, hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn yêu cầu UBND huyện Hòa Vang định kỳ 6 tháng/lần (hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền) thực hiện kiểm tra, tổng hợp, đánh giá tình hình, thông qua Sở Du lịch báo cáo UBND thành phố và cơ quan chức năng có liên quan về các vướng mắc trong quá trình triển khai; đồng thời, tổ chức báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện khi kết thúc thời gian thí điểm.

Tăng giá trị kinh tế nông nghiệp nông thôn

Bà Nguyễn Ngọc Lanh (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết, gia đình bà mua 6.000m2 đất trồng cây lâu năm (trong đó có một phần đất ở - PV) tại thôn Mỹ Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Thời gian đầu, bà xây nhà cấp 4, trồng rau, cây ăn trái với mục đích cuối tuần có chỗ cho gia đình thư giãn, nghỉ ngơi. Năm ngoái, nắm bắt xu thế phát triển du lịch sinh thái tại Hòa Vang, bà quyết định cải tạo hơn 5.000m2 đất trồng keo, thiết kế cảnh quan, trồng cúc bách nhật, thạch thảo, cánh bướm, tam giác mạch, hướng dương…, đặt tên Haly Farm. “Nếu được UBND huyện Hòa Vang chọn tham gia đề án, Haly Farm có cơ hội nâng cao chất lượng dịch vụ, liên kết đơn vị lữ hành đón khách, thay vì tự tìm nguồn khách như hiện nay”, bà Lanh kỳ vọng.

Đăng ký tham gia mô hình thí điểm, HTX dịch vụ, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong) đứng trước cơ hội phát triển nông nghiệp sạch kết hợp dịch vụ du lịch. Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX cho biết, HTX bắt đầu áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp đón học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập và trải nghiệm từ năm 2019. Xu hướng này giúp các thành viên HTX tăng thu nhập và có trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp sạch. “Tôi hy vọng đề án 487 sẽ giúp nông nghiệp, nông thôn Hòa Vang phát triển bền vững”, ông Dũng nói.

Du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản mang lại nhiều lợi ích như tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, kéo gần khoảng cách giữa thành thị - nông thôn trong định hướng phát triển ngành kinh tế mũi nhọn. Ở khía cạnh khác, du lịch nông nghiệp giúp người nông dân bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết đầu ra nông sản…

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho hay, phát triển du lịch nông thôn nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Do đó, ngay khi thành phố ban hành đề án 487, UBND huyện gửi thông báo về các xã, đề nghị tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Theo ông Dũng, để tham gia đề án, các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện về pháp lý, có mô hình, kế hoạch khai thác cụ thể, an toàn. Dựa trên các tiêu chí này, UBND huyện Hòa Vang sẽ lập Hội đồng chấm chọn phương án đầu tư, phê duyệt và cho triển khai.

Trước đó, UBND thành phố đã công bố đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đặt mục tiêu phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm OCOP ở thôn Túy Loan (xã Hòa Phong), thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn)  và trải nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Bắc…

Có thể thấy, nhìn rộng hơn, mô hình du lịch nông nghiệp đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Quảng Nam… Ngoài định hướng đúng đắn từ cơ quan chức năng, đó cũng là nơi người nông dân biết tận dụng lợi thế nông nghiệp, cảnh quan môi trường, văn hóa truyền thống để thu hút khách du lịch, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nông thôn theo hướng lâu dài, bền vững.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.