Điều gì giúp trẻ hạnh phúc?

.

Nhà tâm lý học Lý Mỹ Tân (Trung Quốc) trong một bài phát biểu đã nói: “Gia tài quý giá nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con là hạnh phúc trong đời sống của chính họ”. Theo bà, chính sự yêu thương, quan tâm và tôn trọng lẫn nhau của mỗi cặp vợ chồng sẽ giúp các con có tuổi thơ hạnh phúc.

Một người mẹ có đời sống hạnh phúc, bình yên sẽ giúp con sống hạnh phúc hơn.  Ảnh: NGUYỄN QUANG VINH
Một người mẹ có đời sống hạnh phúc, bình yên sẽ giúp con sống hạnh phúc hơn. Ảnh: NGUYỄN QUANG VINH

Thực tế cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Gia đình mâu thuẫn, rạn nứt hoặc ứng xử kém văn minh trước và sau ly hôn khiến nhiều đứa trẻ rơi vào trạng thái cô độc, khó bộc lộ cảm xúc, hoặc bộc lộ cảm xúc tiêu cực. Xem phim Thương ngày nắng về (đang phát sóng trên kênh VTV3 lúc 21 giờ thứ 2, 3, 4), hẳn khán giả mủi lòng trước những câu mà cô bé Sam (10 tuổi) nói với cậu em So: “Em có biết ly hôn là gì không? Ly hôn là mỗi người một nơi, là không nhìn thấy nhau nữa, nhưng mà chị thích sống với cả bố lẫn mẹ cơ”…

Đang sống hạnh phúc trong vòng tay ba mẹ, một ngày chị em Sam, So phải đối mặt với tình huống bố và mẹ sắp ly hôn. Mẹ em khi không thể chịu đựng nổi sự ức hiếp của mẹ chồng và sự thờ ơ của người đầu ấp tay gối, đã chọn cách ra đi, mang hai con về nương tựa nhà ngoại. So thường xuyên thắc mắc với mẹ, với chị vì sao cuối tuần mới được gặp bố, vì sao bố mẹ không sống với nhau nữa, vì sao mình không được về nhà mà phải ở nhờ nhà ngoại… Chưa kể, người mẹ - với tâm trạng bất ổn - luôn quát mắng mỗi khi Sam, So hỏi về bố. Bộ phim lấy nước mắt khán giả khi xây dựng thành công hình ảnh hai đứa trẻ hoạt bát, ngoan ngoãn ngày nào bỗng trở nên lầm lì, ít nói, thu mình trong bốn bức tường, đôi mắt lúc nào cũng ngân ngấn nước. Thương con, người mẹ đã cầu xin chồng suy nghĩ lại chuyện ly hôn…

Cách đây 6 năm, B.T (SN 2002, trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê) cũng rơi vào trạng thái hụt hẫng khi ba mẹ quyết định ly hôn nhưng vẫn chung sống trong ngôi nhà cũ. Những mâu thuẫn trước đó khiến ba mẹ T. dù đã “đường ai nấy đi” vẫn tiếp tục cãi vả... Suốt ngày chứng kiến cảnh này, T. chán nản, bỏ học, không chịu chia sẻ cảm xúc với bất kỳ ai. Để bảo vệ T. trước những tình huống tiêu cực, 3 năm sau ngày ba mẹ ly hôn, UBND phường Tân Chính phối hợp Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em (thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố) tổ chức buổi hòa giải, giúp T. nói lên suy nghĩ, tình cảm của mình. Tại đây, T. cho biết bản thân đã trải qua những ngày tháng cô đơn, buồn tủi, mất lòng tin khi không được cha mẹ yêu thương, chia sẻ. Trái tim vốn chịu nhiều tổn thương của T. cảm thấy kiệt sức trước cảnh cha mẹ ngày ngày dùng lời lẽ xúc phạm và xem T. là gánh nặng trong cuộc hôn nhân của họ. Điều T. mong muốn, đơn giản là ba mẹ dừng cãi nhau, dành sự tôn trọng và yêu thương em nhiều hơn.

Luật sư Nguyễn Phi Hùng, Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em cho biết, phần lớn “bị can” trong các vụ án sinh ra trong những gia đình thiếu sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc con cái. “Con cái là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ. Gia cảnh phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và tâm lý trẻ. Nhiều em ở nhà bị ba mẹ chửi mắng, đánh đập. Khi sinh ra và lớn lên trong một gia đình như vậy, chắc chắn đứa trẻ ấy không bao giờ hạnh phúc”, luật sư Hùng cho hay.

Trong một xã hội chuyển động như hiện nay, không có khuôn mẫu nào trong việc nuôi dạy con, chúng ta cần mang lại cho chúng môi trường an toàn, hạnh phúc. Hiện nay, nhiều cuốn sách viết về câu chuyện nuôi dạy trẻ tập trung vào các nguyên tắc giúp trẻ hạnh phúc, như: ba mẹ không so sánh con với người khác, trẻ được công nhận, được vui chơi, được bày tỏ cảm xúc, được lắng nghe và hiểu về những cảm xúc tiêu cực… Và, nguyên tắc cốt lõi nhất trong câu chuyện này, là bắt đầu với chính mình - làm những ông bố, bà mẹ hạnh phúc.

Đơn cử, trong cuốn sách Hôm nay mẹ có vui không? (NXB Phụ nữ, 2021), tác giả Trần Vân Anh đưa ra nguyên tắc: “Mẹ bất ổn, con dễ bất hảo”, “Mẹ bình yên, con hạnh phúc”... Dựa trên những tình huống mà tuổi thơ từng đối mặt khi sống với người mẹ hay lo âu, quát mắng con, tác giả cho rằng chỉ khi nào người mẹ bình yên, tự chữa lành thì con mới hạnh phúc. Theo chị, điều con cái dễ dàng cảm nhận nhất là ba mẹ chúng có sống hạnh phúc hay không. Không khí gia đình căng thẳng, ngột ngạt sẽ khiến những đứa trẻ sống trong đó bất an, lo lắng, thậm chí bị la mắng thường xuyên.

Mỗi ngày, câu hỏi mà chị thích nghe nhất là: “Hôm nay mẹ có vui không?”. Tất nhiên, chị cũng dùng câu hỏi tương tự để mở đầu cuộc trò chuyện với con mỗi ngày: “Hôm nay con có vui không?”. Những câu hỏi mở ra không gian chia sẻ, giãi bày, yêu thương và quan tâm giữa hai mẹ con, giúp tác giả vượt qua chứng trầm cảm, lo âu, cùng con vượt khiếm khuyết. “Không có công thức trong việc dạy con, không có phương pháp nào là đúng hay sai nhưng chắc chắn có nhiều con đường để trở thành một người mẹ tốt. Một trong những con đường đơn giản nhất đó là trở thành một người mẹ hạnh phúc”, tác giả viết.

Có thể nói, đời sống vợ chồng hạnh phúc mang lại nguồn năng lượng tích cực cho con mỗi ngày. Bởi lẽ, trong gia đình ấy, mỗi thành viên biết tự điều chỉnh cảm xúc và dùng tình yêu, sự quan tâm giúp con tự tin bước vào đời.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.