Đà Nẵng cuối tuần

GIÁM ĐỐC COVAX AURÉLIA NGUYỄN:

Cần chủ động tránh những dịch bệnh khác

09:53, 25/06/2022 (GMT+7)

Dù chưa thể tuyên bố kết thúc đại dịch Covid-19, nhưng nhờ có vắc-xin, Việt Nam đang trở lại nhịp sống bình thường như trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Tính đến ngày 17-6-2022, Việt Nam đã tiêm hơn 225,2 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19.

Giám đốc COVAX Aurélia Nguyễn.  Ảnh: Gavi/Tony Noel
Giám đốc COVAX Aurélia Nguyễn. Ảnh: Gavi/Tony Noel

Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Aurélia Nguyễn, Giám đốc chương trình COVAX - cơ chế giúp bảo đảm việc tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19 công bằng trên thế giới - đánh giá rất cao thành công của chiến dịch tiêm chủng, cũng như quyết tâm thực hiện bình đẳng vắc-xin Covid-19 của Việt Nam. Bà chia sẻ những khuyến nghị ở tầm chiến lược để nhân loại phòng tránh một đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.

Sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ Việt Nam

* Ngày 1-4 vừa qua đánh dấu tròn 1 năm Việt Nam nhận được lô vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên qua cơ chế COVAX. Là người Pháp gốc Việt(*), bà có cảm xúc như thế nào khi làm được một điều to lớn giúp Việt Nam như thế?

- Tôi vô cùng tự hào về khoảnh khắc đó. COVAX được thành lập nhằm giúp các nước như Việt Nam bảo vệ những người dân dễ tổn thương nhất trước đại dịch Covid-19. Việt Nam xứng đáng nhận được nhiều khen ngợi về cách thức huy động toàn bộ hệ thống y tế trong chiến dịch triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn quốc. Đến nay, Việt Nam đã làm rất tốt việc bảo vệ người dân của mình và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Việt Nam để có thêm những hỗ trợ linh hoạt, phù hợp, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu tiêm chủng quốc gia.

Không bỏ ai lại phía sau về tiêm chủng
Tháng 6-2019, Ban lãnh đạo Gavi thông qua nội dung chiến lược 5 năm mới (còn gọi là “Gavi 5.0”) và giai đoạn thứ 5 của chiến lược (2021-2025) có tầm nhìn “Không bỏ ai lại phía sau về tiêm chủng” nhằm cứu sống nhiều người và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua việc tăng cường sử dụng vắc-xin bình đẳng và bền vững. Theo đó, từ năm 2021-2025, việc triển khai thực hiện chiến lược toàn diện sẽ giúp các nước thu nhập thấp tiêm chủng thêm cho khoảng 300 triệu trẻ em và giảm từ 7-8 triệu ca tử vong.
Từ thành công của các giai đoạn chiến lược trước đây, “Gavi 5.0” có nhiều thay đổi quan trọng trong triển khai sứ mệnh hiện nay và sắp tới. Cụ thể, “Gavi 5.0” tập trung cốt lõi việc tiếp cận những trẻ em chưa được tiêm chủng và những cộng đồng bị “bỏ quên”; các giải pháp tiếp cận khác biệt, phù hợp và có mục tiêu trong chương trình tiêm chủng tại các nước thỏa mãn điều kiện hỗ trợ từ Gavi; tập trung hơn vào tính bền vững có kế hoạch (nghĩa là làm sao vẫn có thể duy trì các dự án chương trình nếu không còn nguồn tài trợ); cung cấp sự hỗ trợ cho các nước đã được và chưa từng được Gavi giúp đỡ.

* Thế giới đã bước sang năm thứ 3 đại dịch Covid-19. Nhìn lại hành trình đã qua với COVAX, theo bà, đâu là những dấu mốc đáng chú ý?

- Hơn 1,4 tỷ liều vắc-xin đã được điều phối thông qua COVAX tới 145 quốc gia/vùng lãnh thổ. Hầu hết vắc-xin đã tới những quốc gia/vùng lãnh thổ đủ điều kiện được hỗ trợ thông qua Cơ chế tiếp cận toàn cầu (COVAX Advance Market Commitment - AMC) của Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (Gavi). Những nỗ lực này giúp bảo đảm sự công bằng vắc-xin trên toàn cầu. Hiện nay, khoảng 43% người dân tại 92 quốc gia có thu nhập thấp thuộc nhóm được hỗ trợ vắc-xin từ nguồn ngân sách tài trợ thông qua cơ chế AMC đã được tiêm 2 liều vắc-xin phòng Covid-19.
Tốc độ phủ vắc-xin nhanh chóng một phần nhờ COVAX có nguồn cung lâu dài và dự báo được từ các hợp đồng mua trước trực tiếp với số lượng lớn vắc-xin đã sẵn sàng, bên cạnh các lô vắc-xin quyên tặng khác.

* Điều gì khiến bà tự hào nhất với COVAX?

- Tôi tự hào về mọi điều chúng tôi đã đạt được thông qua COVAX, về tất cả những trở ngại mà chúng tôi đã vượt qua để đạt được kết quả hiện nay. Khởi đầu từ 2 năm trước với không nhân viên, không ngân sách, chúng tôi hiểu rằng chưa từng có một tổ chức quốc tế hay một đất nước nào chuẩn bị để đảm đương và lĩnh xướng một cơ chế ứng phó về vắc-xin trên phạm vi toàn cầu. Chúng tôi biết công việc của mình chẳng bao giờ dễ dàng.
Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được một cơ chế phản ứng vắc-xin khẩn cấp với quy mô lớn nhất trong lịch sử, vượt qua rất nhiều so với mục tiêu ban đầu là bảo vệ các nhóm dân số dễ tổn thương nhất ở mỗi quốc gia.

Chúng tôi vẫn chưa đạt tới mục tiêu như thế giới mong đợi và dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt. Song, nguồn cung vắc-xin đã sẵn sàng để giúp tất cả các nước thu nhập thấp đạt được, thậm chí vượt qua những mục tiêu bao phủ vắc-xin quốc gia.

Đại diện các cơ quan, tổ chức gồm Bộ Y tế Việt Nam, WHO Việt Nam và UNICEF Việt Nam trong buổi tiếp nhận lô vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên thông qua cơ chế COVAX được chuyển tới Việt Nam ngày 1-4-2021. Ảnh: WHO.INT
Đại diện các cơ quan, tổ chức gồm Bộ Y tế Việt Nam, WHO Việt Nam và UNICEF Việt Nam trong buổi tiếp nhận lô vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên thông qua cơ chế COVAX được chuyển tới Việt Nam ngày 1-4-2021. Ảnh: WHO.INT

Không quên các bệnh phổ biến khác

* Bà dự báo gì về đại dịch Covid-19 trong tương lai gần?

- Trung bình cứ khoảng 4 tháng lại xuất hiện một biến thể virus mới, nỗi lo lớn nhất của tôi là với khoảng 1,5 triệu ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận mỗi ngày, thế giới sẽ phải đối mặt với một biến thể khác trước khi đại dịch này lùi xa. Chúng ta không biết một biến thể trong tương lai sẽ nguy hiểm nhiều hay ít hơn so với biến thể hiện tại, nhưng một điều mà chúng ta đã học được là phải sẵn sàng chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Đó là lý do vì sao chúng tôi vẫn đang khẩn trương tìm kiếm thêm các nguồn ngân sách bổ sung để giúp các nước mở rộng và tăng tốc các chương trình phân bổ vắc-xin, đồng thời để có thể mua các loại vắc-xin khác đặc trị với những biến thể mới trong thời gian tới nếu cần.

* Tất cả chúng ta đều rút ra được những bài học riêng sau những giai đoạn khó khăn. Vậy đâu là bài học bà rút ra cho mình qua đại dịch Covid-19?

- Chúng ta đã sống qua một đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Tất cả chúng ta đều nhận ra tầm quan trọng của việc có một kế hoạch dự phòng. Lẽ ra thế giới nên có một kế hoạch trước khi xảy ra đại dịch này. Đó là lý do vì sao lúc này chúng ta không nên chỉ chăm chăm hoàn tất công việc hiện nay (tức chấm dứt đại dịch Covid-19 - PV), mà cần bắt đầu chuẩn bị phòng ngừa để đối phó với đại dịch kế tiếp có thể xảy ra, nếu xét về mặt tiến hóa.

* Về cơ chế COVAX, căn cứ vào rất nhiều thay đổi về dịch bệnh đã diễn ra thời gian qua, tổ chức của bà có những điều chỉnh hay thay đổi gì về định hướng hoạt động?

- COVAX đã xây dựng hệ thống mua, vận chuyển và phân phối toàn cầu tập trung vào sự phân bổ bình đẳng vắc-xin. Khi những căng thẳng về nguồn cung đã giảm, COVAX đang điều chỉnh cách hỗ trợ để giúp các nền kinh tế thuộc nhóm được hỗ trợ theo cơ chế AMC nhanh chóng đưa được nhiều nhất có thể lượng vắc-xin vào tiêm chủng trong thực tế.

Cùng với đó, vì Gavi là liên minh vắc-xin toàn cầu mang sứ mệnh bảo vệ khoảng một nửa số trẻ em trên toàn thế giới khỏi các bệnh có thể phòng tránh nên chúng tôi đang tăng cường tập trung làm thế nào để khớp nối các chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn cầu với các chương trình tiêm chủng định kỳ khác. Những chương trình tiêm chủng thường xuyên này đã bị ảnh hưởng nặng nề trong 2 năm qua và chúng ta cần nỗ lực để khôi phục, nếu không thì chúng ta có nguy cơ đối mặt với việc có một thế hệ không được bảo vệ khỏi các bệnh nguy hiểm tính mạng khác.

888 triệu
là số trẻ em tại các nước có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã được tiêm chủng các loại vắc-xin trong hơn 2 thập niên qua do Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (Gavi) hỗ trợ. Cùng với việc giúp thế giới đẩy lùi đại dịch Covid-19, liên minh này sẽ tiếp tục các nỗ lực bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh có thể phòng ngừa như: viêm màng não, thương hàn, sởi, rubella, tả, bại liệt, sốt vàng da và nhiều loại bệnh khác.
Riêng với vắc-xin phòng Covid-19, theo số liệu cập nhật đến ngày 4-4-2022 của Gavi, cơ chế COVAX đã vận chuyển hơn 602 triệu liều vắc-xin tới 106 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong đó, tỷ lệ vắc-xin Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca và Pfizer-BioNTech chiếm lần lượt 19%, 27%, 26% và 28%.

DƯƠNG KIM THOA  thực hiện

(*) Bà Aurélia Nguyễn chia sẻ rằng, cha bà được sinh ra ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ở tuổi 20, bà đã được về thăm quê cha đất tổ lần đầu tiên. Chuyến thăm để lại cho bà những cảm xúc đặc biệt, giúp kết nối sâu sắc hơn với Việt Nam sau khi được viếng mộ tổ tiên, tham quan những thắng cảnh đẹp và được ăn những món ăn ngon của Việt Nam. (P.V)

.