Đà Nẵng cuối tuần
Kết nối tình thân qua phương tiện hiện đại
Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ đã mang lại rất nhiều tiện ích, tác động lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Trong thời đại công nghệ 4.0, những phương tiện kỹ thuật hiện đại giúp gắn kết gần nhau hơn cho dù bạn ở bất kỳ đâu.
Anh Nguyễn Hữu Phú (bìa phải) cùng các em học sinh ở xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
1. Câu chuyện của chị Nguyễn Thúy Thanh (thành phố Houston, bang Texas, Mỹ) là một ví dụ điển hình. Trước khi lấy chồng, chị Thanh sống cùng bố mẹ đẻ ở quận Hải Châu (Đà Nẵng). Chồng chị - một Việt kiều - sau khi kết hôn đã quay lại Mỹ để tiếp tục công việc kinh doanh. Trừ những dịp Tết được đoàn tụ, hai vợ chồng vẫn giữ liên lạc thường xuyên qua Facebook và gọi Facetime. “Nhờ Facebook mà chúng tôi kết nối với nhau hằng ngày để không cảm thấy xa nhau. Một ngày gọi 3-4 lần hỏi thăm sức khỏe, công việc. Vợ chồng tôi duy trì như thế trong khoảng 3 năm, cho đến khi bé đầu lòng tròn 2 tuổi thì tôi mới thu xếp công việc để sang Mỹ”.
Khi qua Mỹ, chị Thanh xa gia đình bố mẹ đẻ. Đó là những tháng ngày nỗi nhớ nhà thêm da diết. “Càng ngày bố mẹ càng lớn tuổi, sức khỏe càng yếu, không biết ra đi lúc nào nên tôi thường xuyên gọi điện về nhà cho bố mẹ yên tâm. Trước đây, cả hai ông bà đều không biết về công nghệ, nhưng khi tôi đi xa, bố mẹ phải làm quen với mạng xã hội.
Nhờ các tiện ích của Facebook, Zalo, bố mẹ thường xuyên thấy con cháu mỗi ngày qua việc cập nhật thông tin trên trang Facebook cá nhân của tôi. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi gọi điện hỏi thăm. Ngày nay, các tiện ích từ nền tảng mạng xã hội giúp chúng tôi kết nối gần nhau với chi phí rẻ. Chúng tôi có thể nhìn thấy nhau bất kỳ lúc nào thông qua các cuộc gọi video trên Zalo, Facebook”.
Nhìn những tấm ảnh chị Thanh chụp lúc nói chuyện với bố mình qua Facetime đăng trên Facebook mới thấy tình cảm cha con càng thắm thiết. Đặc biệt, những ngày đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những cuộc gọi điện, chia sẻ thông tin và tình cảm diễn ra thường xuyên hơn. Các thành viên trong gia đình luôn động viên nhau vượt qua dịch bệnh. “Lúc bố tôi mắc Covid-19, cả nhà rất lo vì bố có bệnh nền. Nhờ có Facebook, tôi thường gọi điện cho gia đình để hướng dẫn bố mẹ cách phòng và chữa bệnh”, chị Thúy Thanh chia sẻ.
2. Anh Nguyễn Hữu Phú, công tác tại xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), quê xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa). Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và liên thông lên đại học, anh làm đơn xin ra đảo Song Tử Tây dạy học cho các em mầm non và tiểu học trên đảo. Mỗi năm, anh được nghỉ phép, vào đất liền thăm nhà dịp nghỉ hè và nghỉ Tết nhưng cũng còn phụ thuộc lịch trình của tàu hải quân.
Anh Phú cho biết: “Sóng wifi ở đảo rất yếu nên không gọi được bằng Facetime. Tôi chủ yếu gọi bằng điện thoại, lâu lâu mới gửi được tin nhắn và xem hình ảnh của gia đình ở đất liền qua tin nhắn Facebook”.
Những lúc vào đất liền, anh Phú tranh thủ đăng các đoạn clip quay tổng kết năm học lên Facebook để chia sẻ với bạn bè về cuộc sống và sinh hoạt của thầy trò ở đảo, từ đó lan tỏa tình yêu biển, đảo đến với mọi người. Đến nay, anh Phú đã dạy học ở đảo 4 năm và đón 4 cái Tết tại đây.
“Ăn Tết ở đảo gần gũi và đầm ấm. Mặc dù cuộc sống không đủ đầy như ở đất liền nhưng vẫn có bánh chưng. Mọi người vẫn tổ chức văn nghệ giao lưu quân dân đón giao thừa, vẫn đi lễ chùa đầu năm và tổ chức các trò chơi dân gian. Tuy 4 cái Tết xa nhà nhưng sự gắn bó của quân dân, nhất là các em học sinh ở đảo làm mình vơi đi nỗi nhớ nhà”, anh Phú bày tỏ.
“Quê em ở xã đảo/ Song Tử Tây hiền hòa/ Giữa bốn bề sóng gió/ Cây bàng vuông vươn xanh… Quân dân tình đoàn kết/ Chung lòng yêu quê hương”. Những lời thơ của thầy Phú luôn được các học sinh ở Song Tử Tây đọc vang hằng ngày làm anh cảm thấy hạnh phúc, thấy không khí nơi đây chẳng khác một gia đình. Tôi cũng hiểu vì sao anh lại gắn bó với các em nhiều đến thế. “Tiếng trẻ con rộn ràng, khiến mình cảm thấy ấm áp như đang ở nhà vậy!”, anh Phú xúc động.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG