Đà Nẵng cuối tuần
Chung tay xây dựng tổ ấm
Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm về vai trò của người phụ nữ phải lo thu vén gia đình để người đàn ông yên tâm bươn chải với công việc nặng nhọc bên ngoài đã không còn phù hợp. Một gia đình hạnh phúc đòi hỏi sự kết hợp, chia sẻ trách nhiệm, vun đắp và nuôi dưỡng hạnh phúc từ hai phía.
Vợ chồng anh Bùi Văn Tuấn (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) luôn tâm niệm: Nhà chỉ có một và là nơi hạnh phúc nhất, yên bình nhất, vui vẻ nhất để mỗi một ai khi đi ra đều mong trở về. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Nhà là nơi hạnh phúc, yên bình nhất
Đó là quan điểm khi lập gia đình mà anh Bùi Văn Tuấn (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) tâm niệm và luôn nỗ lực thực hiện từng ngày. Với anh Tuấn, dù ở thời điểm nào, việc xây tổ ấm đều phải đến từ sự chung tay góp sức của cả vợ lẫn chồng. Anh Tuấn cho rằng, nếu người đàn ông trong gia đình nào cũng có suy nghĩ như vậy thì dù ở hoàn cảnh, địa vị, công việc nào, cũng sẽ có những cách làm và ứng xử phù hợp để nuôi dưỡng tổ ấm của mình.
“Tôi luôn nghĩ nhà là nơi hạnh phúc, yên bình, vui vẻ nhất để ai khi đi ra đều mong trở về. Vì vậy, với vai trò là người đàn ông trụ cột trong gia đình, mỗi ngày về nhà, tôi mang tâm thế thoải mái nhất để không khí căn nhà luôn vui vẻ, ấm cúng. Tôi sẵn sàng giặt đồ, rửa chén, lau nhà, chăm sóc con hoặc đi chợ, nấu ăn mỗi khi vợ bận công việc. Tôi làm những việc ấy không chỉ để vợ vui mà còn để con cái thấy và hiểu rằng bất cứ ai trong căn nhà này đều phải sống có trách nhiệm với nhau, cùng chia sẻ công việc, yêu thương và quan tâm lẫn nhau, như vậy tổ ấm mới hạnh phúc, bền chặt. Cũng nhờ sự san sẻ ấy mà tôi và các thành viên trong gia đình có thêm thời gian cùng chơi, cùng trò chuyện và thấu hiểu nhau hơn. Với tôi, hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhoi như vậy”, anh Tuấn bộc bạch.
Anh Tuấn kể, hơn 3 năm trước, trong một lần gặp tai nạn, vợ anh bị liệt và phải đi lại bằng xe lăn, trong khi con gái thứ hai mới tròn 5 tháng tuổi. Nhận được tin “sốc”, anh Tuấn không suy nghĩ nhiều, chỉ kịp viết đơn gửi cơ quan nơi đang công tác xin nghỉ việc không thời hạn để chăm sóc vợ. Vậy là từ một người chỉ biết đến công việc, anh Tuấn không ngừng nỗ lực để trở thành một “hộ lý” ở hết bệnh viện này đến bệnh viện khác chăm sóc vợ suốt 2 năm. Anh Tuấn còn kiêm vai trò một “người mẹ” chăm sóc hai con, vừa học hỏi làm kỹ thuật viên vật lý trị liệu cho vợ, vừa làm tốt công việc nội trợ, đồng thời vẫn phải kiếm tiền nuôi con, lo viện phí và hoàn thành chương trình cao học.
Với anh Tuấn, gia đình là tài sản quý giá nhất. Vì vậy, trong một số hoàn cảnh nhất định, người đàn ông cần hy sinh các mục tiêu cá nhân để bù đắp hoặc lèo lái con thuyền của mình đi đúng hướng. Hơn 3 năm ròng rã chăm vợ con, khó khăn chồng khó khăn, anh Tuấn vẫn không ngừng động viên, an ủi, sẻ chia cùng vợ để chị có niềm tin chiến thắng bệnh tật. Với sự nỗ lực của chồng, vợ anh cũng đáp lại bằng việc trở thành người truyền động lực tích cực cho cả gia đình.
“Khi đã trao đổi, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, tôi yên tâm trở lại làm công việc mình yêu thích. Mỗi ngày tôi đều cố gắng hoàn thành tốt công việc để trở về cùng vợ con. Tôi nghĩ, chính tình yêu chân thành, sự cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu cũng như ý thức được trách nhiệm của mỗi người đã giúp gia đình tôi vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống”, anh Tuấn nhìn nhận.
Nuôi dưỡng hạnh phúc từ hai phía
Là cán bộ Đoàn, chị Nguyễn Thị Anh Thảo (trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) luôn bận rộn với các chương trình, hoạt động thanh niên. Công việc vất vả, có thời điểm đi sớm về khuya liên tục, nhưng may mắn là từ khi quen nhau cho đến khi kết hôn, chồng chị Thảo hiểu và tôn trọng công việc của vợ nên không hề khó chịu; trái lại, anh luôn trêu đùa, tạo không khí vui vẻ. Có thể nói, với gia đình chị Thảo, sự tôn trọng, thấu hiểu, sẻ chia chính là liều thuốc giúp tổ ấm của chị hạnh phúc.
Chị Thảo bày tỏ: “Tôi rất vui khi người bạn đời cùng hỗ trợ tôi làm tốt mọi công việc, từ thu vén nhà cửa đến chăm sóc con cái. Kết thúc một ngày làm việc, bước chân vào cánh cửa của ngôi nhà thì mỗi người một việc, sẻ chia cùng nhau. Tôi luôn quan niệm “Một tay vỗ chẳng thành tiếng”, vậy nên việc xây dựng gia đình hạnh phúc là hai bàn tay cùng hòa một nhịp, cùng góp sức nuôi dưỡng con cái, hoàn thành tốt công việc của mỗi người, để gia đình thực sự là mái ấm. Thực tế, nếu không có sự hậu thuẫn từ gia đình, nhất là chồng, tôi khó có thể vừa làm tròn trách nhiệm với công việc, vừa chu toàn vai trò người vợ, người mẹ”.
Chị Lê Thị Phương Thảo (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ), vợ chồng chị đều xuất thân ở vùng nông thôn nên hiểu sâu sắc việc phải cùng nhau sẻ chia, cố gắng khi lập nghiệp nơi “đất khách”. Vì vậy, vợ chồng chị Thảo tâm niệm rằng, chỉ có thấu hiểu, yêu thương, tôn trọng và thủy chung mới giúp gia đình hạnh phúc bền chặt.
Làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, mỗi tháng chị Phương Thảo đi công tác 1-2 lần, mỗi lần 3-5 ngày, nhưng nhờ chồng chăm sóc con chu đáo nên mọi việc đều suôn sẻ. “Trước mỗi chuyến công tác, tôi chuẩn bị sẵn đồ ăn cho ba bố con trong khoảng 5 ngày và chồng đi làm về sẽ nấu cơm, chăm sóc con. Chồng tôi luôn nói: Phụ nữ phải có công việc, có những mối quan hệ giao tiếp bên ngoài thì mới tự tin, xinh đẹp và năng động. Việc xây dựng tổ ấm không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau”.
Theo Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Hồng Nhung, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), việc xây tổ ấm không có gì quá to tát, chỉ cần đi làm về vợ chồng cùng nhau chia sẻ công việc nhà, cùng nuôi dạy con cái. Khi hai vợ chồng cùng thống nhất, thấu hiểu nhau thì việc nuôi dạy con cái tự khắc cũng sẽ thuận lợi. Thực tế chứng minh những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong gia đình hạnh phúc sẽ phát triển toàn diện nhất về thể chất lẫn tinh thần, và chính đứa trẻ đó cũng nhìn thấy được vai trò của mình trong việc chung tay cùng bố mẹ dựng xây tổ ấm. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình phải tôn trọng lẫn nhau, đặt mình vào vị trí của nhau, lắng nghe nhau để thấu hiểu, từ đó san sẻ và đồng hành với nhau hơn trong việc dựng xây tổ ấm gia đình mình.
THANH TÌNH