Bệnh đậu mùa khỉ lan ra 78 nước

.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận tổng cộng hơn 19.000 ca bệnh đậu mùa khỉ tại 78 quốc gia tại 6 khu vực, phần lớn ở châu Âu.

Một xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ. Ảnh: CNA
Một xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ. Ảnh: CNA

Đến nay, 98% số ca mắc đậu mùa khỉ tại các nước ngoài châu Phi là ở nhóm nam giới có quan hệ đồng tính. Các nhà khoa học cũng đang điều tra xem bệnh xuất hiện trong cộng đồng thông qua những trường hợp đơn lẻ hay sự kiện tập trung đông người…

Thế giới có sẵn 16 triệu liều vắc-xin

Nhiều thập niên qua, bệnh đậu mùa khỉ chỉ lưu hành ở châu Phi nên không được các khu vực khác để ý. Tháng 5-2022, các ca nhiễm lần đầu được ghi nhận ngoài “lục địa đen” và bệnh dần lan rộng, làm dấy lên nhiều lo ngại, nhất là khi thế giới vẫn đối mặt với các biến chủng của Covid-19.

Ngày 23-7, WHO tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lần này là Tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng quốc tế (PHEIC) - cấp độ cảnh báo cao nhất với một đợt bùng phát dịch bệnh. “Chúng ta chịu các đợt bùng phát lan nhanh khắp thế giới, thông qua phương thức lây truyền mới mà chúng ta có quá ít kiến thức về nó”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Đến nay, WHO đã ban bố mức cảnh báo PHEIC với cúm H1N1 (2009), Poliovirus - virus gây bại liệt (tháng 5-2014), Ebola (tháng 8-2014), virus Zika (tháng 2-2016), Ebola (tháng 7-2019), Covid-19 (tháng 1-2020). Hiện PHEIC vẫn còn hiệu lực đối với Covid-19 và Poliovirus.

Thế giới đã có vắc-xin Jynneos vốn được phát triển hiệu quả cho bệnh đậu mùa và nay được phê duyệt để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Tổng Giám đốc WHO khuyến cáo cần tiêm phòng vắc-xin cho các nhóm có nguy cơ cao, gồm nhân viên y tế và nam giới có quan hệ đồng tính. Ông Tedros cho biết, thế giới có sẵn khoảng 16 triệu liều vắc-xin đã được cấp phép, đều ở dạng đóng gói theo lô lớn và dự kiến mất vài tháng để chia nhỏ ra các lọ.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của nước này ghi nhận 3.500 trường hợp mắc bệnh hoặc có các triệu chứng. Theo đó, Mỹ là quốc gia có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới. Giới chức y tế Mỹ sẽ cung cấp thêm 786.000 liều vắc-xin đậu mùa khỉ cho các sở y tế địa phương sau khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt các mũi tiêm này.

Đổi tên gọi để người bệnh không mặc cảm

Trong thư gửi Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu ngành y tế New York (Mỹ), ông Ashwin Vasan, cho rằng tên đậu mùa khỉ sẽ khiến người bệnh mặc cảm và trốn tránh điều trị.

Ở “lục địa đen”, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây sang người từ động vật hoang dã bị nhiễm bệnh như loài gặm nhấm. Tuy nhiên, ở châu Âu, Bắc Mỹ và những khu vực khác, bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở những người không có liên hệ với động vật hoặc không du lịch châu Phi trong thời gian gần đây.

Theo ông Vasan, tên đậu mùa khỉ không xuất phát từ việc virus gây bệnh có nguồn gốc từ khỉ, mà căn bệnh xuất phát từ những người châu Phi. Vì vậy, nếu dùng tên gọi đậu mùa khỉ thì sẽ gợi lên ký ức phân biệt chủng tộc, đồng thời dẫn đến sự kỳ thị đối với những người mắc bệnh. Người bệnh cũng vì thế mà trốn tránh sự hỗ trợ y tế, khiến cộng đồng da màu và cộng đồng LGBTQIA+ (đồng tính, song tính, vô tính và chuyển giới) bị tổn thương. Tổng cộng 1.092 ca mắc bệnh đã được công bố ở New York nhưng báo chí địa phương cho rằng con số thực tế có thể cao hơn.

Thực tế, hồi đầu tháng 6, WHO đã đề cập ý tưởng đổi tên bệnh đậu mùa khỉ và lý giải rằng việc đặt tên cho các căn bệnh nên được thực hiện với mục đích giảm thiểu tác động tiêu cực, tránh xúc phạm bất kỳ nhóm văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực, nghề nghiệp hoặc dân tộc nào. Các chuyên gia WHO đang tham vấn ý kiến ​​của các chuyên gia về orthopoxvirus - họ virus bao gồm virus bệnh đậu mùa khỉ - để đặt tên phù hợp hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ do virus thuộc chi orthopoxvirus có “họ hàng” với bệnh đậu mùa gây ra. Các triệu chứng ban đầu khi mắc bệnh có thể bao gồm sốt và mệt mỏi. Vài ngày sau, các vết phát ban trên cơ thể bệnh nhân chuyển thành những vết tổn thương da gây đau đớn. Tình trạng này có thể kéo dài vài tuần cho đến khi khỏi bệnh.
WHO cho rằng, bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ, chứ không riêng cộng đồng LGBTQIA+.

VĨNH AN (Theo Washington Post, AFP, CNN)

;
;
.
.
.
.
.