Giới trẻ nghiện TikTok

.

Việc tham gia mạng xã hội TikTok đang trở thành trào lưu của nhiều người, nhất là giới trẻ. Bên cạnh mặt tích cực, TikTok ẩn chứa nhiều sản phẩm rác có nội dung tiêu cực, không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên.

Mạng xã hội TikTok đang là kênh thu hút giới trẻ mạnh nhất hiện nay. Ảnh: THANH TÌNH
Mạng xã hội TikTok đang là kênh thu hút giới trẻ mạnh nhất hiện nay. Ảnh: THANH TÌNH

TikTok là nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng tạo ra những video ngắn, hát nhép, hài kịch, thể hiện tài năng nhằm tìm kiếm sự chú ý và nổi tiếng. Khác với các nền tảng video như YouTube hay Instagram, TikTok có độ dài chỉ từ 3-15 giây, chứa nhiều hiệu ứng đẹp mắt kết hợp với nhạc nền hấp dẫn, tối giản việc chỉnh sửa, biên tập video…, thu hút giới trẻ tải về sử dụng.

Nhiều nỗi lo

Từ đầu tháng 6 đến nay, khi con kết thúc chương trình học ở trường, chị Đ.T, mẹ bé T.K (8 tuổi, quận Sơn Trà) cho con về quê nghỉ hè với ông bà và mua cho con chiếc điện thoại thông minh để dễ dàng liên lạc. Sau gần một tháng ở quê, chị T. đón con về thành phố học hè thì thấy con có những biểu hiện khác ngày thường như con thường đóng cửa phòng sau bữa ăn, thích chụp ảnh selfie...

Qua tìm hiểu, chị T. nhận ra, trong thời gian ở quê, được trang bị điện thoại có kết nối internet, con trai chị đã tải ứng dụng TikTok và game, lúc đầu chỉ để giải trí, sau “nghiện” từ lúc nào không hay. “Sai lầm của tôi là cho con sử dụng điện thoại mà không kiểm soát. Khi phát hiện, lúc đầu tôi tịch thu điện thoại khiến con phản kháng, sau đó tôi dùng phương pháp mềm mỏng hơn, cụ thể là thu xếp công việc, dành nhiều thời gian hơn cho con, đưa con đi nhà sách, công viên, cho con tham gia các lớp đào tạo kỹ năng sống… Nhờ vậy, con quên dần điện thoại và chỉ sử dụng điện thoại khi cần thiết”, chị T. cho hay.

Trong khi đó, sau kỳ nghỉ hè cho con học tại nhà, chị H.G (quận Thanh Khê) cũng “tá hỏa” khi thấy con ngày càng biết tạo dáng và có những clip đăng tải trên mạng xã hội. Lúc đầu, chị G. vui khi con không những biết làm clip mà còn biết tạo hiệu ứng. Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát, chị thấy con có dấu hiệu “nghiện” TikTok. “Lúc đó, mình trao đổi với chồng và con gái, đưa ra những nội quy để mọi người cùng thực hiện. Với con gái, mình yêu cầu con sử dụng mạng xã hội có giới hạn. Mình vẫn cho con dùng TikTok nhưng phải tham gia hỗ trợ con lọc và loại bỏ các video có nội dung không phù hợp hoặc các bình luận xấu. Mình còn phải kiểm tra các video con đăng lên… nhằm hạn chế tối đa việc con tiếp xúc với những nội dung không tốt gây ảnh hưởng tâm lý”, chị G. chia sẻ.

Chị T.L (quận Hải Châu) có con gái học lớp 7 cho rằng, chị không ủng hộ việc con dùng TikTok hay mạng xã hội nhưng cũng không cấm đoán. Dù không cho con sử dụng điện thoại thông minh nhưng chị L. vẫn cho con dùng máy tính phục vụ việc học. Mỗi lần sử dụng máy, con xin phép bố mẹ và sử dụng có mục đích rõ ràng. Dẫu vậy, chị L. vẫn lo ngại con tự ý vào các trang mạng không phù hợp khi không có chị ở bên cạnh. Vì vậy, chị L. luôn phân tích cho con thấy lợi ích của những trang mạng tốt dành cho việc học, tác hại của những trang mạng có nội dung không phù hợp hay nhắc nhở khi thấy con ngồi vào máy tính quá nhiều…

Là người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, anh Nguyễn Văn Dũng, Kỹ sư phần mềm cấp cao, Công ty KMS - Công ty Tư vấn và phát triển phần mềm, có trụ sở ở Mỹ với các trung tâm phát triển tại Việt Nam nhìn nhận: TikTok cũng giống một số nền tảng mạng xã hội khác - là nơi người dùng có thể giao lưu, trò chuyện, xem các nội dung giải trí. Đặc biệt, TikTok khá thành công khi nắm bắt tâm lý người dùng, cho phép người dùng tạo những video ngắn với việc thêm hiệu ứng, chỉnh sửa video nhanh gọn và hơn hết người tạo video có thể kiếm tiền từ TikTok khi làm quảng cáo, bán hàng...

Đối với người xem TikTok, theo anh Dũng, họ cũng dễ dàng xem được nhiều chủ đề yêu thích, cập nhật những trend (xu hướng) “hot” nhất hiện có trên thế giới. Trong khi đó, giới trẻ lại thích khám phá, tò mò, muốn thể hiện, muốn nổi tiếng. Hơn nữa, giới trẻ có tâm lý đám đông nên đó cũng là những lý do TikTok thu hút người trẻ sử dụng, thậm chí “nghiện” nền tảng xã hội này.

Đồng hành để trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn

Theo Thành Đoàn Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn thành phố đã có nhiều hoạt động giúp thanh-thiếu niên có các kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn như tổ chức các khóa tập huấn “Nâng cao kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội và phòng tránh tác động tiêu cực của sản phẩm độc hại trên không gian mạng” tại 15 điểm trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Mới đây, Thành Đoàn tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến kỹ năng công nghệ số và việc làm cho học sinh THPT với chủ đề “Xu hướng công nghệ, kỹ thuật số và tương lai việc làm” để thanh-thiếu niên nắm cách quản lý thời gian tiếp xúc với màn hình máy tính, truy cập trò chơi hay phương tiện thông tin đại chúng có kiểm soát; đồng thời, hướng dẫn các em cách phát hiện những trường hợp mâu thuẫn, gây xung đột, đe dọa trên không gian mạng… “Việc cho các em tham gia các khóa đào tạo, tập huấn không những giúp các em nắm kiến thức để phân biệt, đánh giá nguồn thông tin, có tư duy logic, từ đó có các quyết định phù hợp, mà còn cho các em kỹ năng để sẵn sàng tiếp nhận những cơ hội mà Internet mang lại và có thể sử dụng mạng an toàn, thông minh, góp phần truyền đi những thông điệp tích cực”, chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng nhìn nhận.

Theo Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Hồng Nhung, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), việc trẻ dùng mạng xã hội tương tác là xu thế tất yếu. Người lớn chỉ có thể hạn chế, hướng dẫn trẻ lọc thông tin và cách thức tương tác trên mạng xã hội. “Mạng xã hội có rất nhiều điểm mạnh nhưng cũng có nhiều nguy cơ, mối đe dọa, gây ảnh hưởng tâm lý trẻ. Vì vậy, khi cho trẻ sử dụng mạng xã hội, bố mẹ cần trang bị cho con các kỹ năng cần có để trẻ không bị lợi dụng, không bị bắt nạt trên môi trường mạng. Tiếp đó, khi sử dụng mạng xã hội nói chung, TikTok nói riêng, bố mẹ cần làm gương cho trẻ, nghĩa là mỗi bình luận không phù hợp hay việc chia sẻ những clip có nội dung xấu hoặc những hành động, đánh giá, bình phẩm người khác không đúng của bố mẹ trên mạng xã hội đều ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Ngoài ra, bố mẹ cần đặt ra những giới hạn cho trẻ khi sử dụng mạng xã hội, tránh la mắng trẻ khi trẻ gặp sự cố, thay vào đó cần đồng hành để giúp trẻ vượt qua”, Thạc sĩ Hồng Nhung khẳng định.

Thực tế hiện nay, giới trẻ có nguy cơ ảnh hưởng tâm lý nếu nghiện TikTok nói riêng và mạng xã hội nói chung. Làm việc trong lĩnh vực công nghệ, anh Nguyễn Văn Dũng cho rằng, ngoài sự phối hợp của gia đình, nhà trường và bản thân trẻ thì để trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành cần ra các điều luật nhằm hạn chế cũng như quản lý chặt chẽ những nội dung độc hại trên mạng xã hội. Anh Dũng cũng đề xuất, các ngành chức năng có thể áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc quản lý mạng xã hội, lọc bỏ những nội dung xấu và ra các chế tài xử phạt những TikToker cố tình vi phạm...

39,65 triệu
là số người dùng ứng dụng TikTok trên 18 tuổi tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất được công bố vào tháng 10-2021 của We Are Social - công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội. Việt Nam đứng thứ 6 toàn cầu về lượng người dùng TikTok sau các quốc gia Mỹ, Indonesia, Brazil, Nga, Mexico. (Nguồn: We Are Social)

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.