Đà Nẵng cuối tuần
Lưu giữ các làn điệu dân ca, tuồng
Những năm qua, các cấp, ngành, các đơn vị không ngừng nỗ lực xây dựng, quảng bá, đưa dân ca bài chòi, nghệ thuật tuồng vào trường học, mang xuống phố, đi sâu vào đời sống nhân dân nhằm nâng tầm giá trị di sản.
Cô Nguyễn Thị Phương Mai, Chủ nhiệm CLB Dân ca Trường THCS Trần Quang Khải dạy dân ca cho học sinh. Ảnh: T.T |
Để học sinh nắm bắt các làn điệu dân ca xứ Quảng nói riêng, dân ca Việt Nam nói chung, nhiều CLB dân ca tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố hình thành, phát huy hiệu quả với sự hướng dẫn của các giáo viên âm nhạc hoặc Tổng phụ trách Đội của các trường.
Đưa dân ca vào trường học
“Chúng em xin giới thiệu các bạn gần xa/ Xin mời ghé thăm trường em Trần Quang Khải/ Mái trường xinh đẹp Trường Trần Quang Khải/ Quê em đẹp lắm đồng lúa đồi chè/ Hòa sơn mến yêu rộn vang bài hát/ Dựng xây quê hương hòa chung nhịp sống mới/ Niềm vui phơi phới chan chứa tình đời/ Hỡi bạn chúng mình ơi, cùng vui hát dân ca/ Hỡi bạn chúng mình ơi cùng xây đắp quê hương”…
Những ca từ vang lên hòa quyện giọng hát ngọt ngào của cô và trò Trường THCS Trần Quang Khải (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) khiến không gian hè rộn ràng hẳn. Cả cô và trò đều vui khi được hát, được gửi gắm những ca từ mộc mạc về mái trường, về quê hương đến bạn bè gần xa. Cô Nguyễn Thị Phương Mai, giáo viên dạy Âm nhạc, Chủ nhiệm CLB Dân ca Trường THCS Trần Quang Khải cho hay, đây là một trong nhiều bài dân ca cô vừa sáng tác và tập cho các bạn trong CLB Dân ca của trường.
Trần Thị Diễm Ly (lớp 9/2, Trường THCS Trần Quang Khải) cho biết, em tham gia CLB Dân ca từ năm lớp 7. “Em rất thích học hát dân ca vì loại hình nghệ thuật này giúp em hiểu hơn về cuộc sống, con người và mảnh đất quê hương. Từ khi tham gia CLB, em nắm được cách luyến láy của các làn điệu hò Quảng, Xuân nữ, Hoa chúc hay sự vui tươi, trong sáng, dí dỏm của điệu Lô tô, Hoa xuân; sự ngọt ngào, sâu lắng của làn điệu hát ru….”, Diễm Ly bộc bạch.
Em Lê Bá Bảo Châu (lớp 7/2, Trường THCS Trần Quang Khải) cũng bày tỏ niềm vui và tự hào khi tham gia CLB Dân ca của trường. Bảo Châu nói: “Việc nhà trường thành lập CLB Dân ca để những người yêu dân ca như em tham gia là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, không chỉ giúp em hiểu truyền thống quý báu của trường mà còn biết thêm nhiều làn điệu dân ca, trong đó có các làn điệu dân ca Khu 5, di sản văn hóa của Quảng Nam - Đà Nẵng”.
Có mặt trong tất cả các buổi sinh hoạt của CLB Dân ca, cô Phương Mai cho biết, trước khi thành lập CLB, các trường cử giáo viên dạy Âm nhạc hoặc Tổng phụ trách Đội tham gia các lớp bồi dưỡng về hát dân ca bài chòi để nắm vững lịch sử dân ca bài chòi, có kỹ năng hát thành thạo các làn điệu dân ca bài chòi cũng như biết về nghệ thuật biểu diễn sân khấu bài chòi. Thông thường CLB Dân ca của trường có khoảng 40 học sinh tham gia. CLB chọn những học sinh có giọng hát tốt, rồi mở rộng ra toàn trường. “Ngoài dạy những làn điệu dân ca cơ bản, tôi luôn tìm tòi và tự viết lời cho các bài hát dân ca để dạy thêm cho các em. Lời bài hát do tôi sáng tác thường bám sát các phong trào, cuộc thi hoặc những thành tích nổi bật của trường để các em không chỉ hiểu về làn điệu mà còn nhớ các mô hình, phong trào tiêu biểu của trường”, cô Phương Mai chia sẻ.
Theo cô Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải, CLB Dân ca ra đời khi Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hòa Vang có chủ trương đưa dân ca vào dạy trong trường học. “Từ khi thành lập CLB này, trường đã khơi dậy phong trào hát dân ca trong học sinh, các em hào hứng muốn thể hiện bản thân, tham gia và đoạt giải tại nhiều cuộc thi về hát dân ca. Đó cũng là động lực để cô và trò Trường THCS Trần Quang Khải tiếp tục duy trì, phát triển mô hình. Cũng từ việc học các làn điệu dân ca, học sinh hiểu hơn những tâm tư, tình cảm của con người trong đời sống, thêm tự hào và yêu mảnh đất quê hương”, cô Hoa nói.
Chung tay bảo tồn, phát huy
Đẩy mạnh phong trào dạy và học hát dân ca trong nhà trường là cách góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Theo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao (VH-TT&TT) huyện Hòa Vang, mô hình đưa dân ca, bài chòi vào trường học được trung tâm thực hiện nhiều năm nay và hiện phong trào này trở nên sôi nổi, được học sinh hưởng ứng, say mê tập luyện. “Có thể khẳng định, mô hình đưa dân ca vào trường học đã góp phần phát huy loại hình văn nghệ dân gian, nghệ thuật bài chòi, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm và lòng tự hào của người dân trong việc bảo tồn giá trị bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hòa Vang Lê Đinh Minh Hải nhìn nhận.
Những năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cũng đẩy mạnh bồi dưỡng các tài năng hát dân ca. Theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang Phan Hữu Dũng, đối với các CLB dân ca, nhất là các CLB thuộc các trường có học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Phú và Hòa Bắc, thời gian đầu tập luyện còn khó khăn. Song, với sự nỗ lực của các thầy cô giáo, các em đã yêu thích và hát được nhiều làn điệu dân ca Khu 5.
Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang thường xuyên phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT huyện tổ chức các liên hoan CLB Dân ca (2 năm một lần) để giáo viên, học sinh, phụ huynh có cơ hội thể hiện tài năng cũng như lan tỏa hiệu quả mô hình. “Sau 2 năm tạm ngừng do Covid-19, dự kiến năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT huyện tổ chức lại liên hoan các CLB Dân ca cấp huyện để phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ bổ sung vào lực lượng văn nghệ quần chúng của huyện trong tương lai”, ông Dũng bày tỏ.
Cùng với dân ca bài chòi, tuồng xứ Quảng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo tồn. Để giữ gìn di sản văn hóa này, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã đưa tuồng vào trường học với tên gọi “Sân khấu học đường” 30 buổi/năm. Theo đó, các nghệ nhân tuồng nói chuyện, giới thiệu khái quát về tuồng, những cái hay, cái đẹp của tuồng, nghệ thuật hóa trang, phục trang, sử dụng đạo cụ, tính ước lệ, cách điệu trong nghệ thuật tuồng, đặc biệt là giá trị văn học trong kịch bản tuồng... đến học sinh. “Sau mỗi tiết dạy, các nghệ nhân tuồng được học sinh gọi là thầy giáo, trang web của nhà hát có lượt truy cập tăng cao. Các thầy cô, học sinh hào hứng chào đón sự có mặt của các nghệ sĩ, diễn viên tuồng… Đó là những kết quả đáng khích lệ khi đưa tuồng vào trường học”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhìn nhận.
Cũng theo ông Tuấn, hơn 2 năm qua, Covid-19 khiến nhà hát hoạt động cầm chừng, chủ yếu biểu diễn trực tuyến hoặc nói chuyện với một số nhóm học sinh, sinh viên theo hình thức trao đổi, trả lời các câu hỏi hay hỗ trợ sinh viên thực hiện luận văn tốt nghiệp... Từ đầu năm đến nay, nhà hát lên phương án kết nối với du khách bằng cách duy trì tốt việc tập luyện, xây dựng chương trình nghệ thuật chất lượng cao sẵn sàng phục vụ nhân dân và du khách, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, khởi động kết nối với các đơn vị du lịch, lữ hành... Song song đó, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh duy trì mô hình “Tuồng xuống phố” tại hai bên bờ sông Hàn. “Có thể nói, đây là chủ trương đúng đắn của thành phố, được đông đảo người dân, du khách đón nhận, góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật tuồng của dân tộc nói chung, xứ Quảng nói riêng”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn nói thêm.
THANH TÌNH