Đà Nẵng cuối tuần
Truyền thuyết Lò Thung
Nằm cách thị trấn Tiên Kỳ khoảng 4km về hướng tây, bãi đá Lò Thung (thuộc thôn 3, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) được ví như “vương quốc đá” huyền bí với hàng trăm tảng đá lớn nhỏ có hình thù kỳ lạ, trải dài hơn 2km trên dòng sông Đá Giăng.
Sông Đá Giăng với bãi đá Lò Thung thơ mộng, huyền bí. Ảnh: A.T |
Đến thắng cảnh thơ mộng, trữ tình này, du khách được chiêm ngưỡng những tảng đá có hình thù kỳ lạ và nghe người dân địa phương kể về truyền thuyết liên quan đến ông khổng lồ gánh đá đắp sông. Đá ở đây không biết cơ man nào kể xiết, với đủ loại kích cỡ, màu sắc. Đá xếp chồng lên nhau, đá rải rác giăng đầy cả khúc sông. Bên dưới những bãi đá, dòng sông rầm rì chảy ngược về phía tây rồi hòa mình vào dòng sông Tranh chảy xuôi ra biển.
Những tảng đá ở đây theo thời gian và sự bào mòn không ngừng nghỉ của dòng nước lúc hung dữ, lúc hiền hòa tạo nên những hình thù kỳ lạ, những lỗ to tròn đến ngạc nhiên như ai đó bỏ công đục đẽo. Có những tảng đá nặng hàng tấn nhưng phẳng lì đến thán phục... Sẽ rất ngạc nhiên, thú vị khi bắt gặp những tảng đá mang tên “Bàn chân khổng lồ”, “Cối trời”, “Bàn tiên”... mà người dân địa phương dựa vào truyền thuyết và hình thù của chúng để đặt tên.
Sách Văn học dân gian huyện Tiên Phước (UBNB huyện Tiên Phước, 2005) chép truyền thuyết dân gian về sự hình thành thắng cảnh nên thơ, trữ tình và nhiều bí ẩn này, rằng xưa có một ông khổng lồ tới vùng đất xứ Tiên gánh đất đắp sông Đá Giăng. Mỗi khi đói bụng, ông thường xuống sông bắt cá ăn sống. Vì to lớn nên ông chỉ cần cúi xuống dòng sông, há miệng hút nước là bao nhiêu tôm cá lớn nhỏ đều bị hút vào bụng ông. Ăn uống no nê, ông nằm trên bãi cát ven sông đánh một giấc say sưa để lấy sức tiếp tục gánh đất khi tỉnh dậy. Những loài cá tôm tìm cách trốn đi để tránh nguy cơ trở thành thức ăn hằng ngày của ông khổng lồ. Ngoài các loài cá tôm, dòng sông Tiên còn có một loài vật rất căm ghét ông khổng lồ, đó là con rái cá. Sự xuất hiện của ông khổng lồ làm rái cá không còn bắt được con tôm cá nhỏ nào để ăn lót dạ.
Với sức ăn khủng khiếp của ông khổng lồ, các loài tôm cá tìm đến rái cá để thương lượng tìm cách đuổi ông khổng lồ đi. Rái cá nhận lời với điều kiện hằng ngày các loài tôm cá phải chịu nạp cho rái cá một con cá tươi ngon. Từ đó, khi ông khổng lồ ăn tôm cá no nê lăn kềnh ra ngủ thì rái cá lại mò đến lén... đi tiểu vào tai ông. Mỗi lần như thế, ông khổng lồ đều bị tỉnh giấc vì lỗ tai ướt át, hôi hám và không tài nào ngủ lại. Phải mất vài ngày, sau nhiều lần tắm rửa, ông khổng lồ mới kỳ cọ hết mùi hôi của nước tiểu rái cá. Không những thế, những vật dụng ông khổng lồ tạo ra như chày, cối, lò lửa, bàn... đều bị rái cá phá hỏng hoặc đái vào, hôi không chịu được. Ông khổng lồ giận dữ, tìm mọi cách bắt cho bằng được kẻ phá bĩnh đáng ghét, nhưng vì quá to xác nên ông chẳng biết nấp vào đâu để rình bắt cho được rái cá.
Vào một buổi xế trưa nọ, ông khổng lồ vừa kê vai gánh đá đắp sông thì bất chợt thấy bóng dáng rái cá đang chờn vờn nhảy tới, nhảy lui bên một con cá bị bắt từ dưới sông lên. Nổi cơn thịnh nộ, ông khổng lồ liền lao người đến chụp bắt rái cá. Nhưng chẳng may, vì quá vội vàng, lại đang gánh nặng, ông khổng lồ bị trượt ngã. Hai tảng đá lớn ông gánh ở hai đầu bị văng ra biến thành hai quả núi. Vì thế, dân gian đặt tên là sông Đá Giăng (có thể là do phương ngữ nên Đá Văng đọc trại lại thành Đá Giăng). Lúc bị ngã, ông khổng lồ chống một chân vào vách đá làm nơi này lún sâu, tạo thành một cái hang, còn chân kia ông đạp lên bờ đá ven sông, in hằn dấu bàn chân to lớn lên mặt đá đến nay vẫn không phai mòn.
Cái hang sâu trên vách đá do bàn chân ông khổng lồ chống vào tạo thành trở thành nơi trú ngụ lý tưởng cho các loại tôm cá. Hằng năm, cứ tới mùa mưa, nước đổ vào hang tạo nên những tiếng kêu thùng thùng vang dội cả một vùng, giống như tiếng gầm gừ, giận dữ của ông khổng lồ. Điều kỳ lạ là mỗi khi có nước chảy thì lại kêu ồ ồ cứ như ông khổng lồ vẫn còn đâu đó, giận dữ, gầm gừ không ngừng, nhất là vào những ngày mưa gió.
Sau này, người dân quanh vùng nhìn thấy dấu vết bàn chân khổng lồ in trên bờ đá ven sông cùng những tảng đá do nước bào mòn mang hình thù kỳ lạ giống như cái chày, cái cối, cái lò, cái bàn..., nên cho rằng nơi đây chính là nơi ở và sản xuất công cụ lao động của ông khổng lồ xưa kia. Họ đặt tên nơi này là Lò Thung. Còn dòng suối chảy phát ra tiếng ồ ồ kia được gọi là suối Ồ Ồ (thuộc xã Tiên Châu ngày nay).
Người dân quanh vùng Lò Thung còn truyền lại rằng, đến bây giờ mỗi khi bắt được cá, con rái cá thường đái vào trước khi ăn để đề phòng ông khổng lồ vì sợ mùi hôi hám của nước tiểu mà không dám cướp cá...
Qua truyền thuyết này, người dân xứ Tiên muốn bày tỏ lòng tự hào về vùng đất của mình với núi sông hùng vĩ, tươi đẹp, qua đó tri ân các bậc tiền nhân đã bỏ biết bao công sức khai sơn, phá thạch. Ngày nay, cùng với thác Ồ Ồ, địa điểm Lò Thung - sông Đá Giăng trở thành những thắng cảnh nên thơ, hùng vĩ của huyện Tiên Phước, thu hút rất nhiều người dân cũng như khách thập phương đến hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, trong lành và đi tìm những dấu tích in hằn trên đá liên quan truyền thuyết về ông khổng lồ.
AN TRƯỜNG