Đà Nẵng cuối tuần
Ngôi nhà cũ
Mấy hôm trước tôi gọi điện về nhà, mẹ bảo các bác, các chú bàn bạc thống nhất sẽ xây nhà thờ tổ trên nền đất của mấy gian nhà cũ. Kế hoạch đã thông qua rồi, chắc ít bữa nữa sẽ dỡ bỏ toàn bộ mấy gian nhà cũ ấy. Lời của mẹ nhẹ như gió thoảng, mà sao lòng tôi bỗng nặng trĩu một nỗi tiếc nhớ đến cồn cào. Tôi quyết định trở về trước khi ngôi nhà cũ trở thành hoài niệm.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Vẫn lối nhỏ quanh co dẫn vào cổng nhà, vẫn bụi tre già lao xao trước ngõ, vẫn hai cánh cổng sắt hoen gỉ dẫn vào mảnh sân rộng, vẫn ngôi nhà cũ năm gian nằm nép một bên trầm mặc. Cảnh vật vẫn như vậy, dù tôi đã xa nhà hơn mười năm. Mỗi năm tôi về quê đôi lần và cảm xúc vẫn vô cùng quen thuộc.
Mẹ đón tôi bằng những bước đi vội. Cả một đời tảo tần mưa nắng, hình như mẹ đã quen đi nhanh. Bố tôi chậm rãi hỏi: “Con về rồi à?”. Bố vẫn thường ngồi đó, dưới mái hiên ngôi nhà cũ với một ấm tích chè xanh, với những vị khách hàng xóm ngày nào cũng gặp, và lạ thay ngày nào cũng có chuyện để nói với nhau. Bố hay nhìn ra ngõ, nhìn người ta đi về ngang nhà mình, rồi mời một tiếng chè xanh để mong có người chuyện trò cho nhanh qua ngày hết buổi.
Tôi cất hành lý vào phòng rồi lần xuống ngôi nhà cũ. Ngôi nhà ngói năm gian dựng từ thời cố nội, bức tường bằng gỗ đằng trước đã bạc phếch màu thời gian, bức tường xây phía sau rơi hết vữa làm lộ ra những viên gạch hồng mòn cũ kỹ.
Ngôi nhà này từ lâu đã không cần đóng cửa vì chẳng có gì đáng giá. Từ khi làm ngôi nhà mới cạnh bên gần hai mươi năm về trước, ngôi nhà này chỉ là nơi chứa đựng những chiếc sập cũ, những nông cụ, những thứ ít khi dùng đến. Và tất nhiên nó chứa đựng toàn bộ ký ức của tuổi thơ tôi, nơi mà mẹ và ba anh em tôi đã cùng đi qua những tháng năm thiếu thốn, còn bố tôi biền biệt bao năm vì công tác xa nhà.
Chiếc giường cũ kỹ nằm im lìm, đôi chỗ đã mối mọt ọp ẹp. Trên chiếc giường ấy, mẹ từng mỏi tay với chiếc quạt mo bao đêm hè nóng bức để đưa chị em tôi vào giấc ngủ. Mẹ đã kể cho chúng tôi nghe bao nhiêu câu chuyện thời xa xưa. Tôi vẫn nhớ bài thơ mẹ thường ngâm cho tôi nghe mỗi tối: “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/ Ai bảo chăn trâu là khổ/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao” (Quê hương, Giang Nam).
Đây gian buồng ngày xưa, ngày mẹ sinh em rèm che kín. Tôi nhớ rõ hôm ấy mẹ về, tay bế em đỏ hỏn ngồi trong gian buồng chật hẹp. Tôi ngó đầu vào cửa buồng, mẹ bảo: “Em của con đây này”. Mẹ vừa dứt câu tôi đã chạy vội ra thềm rồi ngồi lì ở đó suốt buổi. Sau này gian buồng ấy là nơi cất khoai, cất gạo, nơi lũ chuột kêu chí chít suốt đêm.
Đây gian bếp ngày xưa, nơi những bữa cơm đạm bạc được thổi lên từ mớ rơm khô, rồi mấy mẹ con ngồi quây quần bên nồi khoai luộc vào những sáng trời mưa. Những khi trời mưa, tôi thường đứng ở mái hiên, đưa tay hứng những giọt mưa từ mái tranh nhỏ xuống, từng giọt, từng giọt.
Và cuối cùng là chuồng bò, nơi mỗi sáng mỗi chiều tôi mở đóng cửa chuồng dắt bò ra đồng gặm cỏ. Con bò nhà tôi khi ấy có cái đuôi xoăn xoăn rất đẹp. Nó khác biệt đến nỗi chỉ cần nhìn từ xa cũng nhận ra bò nhà mình. Vào mỗi tối mùa hè, tôi bấm đèn pin, cầm theo một chiếc quạt mo xuống chuồng bò để đập muỗi. Sau này không nhớ vì lý do gì, mẹ bán con bò ấy đi. Đó là con bò đầu tiên và duy nhất nhà tôi nuôi.
Bàn chân tôi cứ thế bước chậm trong ngôi nhà cũ, mỗi bước chân như đều đi về phía kỷ niệm. Chỗ này ngày xưa mỗi khi trời mưa dột, mẹ dùng chậu nhôm hứng nước mưa. Góc nhà này tôi đứng nấp để hù dọa mỗi khi thằng em trai đi chơi về tối. Và đây nữa, chiếc cửa sổ cạnh giường nhìn ra sau hè, nơi tôi có thể đưa tay ra hái những quả khế chua nằm bên ngoài cửa sổ, hay nghe rõ những tàu lá chuối vờn gió ràn rạt mỗi đêm mưa. Từng kỷ niệm cứ thế ùa về như thể vừa mới hôm qua còn rất mới.
Nhiều năm rồi, ngôi nhà này không còn dùng để ở. Nhưng nó vẫn nằm đó, lưu giữ những kỷ niệm một thời. Rồi đây ngôi nhà chỉ còn trong hoài niệm, vừa nghĩ đến đó, tôi lại thấy mình rơi nước mắt.
LÊ GIANG