Đà Nẵng cuối tuần

Nơi ta để dành

13:26, 09/07/2022 (GMT+7)

Những ngày chính hạ, mẹ luôn quanh quẩn trên chiếc sân phơi. Trong cái nắng vàng ươm, tiết trời khô khốc, mẹ cứ ở đó, bận bịu sắp đặt, loay hoay lật trở muôn vàn loại hương thơm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nắng như muốn thiêu đốt. Ấy thế mà trên chiếc sân phơi nhà mình, tôi thường bắt gặp những cảnh tượng hoàn toàn khác. Mẹ tôi tìm tòi đủ thứ nông sản, rau trái rồi từ tốn, cẩn thận “quy hoạch” vào góc này, góc kia.

Mùa hè, nhà nông bao giờ cũng có rất nhiều thứ để phơi, nào đậu đen, đậu đỏ, bắp ngô, vừng, nào ớt, tiêu, củ lạc... Mỗi thứ một góc, không thứ nào bị nhòa lẫn, xâm phạm vào thứ nào.

Khi bà còn khỏe, mẹ tôi thường bận bịu việc đồng áng nên việc phơi phóng, gói ghém, cất đặt nông sản sau thu hoạch do bà phụ trách.

Những trưa hè liu riu, tôi thường lơ mơ nghe tiếng bà vẫn thức. Bà ngồi nơi bậc cửa, thềm nhà, trưa nào trời nóng quá thì bà chuyển ra gốc mít phía đầu hè. Cùng chiếc sào dài trên tay, bà canh không cho đàn gà mổ thóc. Sân thóc dài ngút ngát từ đầu này đến đầu kia nhưng bà luôn cố giữ cho không vơi đi dù chỉ vài hạt. Bà đuổi gà, bà dùng que nhọn tỉ mỉ khơi lên những hạt lúa không may bị rớt xuống, mắc kẹt dưới những lỗ, những đường rảnh tí ti. Bà bảo, của một đồng công một nén, mỗi hạt lúa là một hạt ngọc nhà trời. Để có cơm ăn, người trồng phải đổ bao mồ hôi công sức chăm sóc, chờ đợi, nên khi phơi, người ở nhà không được xem nhẹ mà vội vàng, phung phí, qua loa.

Mùa nắng, bà ít khi cho sân nghỉ. Sau khi lúa đã khô khén, cất hết vào thùng phuy, bà lại ra vườn tìm đủ thứ lá lay, rau củ để phơi khô, để dành. Nếu những loại cây, loại rau có lá khi phơi đơn giản bao nhiêu thì những loại củ, quả có hạt lại dụng công bấy nhiêu. Nào bầu, bí đao, khoai lang, măng, dứa... Trước hết, bà phải rửa sạch, gọt vỏ, bỏ phần hư hỏng, sâu sia. Sau đó, bà ngồi thái thành từng lát mỏng có kích thước thật đều nhau, lựa nơi được nắng nhất rồi trải ra phơi.

Sân phơi của bà có khi không phải hiên nhà mà đến tận trên mái nhà. Những lát bầu bí, những lát khoai lang dù giàu tinh bột đến đâu thì chỉ sau hai ba con nắng đều sẽ bị rút cạn hơi ẩm, khô quắn quéo va vào nhau kêu lạo xạo, lóc cóc.

Những ngày bận bịu trên chiếc sân phơi mới biết bà dành sự quan tâm, lo cho sức khỏe của từng người con, người cháu như thế nào. Bà phơi lá ích mẫu cho mẹ tôi, phơi chuối chát hột để ngâm rượu cho cha uống vào mùa đông trị nhức mỏi. Bà phơi bí đao để nấu lấy nước cho tôi uống giải nhiệt trong những đêm học bài cao điểm vào mùa thi.

Chiếc sân phơi theo mùa màng, năm tháng cứ đầy lên rồi lại vơi đi. Riêng mùa hè năm ấy của bà tôi thì bỗng nhiên ngắn lại…

Bây giờ, mỗi lần đi ra vườn, thấy đám rau má mọc dại, mẹ cũng đào lên, đem vào nhà rải lên sân phơi. Mỗi lần cha lên rừng thấy đám dây tóc tiên cũng cắt về rải lên sân. Bầu bí, măng ăn không hết, chợ đò ế ẩm, mẹ cũng thái miếng, xé sợi dát mỏng lên sân.

Mẹ hôm nay và cả bà ngày xưa đều như con thoi, từng lội tới lội lui không ngừng trên chiếc sân phơi mùa hạ. Tôi nghĩ đó không chỉ là thói quen cần thiết của những người phụ nữ làm nông vào mùa thu hoạch, mà mẹ và bà làm vì tất cả tình yêu thương mùa màng, yêu thương từng thành viên trong gia đình.

Trong ngôi nhà của mình, tôi luôn tin, có những khu vực, những địa điểm mà vì tình cảm và sự tha thiết, chúng ta không thể hời hợt, không thể chỉ lướt qua. Sẽ luôn có một hấp lực, một nguồn cơn thôi thúc ta tiến về phía đó, ở lại đó để gìn giữ thật kỹ, thật lâu. Khi đó, ta đang sống chậm lại, nâng niu những điều nhỏ bé, đơn giản nhưng vô cùng quý giá trong nhịp sống thường ngày, như cách mà bà tôi từng gom góp, canh chừng, kiểm đếm từng hạt thóc rơi…

Chiếc sân là nơi bà gắn bó, chăm chút, là nơi bà dành dụm những điều tốt đẹp cho mùa sau.

DIỆU THÔNG

.