Quà từ rừng

.

Nếu biển, cánh đồng phải chờ đúng mùa mới dâng lên nhiều món quà ngon thì rừng bốn mùa đều níu chân người qua bởi hương hoa và từng nhịp thở…

Những ai từng ở rừng, sống gần rừng sẽ biết rằng, rừng cũng thở. Nhịp thở ấy đến từ đất, từ cây, từ những tầng không gian tràn nắng và ngập gió. Ngày nắng, rừng thở khác. Ngày mưa, rừng thở khác. Hơi thở của rừng chính là màu sắc, là sự vơi đầy của những tầng xanh cây cối và sự hiện diện của muôn triệu sinh linh.

Hồi ấy, mạn Đông phía làng tôi có một cụm rừng lớn, mênh mông cây và rất xanh. Nhớ những lần theo cha vào rừng, chúng tôi men theo những con đường nhỏ hẹp chỉ vừa một người đi. Cha luôn đi trước, dùng tay hoặc rựa để dạt bớt cây về hai phía, tôi mới có thể bám vào bóng áo nhấp nhô của ông mà đi. Đi một đoạn, chúng tôi đến bên cạnh một bờ nước.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cha ngồi lên một tảng đá lớn, tôi ngồi cạnh bên. Những gốc sung già quanh khu vực này cao lớn, tỏa xanh, rợp bóng hơn bất kỳ một cây sung nào khác trong vùng. Những bụi môn dại bình thường lá chỉ to cỡ 2-3 bàn tay thì bây giờ cũng tỏa rộng cỡ nửa chiếc ô… Cha nhìn bóng mặt trời rọi xuống mặt nước rồi mở cơm nắm ra ăn. Bữa trưa của hai cha con đạm bạc, chẳng có gì ngoài những nắm cơm trắng, muối vừng.

Những người sợ bóng tối, muốn tiện nghi hẳn sẽ không bao giờ bước chân vào rừng, bởi đi trong rừng luôn mang cảm giác thập thò, đòi hỏi phải liên tục quan sát. Có khi đang tung tăng giữa một trảng xanh sáng bừng toàn hoa thơm và cỏ dại hiền lành, nhưng chỉ cần bước thêm vài bước chân thì không gian bỗng chốc âm u, sụp tối bởi bóng nắng đã tắt vì cây che.

Lên rừng nhất định phải có người dẫn đường. Người dẫn đường không những khiến ta khỏi bị lạc mà còn chỉ cho ta những món quà của rừng, nào là những loài cây có lá thơm mùi thảo dược, đem về sắc nước uống nhất định sẽ ăn ngon ngủ ngon; nào là những loài nấm tốt, những thứ rể cây lành tính có thể nấu cao, làm thuốc. Đôi khi với những thanh củi, những viên cuội nhặt được dưới một gốc cây, nếu chịu khó mường tượng và nâng niu thì về sau ta vẫn gìn giữ như những kỷ vật…

Trước đây, khi tôi còn công tác ở đài truyền hình tỉnh, những bộ phim tài liệu tôi làm về rừng luôn đầy đặn, sâu dày hơn những tác phẩm được quay ở đồng bằng hay vùng biển. Với tôi, rừng và người miền rừng luôn giàu chất liệu, có những nét khác biệt, trầm sâu.

Nếu người miền biển ăn sóng nói gió thì người miền rừng mắt sắc, đi chậm, ăn uống thong dong. Trong ký ức tôi, hình ảnh người phụ nữ mặc trang phục thổ cẩm, lưng mang A Chói (gùi) bước đi ung dung, lững thững trong màn mưa hệt như một đốm lửa đỏ đầy bình an, dù xung quanh là rừng thiêng, là sự chuyển dời của gió mưa mùa băng giá.

Có lần, tôi hỏi một già làng, tại sao người ở bản dù nghèo nhưng luôn tự tại, không chỉ người vợ, người mẹ trong gia đình mới hút thuốc, giã gạo thật chậm, mà đàn ông, thanh niên mỗi lần vào rừng đặt bẫy trông cũng rất thong thả, khoan thai?

Già trả lời, vì nếu con người quý rừng, biết giữ rừng, không diệt tận phá tàn thì rừng không bao giờ phụ người. Rừng sẽ mang đến những món quà đủ để sống ngàn đời. Những chàng thợ săn của làng không thể hơn thua với thú hoang ở tốc độ, mà phải ở sự nhận biết và quan sát. Chỉ khi bước đi trên lá khô thật chậm, thật khẽ, ta mới nghe được hơi thở của muôn loài. Khi đó, người và rừng sẽ hòa vào nhau, nương vào nhau, khéo léo đuổi bắt, cộng sinh rồi trao nhau những món quà. Cuộc sống của người miền rừng vì vậy mà luôn thơ thới, giàu lòng biết ơn.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.