Đà Nẵng cuối tuần
Rộn ràng lễ hội cầu mùa vụ cá Thu Đông
Lễ hội cầu mùa vụ cá Thu Đông vừa được Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) tổ chức trong hai ngày 3 và 4-8 tại Lăng Ngư ông, cửa khẩu sông Hàn. Ngoài lễ cúng theo nghi thức truyền thống, ngư dân địa phương tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và biểu diễn phục vụ khán giả vở kịch dân ca, bả trạo Hồn biển - được nghiệp đoàn trực tiếp dàn dựng, luyện tập gần 2 năm qua.
Đám rước lễ của ngư dân phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) trong Lễ hội cầu mùa vụ cá Thu Đông. Ảnh: T.Y |
Ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông cho biết, vụ cá Thu Đông thường diễn ra trong mùa biển động, thời tiết thất thường. Do đó, hằng năm, Nghiệp đoàn nghề cá tổ chức các lễ nghinh thủy thần, cáo thần hoàng thượng phang, tế thần Tiêu Diện (ngoại đàn), tế thần Nam Hải, cầu an, cầu ngư, bạt đàn độ vong, lễ tạ của tứ chánh vạn nghề… mong vụ mùa bội thu, an toàn cho người và phương tiện bám biển.
Theo ông Minh, đây là những nghi lễ đặc trưng của ngư dân trước mỗi vụ đi biển. Tùy theo điều kiện, lễ cầu mùa được tổ chức riêng lẻ, gói gọn trong các gia đình có người, phương tiện đi biển hoặc nâng tầm lễ hội, thu hút cộng đồng ngư dân tham gia. “Sau hai năm dịch bệnh, lễ hội là dịp để bà con ngư dân gần gũi, động viên nhau bám biển, đồng thời duy trì các hoạt động tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng ngư dân”, ông Minh nói.
Được xã hội hóa từ kinh phí đóng góp của người dân, doanh nghiệp, ngư dân phường Nại Hiên Đông, ngoài phần lễ, theo nguyện vọng của ngư dân, Ban tổ chức Lễ hội cầu mùa vụ cá Thu Đông tổ chức hai đêm diễn vở kịch dân ca, bả trạo Hồn biển - được Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông trực tiếp dàn dựng, luyện tập gần 2 năm qua.
Ông Cao Văn Minh, tác giả kịch bản dân ca Hồn biển cho biết, sau gần 2 năm ấp ủ, kịch bản dân ca, bài chòi Hồn biển đã có hai đêm biểu diễn thành công tại Lễ hội cầu mùa vụ cá Thu Đông. Vở kịch gồm 3 phần, 13 cảnh, do chính ngư dân phường Nại Hiên Đông dàn dựng, biểu diễn, mang đến nét mới lạ, độc đáo cho người xem. Được biết, vở kịch Hồn biển xây dựng hình ảnh con tàu ĐNa 0311 có 10 thành viên bị chết máy, mất tín hiệu khi gặp cơn bão lớn: “Sóng to gió lớn điên cuồng/Sấm giăng chớp giật mưa buồn thê lương/Giữa lòng sâu thẳm đại dương/Mênh mông biển nước biết đâu là bờ”. Trong cơn hoảng loạn, người dân trên bờ, dưới biển chỉ biết chắp tay cầu khẩn thần Nam Hải cứu nguy. Theo ông Minh, câu chuyện trong Hồn biển được viết từ thực tế đời sống ngư dân, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy rình rập và giữ niềm tin mình sẽ được thần Nam Hải phù hộ, giúp đỡ.
Hóa thân thành người đi biển gặp nạn trong vở Hồn biển, nghệ nhân dân gian bài chòi Nguyễn Thực, thành viên CLB Bài chòi Nại Hiên Đông cho biết, bản thân từng là ngư dân nên thấm được nỗi cực nhọc, gian truân trên biển:
“Chẳng qua đánh bạc giữa trời/ Mùa màng thất bát vốn lời đi luôn/ Cha con, chồng vợ u buồn/ Chủ tàu mang nợ, nghề buôn vẫn lời/ Nực cười nhiều kẻ ở đời/Nghề gì không chọn, chọn nghề biển khơi”... Đây là lần đầu tiên ông Thực cùng các thành viên CLB Bài chòi Nại Hiên Đông luyện tập vở kịch 2 đêm diễn nên dồn rất nhiều tình cảm, tâm huyết. Ông cho hay, gần ngày diễn ra lễ hội cầu mùa, CLB luyện tập ngày đêm, thậm chí có thành viên xin nghỉ buổi làm để theo lịch tập. “Chúng tôi mong muốn mang lời ca, tiếng hát và câu chuyện của mình chia sẻ nỗi gian truân, vất vả của ngư dân trong hành trình bám biển, cầu mong họ sẽ tiếp tục gặt hái những vụ mùa bội thu, an toàn trên biển”, ông Thực bày tỏ.
Được biết, phường Nại Hiên Đông có khoảng 400 tàu cá với tổng công suất gần 200.000 CV, trong đó có 257 tàu khai thác, đánh bắt xa bờ và 141 tàu khai thác vùng lộng, tạo thu nhập ổn định cho 4.000 lao động trong và ngoài địa phương. Mỗi năm, các tàu cá đánh bắt khoảng 8.300 tấn hải sản các loại, trị giá hơn 320 tỷ đồng. Do đó, lễ hội cầu ngư nói chung, cầu mùa nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân.
Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cầu mùa vụ cá Thu Đông cho biết, nội dung lễ hội được xây dựng dựa trên tín ngưỡng dân gian làng biển và sự đóng góp ý kiến của ngư dân địa phương. Chương trình được chuẩn bị khoa học, chu đáo, bảo đảm các yếu tố phòng dịch.
“Ngoài giá trị văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội cũng là dịp địa phương tuyên truyền, vận động người dân vừa tham gia đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong hoạt động lễ hội như đội bóng, ngồi đồng, trục vong. Ngoài lễ hội cầu mùa, cuối tháng 8, Ban tổ chức tiếp tục triển khai lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hàn với mục đích duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển du lịch trong tương lai”, ông Hải thông tin thêm.
TIỂU YẾN