Đà Nẵng cuối tuần

Xem thương ngày nắng về: Gia đình là nơi đong đầy yêu thương

15:38, 06/08/2022 (GMT+7)

Phim Thương ngày nắng về do Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất đã khép lại vào tối 3-8 với nhiều thông điệp ý nghĩa về gia đình. Dù đi qua ngày nắng, ngày mưa, trải qua bao hạnh phúc và cả biến cố, nhưng gia đình vẫn là nơi ấm áp và đong đầy yêu thương.

NSƯT Thanh Quý (trái) hóa thân xuất sắc vào vai bà Nga trong phim Thương ngày nắng về. Ảnh: VFC
NSƯT Thanh Quý (trái) hóa thân xuất sắc vào vai bà Nga trong phim Thương ngày nắng về. Ảnh: VFC

Ekip sản xuất phim chia sẻ rằng, Thương ngày nắng về đã trải qua một chặng đường dài, với nhiều tâm sức của đạo diễn, biên kịch, diễn viên…; mang lại niềm hạnh phúc nhưng cũng lấy đi không ít nước mắt của cả đoàn làm phim. Thương ngày nắng về tuy được Việt hóa từ kịch bản Hàn nhưng vẫn đậm chất Việt, từ nếp ăn ở trong gia đình đến cách ứng xử trong các mối quan hệ xã hội.

Nhân vật trung tâm của phim là bà Nga béo bán bún riêu (NSƯT Thanh Quý đóng) - người mẹ tần tảo, hết lòng yêu thương và chăm lo cho các con cùng người em trai ngờ nghệch. Với bà Nga, được lo lắng cho các con là niềm hạnh phúc không gì diễn tả được bởi “nếu ở không thì sẽ buồn chân, buồn tay”.

Vì vậy, bà hết tất bật giúp đỡ cô con gái đầu chuyện nhà cửa, cơm nước, đưa đón các cháu đi học, thì đến lo toan chuyện chồng con cho con gái thứ hai, rồi đứng ngồi không yên với việc học hành, yêu đương của con gái út. Với người con nào, dù là con đẻ hay con nuôi, bà Nga đều sẵn sàng dang tay ôm các con vào lòng khi có biến cố xảy ra. “Về nhà với mẹ, có mẹ đây rồi”, câu căn dặn của bà cũng là lời gan ruột của bao bà mẹ Việt khác, như thể có mẹ thì sóng gió đến đâu cũng sẽ bình yên trở lại, có mẹ thì con luôn có nhà để về…

Ở tập cuối, bà Nga vượt qua cơn nguy kịch do bị xuất huyết não nhưng phải sống chung với bệnh Alzheimer. Bà có lúc tỉnh táo, có lúc hóa trẻ thơ, quên tên tuổi của các con. Trước đó, bà viết ra những tâm tư của mình: “…Các con cứ hỏi, ước mơ của mẹ là gì. Mẹ cứ ngẩn ra, ừ nhỉ, hóa ra mẹ đã sống một đời mà không mơ ước, căn bản toàn quanh quẩn lọ nước mắm, củ dưa hành. Nhưng mẹ đã nghĩ ra rồi, ước mơ của các con chính là ước mơ của mẹ. Hãy ước mơ thay cả phần mẹ, các con nhé!”; “Mẹ lúc nào cũng nghĩ con còn xanh non, sợ con vấp ngã. Nhưng đúng là mẹ làm sao sống thay con được. Cứ cười nhiều nhé con, vì khi con cười, mẹ sẽ an lòng”…

Những tâm sự giản đơn, chân thành của người mẹ bán bún riêu, ít học, lắm điều, hay càm ràm, nhưng tốt bụng, thiện lương, bao dung, yêu thương các con vô bờ bến đã chạm đến trái tim của đông đảo người xem.

Kết thúc phim, bà Nga nhìn lên trời và nói: “Hôm nay nắng đẹp nhỉ”. Đến lúc này, ý nghĩa của tên phim được hiểu trọn vẹn nhất. Sao bao giông bão, nắng đã thật sự về với gia đình bà Nga: Vân Khánh - Đức chờ ngày đoàn tụ, Vân Trang - Duy tổ chức lễ cưới, Vân Vân hạnh phúc bên người yêu và phát hành cuốn truyện tranh đầu tay lấy cảm hứng từ mẹ; cậu Vượng cũng có gia đình nhỏ của mình. Với bà Nga, như vậy là hạnh phúc đủ đầy, “là đã được thấy nắng về rồi đấy”.

Khán giả bị cuốn vào từng tập phim, vui, buồn và cả rơi nước mắt theo diễn biến câu chuyện. Nhiều khán giả đã viết những dòng trạng thái trên trang cá nhân hoặc bình luận trên trang fanpage VTV Giải trí rằng, xem phim thấy yêu cha mẹ rất nhiều và càng nhận ra tình cảm gia đình là tình yêu thương vô điều kiện. 

Thành ra, Thương ngày nắng về như một bộ phim “chữa lành” giữa lúc có ít nhiều sự lệch chuẩn trong quan hệ ứng xử ở gia đình và xã hội, giữa lúc những bộ quy tắc/tiêu chí ứng xử do các bộ, ngành liên quan ban hành lần lượt ra đời. Mỗi khán giả xem phim đều có thể tự “chữa lành” cho mình để biết yêu thương cha mẹ và anh chị em, sống tử tế và trọn vẹn hơn với gia đình. Bởi lẽ, “hạnh phúc chỉ đơn giản là còn được về nhà/ hạnh phúc đi về nhà/ cô đơn đi về nhà/ thành công đi về nhà/ thất bại đi về nhà”...

TÚ PHƯƠNG

.