Đà Nẵng cuối tuần

Ký ức bên sông

13:53, 18/09/2022 (GMT+7)

Đạp xe từ cầu Trần Thị Lý theo đường Bạch Đằng rồi thẳng ra đường mới Như Nguyệt phía Thanh Bồ - Đức Lợi để đến chân cầu Thuận Phước, tính ra hơn 6 cây số, rồi trở về trên đường Trần Phú cũng chừng ấy độ dài nữa. Vừa đi vừa dừng lại ngắm nghía, ngẫm ngợi cũng hết một giờ đồng hồ. Ai đó nói rằng trên những con đường dọc bờ sông ấy là cả một ký ức Đà Nẵng quả không sai.

Cầu Thuận Phước như dải lụa vắt ngang qua cửa sông Hàn, nơi giao thoa giữa sông và vịnh Đà Nẵng. Ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Cầu Thuận Phước như dải lụa vắt ngang qua cửa sông Hàn, nơi giao thoa giữa sông và vịnh Đà Nẵng. Ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

1. Sáng sớm, tôi thường đạp xe dọc sông Hàn, từ phía nam là cầu Trần Thị Lý đến phía bắc là cầu Thuận Phước. Lúc ấy, xe cộ còn thưa thớt và trên lề phía đông đường Bạch Đằng có đông người tập thể dục. Ánh trời vừa ửng sáng từ phía biển. Tôi thường nhớ một sông Hàn của “Từ ngày Tây lại…”, nhớ những chiến hạm nả súng vào các tiền đồn An Hải, Điện Hải từ những năm gian khó của người dân cả nước dưới sự chỉ huy của các danh tướng Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương hồi giữa thế kỷ 19; lại nhớ những dòng kể về Đà Nẵng của Toàn quyền Đông Dương trong hồi ký “Xứ Đàng Trong” của Paul Doumer… Hơn 200 năm qua, có lẽ con sông Hàn đã chứng kiến hết thảy những đổi thay của một thành phố…

Nơi tôi xuất phát ở chân cầu Trần Thị Lý, vào năm 1965, người Mỹ đến nạo vét lòng sông Hàn và xây dựng cầu sắt dã chiến, sau này đặt là cầu Nguyễn Văn Trỗi (có nguồn tin nói có lúc đặt tên là cầu Nguyễn Hoàng), cạnh đó là một cầu cảng quân sự để sau này gọi là cảng 234 và cơ sở đóng sửa tàu thuyền của quân đội kéo dài đến gần đây mới chuyển ra ngoài cầu Thuận Phước. Đó là một phần của lịch sử chiến tranh kể từ năm 1965 với sự hiện diện của người Mỹ…

Đi tiếp về phía bắc, trước trụ sở VTV8 là bến đậu số 9 thuộc hệ thống các cầu cảng trên sông Hàn. Đây là nơi neo đậu con tàu bệnh viện Helgoland của Hội chữ thập đỏ CHLB Đức từ năm 1970 chữa trị cho hàng vạn nạn nhân chiến tranh ở nhiều tỉnh miền Trung. Con tàu được ví như “vùng phi quân sự trên sông Hàn” vì nhiệm vụ nhân đạo của nó. Đối diện với VTV8 là Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng đến nay đã tròn 200 năm. Đó là một kho báu về nghệ thuật và văn hóa của cả thế giới mà chính quyền Mỹ trong chiến tranh đã ra lệnh cho quân đội Mỹ không được đụng đến và khi quân đội cách mạng tiến vào Đà Nẵng năm 1975 nhận được chỉ thị phải bảo vệ nghiêm ngặt.

Dọc sông Hàn, nơi mà từ cuối thế kỷ 19, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho biết chỉ có vỏn vẹn 12 ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc mới, nhưng quan trọng hơn, từ Tòa Đốc Lý bên sông Hàn nhìn ra phía Tiên Sa, ông đã dự phòng xây dựng một cảng biển cho Đà Nẵng sẽ mở ra con đường giao thương của miền Trung với cả thế giới. Cũng chính nơi này vào tháng 8-1945, Đà Nẵng - Tourane mang tên là thành phố Thái Phiên trong cuộc chiến kháng Pháp sau đó…

Tôi dừng xe ở khu vực cảng Sông Hàn, nay là bãi đậu của nhiều loại tàu du lịch, có cả tàu cao tốc đưa du khách ra tận đảo Lý Sơn. Dù công năng một cụm cảng trên bờ sông đã thay đổi sau hơn một thế kỷ hiện diện, nhưng ai có thể quên được một “lực lượng phu bến tàu” đã góp cả máu xương trong các cuộc chiến giành độc lập.

Cũng phải nhắc lại một tòa dinh thự Voi Trắng trước bến phà ngang sông Hàn trong chiến tranh là cơ sở quan trọng của Tổng lãnh sự và Hải quân Mỹ, bây giờ thay vào đó là tòa cao ốc Indochina Tower sang trọng, như biểu tượng phồn vinh của một Đà Nẵng mới. Và không thể quên một Thư viện Khoa học tổng hợp của thành phố được xây dựng lại trên nền cũ của Trung tâm Văn hóa Pháp, trở thành một địa chỉ văn hóa lâu đời.

2. Tôi cùng nhiều người bạn từng đạp xe trên một lộ trình để ra đến chân cầu Thuận Phước trong hai năm thành phố giãn cách vì Covid-19. Ra đến cầu Thuận Phước còn là đi xuyên qua các xứ đạo Thanh Bồ - Đức Lợi vốn nổi tiếng từ năm 1966 khi lực lượng nổi dậy giành chính quyền Đà Nẵng suốt 66 ngày đêm.

Quay về và ra khỏi công viên nhỏ có nhóm tượng “Đất lành chim đậu”, nhóm cua-rơ già chúng tôi quay về đường Trần Phú, mà từ năm 1902 là đường Jules Ferry (đến chợ Hàn) và Avenue du Musee (đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm), sau năm 1954 là đường Độc Lập. Trên đường này có Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, được xây dựng từ thời Gia Long (1813), đến thời Minh Mạng (1823) xây dựng lại bằng gạch. Những năm gần đây, di tích Thành Điện Hải được trùng tu, gia cố, phục hồi nguyên trạng.

Đi trên con đường Trần Phú vào sáng sớm, chúng tôi bỗng nhiên tiếc nuối vì nhiều công trình văn hóa khác như các rạp chiếu bóng Lido, Kim Châu; các hiệu sách Sông Đà, Trường Sơn nổi tiếng một thời của Đà Nẵng nay không còn thấy nữa.

Tôi còn tiếc nuối dãy nhà lồng của khu vực chợ Hàn, mặt tiền của nó có một bức phù điêu bằng gỗ khá cũ và đẹp nay không còn dấu vết. Đây là chợ truyền thống bên bờ sông, được người Pháp xây nhà lồng bằng gạch vào cuối thế kỷ 19 cùng lúc với nhà ga xe lửa mang tên Ga Chợ Hàn và tên thành phố Tourane. Chợ Hàn bây giờ sầm uất, trở thành điểm du lịch nổi tiếng, nhưng đâu đó vẫn để lại sự tiếc nuối bởi nhiều cái đã mất đi.

May thay, trên đường Trần Phú vẫn còn sừng sững nhà thờ Con Gà như một dấu son của kiến trúc cổ và tín ngưỡng lớn ngay trung tâm thành phố.

3. Từ khi xảy ra Covid-19, nhiều người lớn tuổi ở Đà Nẵng dần hình thành thói quen đi xe đạp vào sáng sớm. Đối với tôi, đi xe đạp còn là thú vui, bởi muốn đi lối nào, bao lâu, dừng nghỉ ở vị trí nào tùy hứng. Và khi tôi đạp xe, trong những nghĩ suy theo vòng quay của bánh xe, ký ức bỗng trỗi dậy về nơi mình sinh sống hơn 60 năm nay.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.