Đà Nẵng cuối tuần
Ấm nước chè xanh
Thuở bé, tôi là đứa bám bà nhất trong năm đứa cháu, ngủ cũng được nằm gần bà nhất để được bà vỗ về và quạt mát, vậy nên lúc bà dậy sớm tôi cũng bỏ dở giấc ngủ của mình để lui hui dậy theo bà. Khi đó, trời còn nhá nhem tối, ngọn đèn dầu thắp sáng trên bàn bị khêu bấc xuống nấc thấp nhất vẫn còn đủ sức thắp lên cái ánh sáng leo lét. Bà khẽ khàng cầm theo chiếc đèn dầu xuống bếp, khêu ngọn lửa to hơn để nhìn xung quanh bếp cho rõ rồi đặt lên đầu tủ bếp để bắt đầu nhóm lửa.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi chỉ ngồi chồm hổm trông bà sắp củi, dọn bếp, tay vội vơ một tờ giấy, đợi đến khi bà chụm bếp xong là đứng dậy đến bên cái đèn dầu xé giấy thành giải nhỏ rồi thò vào chụp đèn mà nhen lửa. Giấy bén lửa là kéo ra, khum tay che lại cho khỏi tắt rồi bước nhanh đến đưa cho bà nhen bếp. Bà đưa tờ giấy vào rất khéo, rồi cứ thế tiếp nối, chỉ cần hai tờ giấy xé nhỏ là bếp củi đã được bà nhen xong và quay ra tắt đèn. Lửa bén, tôi quạt bếp cho vãn khói, còn bà xách ấm ra ngoài sân lấy nước. Trong lúc đợi nước sôi tôi sẽ hơ tay và làm đủ trò, còn bà thì tất bật đong gạo hay rửa khoai để chuẩn bị bữa sáng, nước nóng lên là bà xong phần chuẩn bị, bê nồi vào cạnh bếp và bước vội ra sân để hái lá chè.
Lúc này củi bếp cũng đã cháy tốt, không cần ngồi trông như mới đầu nên tôi sẽ theo chân bà đi hái chè, bà hái chè bằng cả hai tay, tay phải nắm chắc cành bên dưới và giữ chặt, tay trái dùng móng ngón tay cái bấm chặt vào phần mắt lá và bấm nguyên một nhánh chè. Bà nói đấy là cách ngắt bịt mắt chè, cái tay phải cầm phía dưới cành ngoài nhiệm vụ cố định cành cho dễ hái thì phải che trọn cái hình ảnh cành chè phía trên bị ngắt đi; bà bảo phải che mắt lá chè bên dưới để nó không thấy cảnh bị ngắt, không sợ đau mà nhanh nảy chồi và lên mầm mới.
Bà ngắt theo kiểu ước chừng, chỉ cần một nắm tay lỏng là vừa đủ cho một ấm chè tươi đậm đà. Trong khi bà rửa lá, tôi lật đật chạy lên nhà rồi bưng cái tích nước trên bàn ra cho bà, thò bàn tay nhỏ để móc hết bã chè ngày hôm qua vứt ra, tráng sạch tích rồi đưa qua cho bà bỏ chè mới vào. Bà không dùng tay vò chè, bởi nếu vò chè như vậy, chỉ có nước chè đầu vị nước đậm thôi, còn nếu chế thêm nước lần nữa thì nước sẽ bị nhạt chẳng còn vị chè xanh nữa.
Xong việc, hai bà cháu vội vào bếp. Lúc này ấm nước cũng đã bắt đầu reo nhẹ, nhưng bà chỉ đút lửa vừa chứ không cho tôi thổi bùng lên, bà bảo lửa to, làm nước sôi bùng lên rồi tràn ra bếp, chỉ cần liu riu như vậy đến khi sôi hẳn là được rồi. Khi bà nhắc ấm ra khỏi bếp, thì tôi cũng rất ăn ý, bưng tai cầm của xoong cơm, hay xoong củ khoai đã chuẩn bị lúc nãy cho lên bếp để thay thế, bà dạy là phải nấu trước một ấm nước để cho bếp đượm than, có ủ cơm, hay ủ khoai thì chín mới đều và thơm.
Bà cẩn thận rót nước vào tích, chỉ rót chừng một cốc nhỡ xong đậy nắp lại rồi xóc một lúc. Nước chè này chắt đổ đi, bà bảo đấy là làm lông chè rồi mới đổ nước lần nữa vào tích và đem đi ủ. Tôi cứ thắc mắc mãi, lá chè làm gì có lông mà bà lại gọi là làm lông chè? Bà bảo, chắc người ta nghĩ tới cảnh làm lông gà, nhưng phải có bước làm lông chè thì nước chè mới xanh ngon, không bị sống sượng và oi mùi.
Cả nhà bao giờ cũng dậy khi đồ ăn sáng đã sẵn sàng nóng hổi, ăn sáng xong thì chè cũng vừa ngấm. Bố ra bàn ngồi rót một cốc nước chè xanh nóng hổi, vàng xanh sóng sánh, vừa thổi vừa uống khà một tiếng đầy mãn nguyện rồi hối hả đi làm. Khi ấy, cả xóm tôi nhà ai cũng có một hàng chè xanh trước nhà, đi ngang qua nhà là gọi mời nhau vào uống chén nước, chuyện trò dăm ba câu. Những câu chuyện quanh ấm nước chè là một phần của tuổi thơ tôi, để sau bao nhiêu đổi thay, đi xa, đến khi trở về ngồi bên ấm nước chè xanh với bà và bố mới thấy mình thảnh thơi như chưa từng khôn lớn…
KIM SƠN