Đà Nẵng cuối tuần
Cải cách chính sách tiền lương
Theo số liệu từ Bộ Nội vụ, thời gian qua, có hơn 39.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc ra khu vực tư. Trong đó, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc trong cả nước khoảng 16.000 người, tập trung nhiều ở các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng… Điều này kéo theo tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều cấp học. Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ tính riêng cấp tiểu học, từ nay đến năm học 2024-2025, cả nước cần bổ sung 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ để dạy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Một trong những nguyên nhân chính khiến việc thiếu giáo viên trầm trọng, hầu hết tập trung ở các đô thị lớn là do thu nhập còn thấp, áp lực lớn, cơ chế, chính sách chưa đủ để níu chân người lao động. Hiện nay, mức lương của một giáo viên trẻ tốt nghiệp đại học, cộng thêm khoản phụ cấp đứng lớp, chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, khó có thể bám trụ được ở các thành phố lớn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới cho viên chức ngành giáo dục theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”, tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Mới đây, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Đồng thời, chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh. Đề xuất tăng mức lương khởi điểm lên bậc 2 là một tin vui đối với các bác sĩ mới ra trường.
Tuy nhiên, mức lương hiện nay chỉ bảo đảm một phần nhu cầu cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3, 4 lần hoặc hơn.
So với nhiều ngành nghề khác trong xã hội, nghề giáo, nghề y chịu áp lực từ nhiều phía. Ví dụ như giáo viên vẫn chịu áp lực từ những cuộc thi được đưa vào nhà trường mà kết quả của nó phần nhiều được dùng để cộng điểm các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp. Từ năm học 2017-2018, ngành giáo dục thành phố đã tiến hành rà soát và giảm ít nhất 50% các kỳ thi đối với giáo viên và học sinh, không sử dụng kết quả các cuộc thi để cộng điểm các kỳ thi tuyển sinh nhằm giảm áp lực cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chủ trương những cuộc họp không cần thiết sẽ được trao đổi qua internet, tin nhắn; tích hợp, lồng ghép một số cuộc họp để tiết kiệmthời gian, công sức đi lại của giáo viên. Các loại hồ sơ không cần thiết, gây phiền hà cho giáo viên, học sinh cũng được loại bỏ. Gần như các khoản thu bắt buộc tại các trường học ở Đà Nẵng, phụ huynh đều liên hệ nộp tại bộ phận tài vụ, giáo viên không phải thu hộ. Những biện pháp này phần nào đã giúp giảm áp lực công việc cho giáo viên, để các thầy cô chuyên tâm vào nâng cao chất lượng dạy học.
Vừa qua, hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã cho ý kiến phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023. Hội nghị thống nhất giao Bộ Chính trị hoàn thiện kết luận, chỉ đạo Ban cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở trình Quốc hội xem xét quyết định. Vấn đề điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023 cũng được đưa ra tại phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vấn đề cán bộ, công chức thôi việc do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do áp lực công việc, tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm. Song nhu cầu tăng lương là rất chính đáng. Sớm điều chỉnh lương cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và người làm công ăn lương trong bộ máy Nhà nước là việc cần làm sớm. Dự kiến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới sẽ xem xét điều chỉnh tiền lương cơ bản.
Hiện nay Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, ngoài chính sách tiền lương, các cơ quan, đơn vị cũng cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng như xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức gắn kết, ổn định công tác.
HIỀN LƯƠNG