“Alo alo, có người quen sắp bay ra Đà Nẵng, tao gửi mày mấy bịch bánh bò nước dừa Lý Chính Thắng mà mày vẫn thích đó nghe…”
“Alo mày hả, có người sắp ra đó công tác, tao gửi cho mày hũ kem dưỡng da mày vẫn thường dùng hồi ở ký túc xá nghe…”
Thỉnh thoảng tôi lại nhận những cuộc điện thoại có phần vội vàng, gấp gáp nhưng đong đầy tình cảm từ nó - một đứa bạn thân ở đất Sài thành. Kể ra, khi quyết định rời Sài Gòn về Đà Nẵng lập nghiệp, điều tiếc nuối nhất đối với tôi không phải là sự phồn hoa, rực rỡ, đầy sắc màu, âm thanh của một thành phố năng động; mà chính là những thân tình, thương tình mà tôi đã có trên mảnh đất này.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hơn 15 năm chơi thân với nhau, xem nhau như người nhà và nhớ nhau như… “người yêu”, có ai ngờ trước đây, tôi và nó từng ở hai “chiến tuyến”. Ngày mới nhập học, tôi và nó là hai trong số những học sinh được tuyển thẳng đại học, dáng người cũng thấp thấp bé bé như nhau và cùng đến từ dải đất miền Trung sóng gió. Ấn tượng ban đầu của tôi về nó là má lúm đống tiền sâu hoắm và làn da ngăm khỏe khoắn. Không chỉ vậy, ngay trong ngày đầu tiên tập trung tại hội trường, nó khiến tôi mắt tròn mắt dẹt vì giọng hát luyến láy ngọt ngào và đầy kỹ thuật.
Rồi sau đó chúng tôi được bố trí ở chung một phòng ký túc xá. Tính nó thẳng thắn, chân thành nhưng có phần chưa khéo léo nên không được lòng nhiều người trong phòng - trong đó có tôi. Với một đứa già dặn, khó tính và hay xét nét như tôi, thì một đứa quá sức vô tư, cười nói suốt ngày, vui cũng cười và buồn cũng tặc lưỡi rồi cười như nó thì đôi lúc gây cho tôi cảm giác khó chịu, bực bội. Cứ vậy, từng chuyện nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày cứ đẩy tôi và nó xa dần nhau, thậm chí có lúc từng nhìn nhau bằng ánh mắt hình viên đạn.
Vốn là người gốc Bắc, tôi vào miền Nam nhập học không có người thân, họ hàng nào. Còn nhớ khi đó tôi rất hay đau ốm, nắng cũng mệt mà mưa cũng đùng đùng sốt. Mỗi lần như thế, tôi có các bạn ở bên cạnh quan tâm, chăm sóc. Và đến bây giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác ấm áp của bàn tay nó, khi nửa đêm nó đến giường đo nhiệt độ và chà chanh cho tôi đỡ sốt. Rồi đến lượt nó vào viện, tôi lại đứng ngoài phòng mổ cả ngày trời, chỉ để nghe bác sĩ thông báo rằng nó không sao. Dần dần, tôi bắt đầu quen với việc có nó bên cạnh và bọn tôi trở nên thân thiết tự lúc nào không hay.
Trong khi nó hiền lành, đằm tính, lạc quan, vô âu vô lo thì tôi lại đành hanh, hay nghĩ ngợi, thích lo xa và cực kỳ nóng tính. Chúng tôi như những phần bù trừ của nhau, để rồi bảo vệ nhau, khuyên nhủ nhau và cùng nhìn nhau để sửa chữa những khiếm khuyết của mình. Trước đây tôi cứ nghĩ, một khi hai người bạn thân thiết với nhau, thì tất yếu họ phải có tính cách, suy nghĩ tương đồng nhau. Nhưng từ khi chơi thân với nó, tôi nhận ra, tình bạn đôi khi cũng như những thỏi nam châm, trái dấu sẽ càng hút nhau và dính kết chặt hơn.
Ngày nó đưa tôi ra sân bay để trở về Đà Nẵng sinh sống và làm việc, trời đất như cũng đồng cảm với nỗi bùi ngùi chia xa của chúng tôi nên trút mưa tầm tã. Nó lo tôi lại ốm nên cẩn thận che chắn nước mưa cho tôi trên suốt quãng đường đi. Tôi thì chối đây đẩy: “Mày đi nhanh quá nước mưa hắt vào mặt tao chứ tao có khóc lóc gì đâu, nhảm nhí!”. Nó cũng “Ừ, mưa hắt đầy cả mắt tao!”.
Trải qua một chặng đường dài học hành, khôn lớn và trưởng thành, nó đều ghi dấu trong mỗi thời khắc quan trọng của cuộc đời tôi. Dù sau này chúng tôi không còn ở chung một thành phố, dù mỗi đứa đều bận rộn cuộc sống riêng, nhưng chúng tôi vẫn giữ một sự gắn kết - vô hình mà bền chặt - đó là sự gắn kết từ trong tâm tưởng. Sau một ngày dài làm việc, tối tối nó lại nhắn cho tôi, khi thì tin nhắn hỏi thăm, khi thì đôi dòng kể lể chuyện nhà, chuyện việc, chuyện con cái… Nhờ vậy mà giờ ngồi ngẫm nghĩ, tôi không nghĩ tôi đã xa nó chừng đó thời gian, cứ thấy như nó vẫn đang ở chung cái giường tầng ký túc xá với mình ngày nào.
Một mùa hè nọ, nó bất thình lình xuất hiện ở thành phố biển nơi tôi đang sống. Nó bảo nhớ quá nên bay ra gặp tôi, thăm những đứa con của nó nhưng do… tôi sinh. Tôi và nó gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, tíu tít cả ngày cả đêm nên khi nó về, tôi cảm thấy hụt hẫng, cảm giác thời gian vụt rơi qua kẽ tay mà mình không kịp nắm giữ. Nó về Sài Gòn, mang theo cái áo tôi tặng, cười hì hì, nói: Vẫn còn hơi của mày.
Bên cạnh gia đình, tình yêu, tôi may mắn có những tình bạn chân thành như nó, để tôi biết rõ, sẽ luôn có người mừng vui khi tôi hạnh phúc, bật khóc sẻ chia khi tôi đau buồn và sẽ tìm đến nếu tôi cảm thấy cô đơn, như lời nó dặn đi dặn lại trước khi về: “Gọi cho tao ngay, bất cứ lúc nào mày cần!”. Nhớ nó, tôi lại thấm thía lời của Pam Brown - một thi sĩ nổi tiếng người Úc: “Trong sự cô đơn, trong đau ốm, trong bối rối - nhận thức về tình bạn khiến ta có thể bước tiếp, thậm chí ngay cả khi bạn ta bất lực không thể giúp ta. Họ ở đó là đủ rồi. Tình bạn không phai nhạt bởi không gian hay thời gian, bởi sự giam cầm của chiến tranh, bởi khổ đau hay sự im lặng. Chính trong những thứ đó mà nó bắt rễ sâu nhất. Chính từ những thứ đó mà nó nở hoa”.
ĐỖ LAN HƯƠNG