Đà Nẵng cuối tuần
Vườn cũ
Gã cò đất đột nhiên hủy hẹn khi cô đã đến nơi, đứng chơ vơ bên con đường vào khu vườn mà cô định mua. Đi gần trăm cây số, chẳng lẽ quay về? Cô lưỡng lự một chút rồi lò dò bước tới, mở dây cột, vén ngọn tre rào chắn ngang cổng qua một bên rồi bước vô. Khu vườn rộng gần ngàn mét vuông, chẳng trồng trọt gì, cỏ dại chen lẫn với mấy dây khoai, dây đậu… mọc tự nhiên, xanh hoang dã. Ngôi nhà xây theo kiểu cổ, ba gian hai chái, cửa gỗ đóng im ỉm, trầm mặc giữa khu vườn. Mái ngói âm dương sạt lở mấy chỗ, loang lổ những vệt rêu xanh. Sau lối đi được vạch thẳng theo hàng cau xơ xác vút cao và hàng chè tàu tua tủa lâu ngày thiếu bàn tay cắt tỉa, là cái sân bong tróc lổn nhổn mấy viên gạch thẻ vỡ nát. Đàn chim sẻ chao liệng trên vòm tre, kêu líu líu rồi sà xuống. Chúng loi nhoi trong đám cỏ và rau dại, như những hòn sỏi nâu vương vãi làm xao động khu vườn trong buổi sớm mai tịch mịch...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cô thong thả men theo bờ mương bọc quanh khu vườn. Phía bên kia là hàng tre lượn theo, như một bức tường xanh. Trên những ngọn tre cong vút, mấy tổ chim dồng dộc như những chiếc giày ống treo ngược được bện bằng sợi rơm, lá mía… tước nhỏ, đong đưa trong gió nhẹ. Cô dừng lại trước lối đi ai đó vạch rào tre để vô vườn. Cánh đồng lúa vàng ươm như vạt nắng bất chợt hiện ra. Cơn gió nhẹ thoảng đưa mùi hương lúa chín, quyện với hương cây cỏ trong tiếng lá tre lao xao khe khẽ. Cô hít căng lồng ngực mùi thơm ngai ngái dịu nhẹ, mắt lim dim, trong ký ức thoáng chảy dài hình ảnh đứa bé con mỗi lần hiếm hoi về quê ngoại tận ngoài Bắc, đứng trước cánh đồng mênh mông đến choáng ngợp. Cô thấy đứa con gái lon ton chạy theo các anh chị ở quê, đi bắt cào cào, châu chấu, hái hoa dại và lượm những gié lúa vương vãi trên cánh đồng sau mùa gặt. Gốc rạ đâm vào chân đau điếng, nhưng vui quá nên cô không để ý, đến tối về gác lên người mẹ nũng nịu đòi xoa. Cô thấy đứa con gái lội xuống con mương cạn xợt, bắt mấy con nòng nọc đen sì, hí hửng chạy về khoe với cậu mợ là con bắt được mấy con cá nhỏ dễ thương lắm, khiến cả nhà được một bữa cười vui nhộn, sau này nhắc miết làm cô đỏ mặt.
Tiếng cười dâng lên trong lòng, cô mở choàng mắt. Vạt lúa vàng qua khoảng không của bờ tre như lôi kéo cô về phía trước. Cô ước lượng con mương cạn nhỏ xíu so với sải chân dài miên man của mình, rồi tự tin nhảy ào qua. Bỗng chân trước hụt xuống, kéo cả người ngã khuỵu. Cô níu vội lấy nhánh cây vươn trước mặt, nhoài người lên. Đám cỏ bò lan, phủ lên bờ mương nên cô cứ nghĩ là mương hẹp. Rút chân ra khỏi đám cỏ rối nhùng, vịn cây đứng lên, cô nghe đau nhói ở cổ chân. Trật khớp rồi sao? Cô thoáng rùng mình, lo lắng. Cô ngồi xuống bên bờ cỏ, nắn bóp từ cổ chân xuống bàn chân, nghe cơn đau râm ran. Đúng là trật khớp rồi! Cô vội vã bám bờ cỏ, thò chân xuống mương rồi leo ngược vô vườn. Bầy chim sẻ thấy cô khập khiễng băng qua, giật mình rối rít bay lên.
Cô đi ra phía đường lớn, định lên xe trở về trước khi cổ chân sưng lên không cử động được. Bỗng cô nhận ra, trước ngôi nhà cửa đóng im ỉm lúc sáng gần nơi cô đậu xe, một bà già đang ngồi hóng nắng. Nhìn cô khập khà khập khiễng, bà đưa tay ngoắc. Cô bước vô bậc thềm, ngồi xuống xuýt xoa. “Trật khớp hả con?”, thấy cô gật đầu sau câu hỏi han, bà lần túi lấy hộp dầu lúc nào cũng sẵn, bảo cô xắn ống quần lên. Bà lắc những giọt dầu thơm lên lòng bàn tay, xoa nhẹ mắt cá chân cô, giờ đã sưng lên, ửng đỏ. Bàn tay già nua, gân guốc, lớp da mỏng tang đùn lại nhăn nheo, lấm tấm những hạt đồi mồi…, xoa vuốt mềm mại. Dầu nóng lan nhẹ từ bàn chân, mùi thơm tỏa ra dịu dàng, cô lim dim mắt nhớ đến những ngày được về nũng nịu bên mẹ, khi cô đã lớn hay lúc hôn nhân tan vỡ.
- Con đi đâu mà té ngã vậy? - Bà ân cần, nhỏ nhẹ như sợ câu hỏi của mình làm đau cô.
- Dạ, con đi vô coi mua mảnh vườn cũ đó bà! Khu vườn có ngôi nhà cổ đẹp vậy mà không ai ở, bỏ hoang tiếc quá! - Cô chỉ tay ngang qua con đường.
Bà nhìn theo tay cô chỉ, rồi từ từ cúi xuống. Những giọt nước rỉ ra, lần theo từng vết chân chim quần tụ quanh đuôi mắt rồi lan chằng chịt trên khuôn mặt nhăn nheo, chảy tràn qua mảnh ký ức khô cằn, đầy gian truân của cuộc đời bà…
Bà về làm dâu nhà chồng khi mới mười bảy tuổi, cái tuổi đẹp đẽ nhất của đời một cô thôn nữ. Nhà chồng là địa chủ trong vùng, có của ăn của để nên mới xin cưới được bà. Cha mẹ cũng xem đó là cái phước, bởi không dễ gì được rơi vào nơi yên ấm, khi cả làng cả tổng ai cũng nghèo khổ như nhau. Bà sớm trở thành người vợ ngoan hiền, con dâu hiếu thảo, biết ăn biết ở, tảo tần chăm lo cho gia đình. Con đầu dâu trưởng, bà đầu tắt mặt tối lo quán xuyến từ trong nhà ra ngoài đồng, từ cái ăn cái ở của nhà chồng đến đám thợ làm công, rồi giỗ quảy Tết nhất. Ăn Tết xong, với bà, không có xuân hạ thu đông, chỉ có mùa mía, mùa lúa, mùa đậu mè, sắn khoai… Nhà có lò đường, ba bốn giờ sáng bà đã dậy cùng đám người làm công, lo rút rơm, ôm ngọn mía cho đám bò ăn rồi dắt ra kéo che đạp mía. Xong, bà quẩy quả vô nấu ăn cho cả nhà, đi chợ; nửa buổi cùng gánh đồ ăn ra đồng rồi chạy về lo bữa trưa… Trưa, bà xấp xải trả giá với mấy người buôn đường, lớp bán, lớp chất rơm xếp vô cót, cất lại qua mùa. Và vội miếng cơm quá bữa nguội ngắt, bà lại ra đồng. Hết mùa này đến mùa khác, bà tất tả sớm hôm không phút ngơi nghỉ. Tiền của làm ra, vợ chồng tích góp, đổ từng khoen vàng, xâu thành chuỗi bỏ vô rương cất kỹ, đợi đến lúc thì đem ra mua đất. “Mua ăn mất, mua đất còn”. Đất nhà bà nở ra mãi, từ nà, thổ đến bàu, rộc, ruộng cao ruộng thấp...
Chen giữa tất bật với ruộng vườn đồng áng, bà mang thai, sinh nở và trời cho, cả bốn đứa, hai trai hai gái đều vuông tròn, khỏe mạnh. Chiến tranh, loạn lạc, bom rơi, đạn nổ, bà dắt díu gồng gánh con chạy, ban đêm trở về bám đất bám ruộng. Hòa bình lập lại, im tiếng súng, ông bà lo cho con ăn học. Rồi vô hợp tác xã, đất đai ruộng rẫy thành của chung; chỉ còn giữ lại được mảnh vườn với ngôi nhà cũ. Đi làm công ăn điểm, kẻng đánh hết giờ, bà nán lại trên mảnh ruộng ngày xưa của nhà mình, nhặt nhạnh từng gié lúa rơi. Trời ơi, nhìn lúa cắt sót vương vãi trên đồng, bà xót từng khúc ruột. Nhiều bữa bà ngồi bệt xuống bờ thửa, lặng lẽ khóc trên cánh đồng lan khói chiều hoang hoải. Những khoen vàng còn tích lại, lớp bán nuôi con ăn học, lớp dành chạy việc cho hai đứa con trai khi ra trường. Khi giáp hạt, miếng cơm cho chồng ăn giữ sức, cho con trai ăn học, bà không để thiếu. Bà dọn cơm rồi giả vờ chạy lăng xăng, chờ xong bữa, ngồi lại với hai đứa con gái cùng nồi khoai lang. Mẹ con ăn khoai với mắm cái. Hũ mắm cá cơm, muối qua mùa, múc ra chén còn mấy con dòi trắng tròn ngoe nguẩy, mẹ con vớt bỏ ra ngoài rồi ăn ngon lành. “Mẹ con mình ráng qua bữa, để dành cho mấy anh con ăn học, chạy việc, sau ni đi làm mở mày mở mặt với thiên hạ và lo cho gia đình!”, bà thủ thỉ, như chan nước vô mấy chén khoai cho hai đứa con gái nuốt qua bữa.
Rồi hai đứa con trai ăn học mãi cũng thành tài, làm kỹ sư, bác sĩ, lập nghiệp ở phố, như bà mong mỏi. Nhưng cái chuyện lo cho ông bà khi về già với mấy đứa em gái thuở “ăn mắm mút dòi”, chúng quên mất. Thôi kệ, chúng cũng lo cho con cho cháu mình chớ ai, “nước mắt chảy xuôi” mà!
Nhưng đến khi vùng quê yên tĩnh bỗng xôn xao vì chuyện đất đai lên giá, hai đứa con trai một bữa đánh xe hơi về.
- Mẹ chừ già rồi, đi lại khó khăn, trái gió trở trời ai chăm. Con Tư con Năm ở đây nhưng phải lo cho nhà chồng. Mẹ ra ở với anh Hai nghe! - thằng Ba thủ thỉ.
Bà ngần ngừ, ngó nghiêng lên gian giữa, nơi đặt bàn thờ ông bà tổ tiên. Anh con trai nắn bóp vai bà:
- Mẹ yên tâm, con với anh Hai sẽ lo thủ tục nghinh bàn thờ ra phố luôn để mẹ khỏi đi về vất vả. Với lại mấy em ở quê, lâu lâu giỗ quảy cũng có dịp ra phố chơi!
Không để thằng Ba nói hết ý mình, bà lên tiếng:
- Mẹ già rồi, chân cẳng rệu rạo, ra đó làm sao đủ sức leo lên đến tầng ba mà hương khói ông bà. Để đây mồng một ngày rằm, giỗ quảy Tết nhất mẹ còn thắp được cây hương cho ấm bàn thờ tổ tiên.
Hai đứa hậm hực kéo nhau đi, rồi một hôm trở về trên chiếc xe máy. Thằng Ba buồn thiu lẳng lặng đi quanh vườn, thằng Hai giả đò bóp chân nắn tay cho bà:
- Nhà mình chừ còn mảnh vườn ni là đáng giá thôi, mẹ mà không cứu thằng Ba thì chắc nó đi tù. Nó hùn hạp buôn bán, bị người ta lừa tiền tỉ, nhà cửa xe cộ bán hết rồi.
- Nhưng còn tổ tiên ông bà nữa! Miếng đất với ngôi nhà ni bao đời cha ông để lại, bom rơi đạn lạc tứ tán còn chưa bỏ, chẳng lẽ…
- Chẳn lẻ chi nữa bà ơi! - Chưa kịp để mẹ thốt hết lời, thằng Ba từ vườn bước vô, dậm chân cái đụi - Ông bà tổ tiên cũng ra người cõi trên hết rồi, thờ đâu chẳng xong; có miếng đất được giá không bán, mai mốt con cái ra đường vô tù hết bà mới vui sao?
Bà chết lặng, lết vô giường nằm run rẩy rồi mê man luôn mấy ngày. Tỉnh dậy, bà thấy mình nằm trong buồng nhà con gái; con Tư, con Năm vỗ về thủ thỉ mới hay, mọi thủ tục thừa kế, sang tên cho khu vườn cũ, hai anh lo xong hết rồi, đang chạy tìm người mua được giá… Bà nghe lòng hoang hoải, chân tay rã rời. Sáng sáng, bà lò dò ra ngồi trước hiên nhà con Tư, nhìn về vườn cũ. Đôi mắt già nua như đuối nắng, lâu lâu dòng nước rỉ ra, lan dần theo mấy vết chân chim, tràn trề…
- Con ở lại ăn cơm với mẹ con tui nghe, con Tư sắp về rồi! - Bà quệt vội tay lên mặt, ngó mông lung ra đường.
Cô giật mình sau giọng nói run rẩy như mắc nghẹn của bà. Lòng cô đã từng thầm vui, khi gã cò đất thông báo đang ép giá với chủ vườn, vài bữa chắc thông qua, chồng tiền đặt cọc rồi ký giấy tờ luôn. Cô nghe một cục gì đắng nghét, từ ngực dâng lên, rồi lan chảy xuống dần. Đôi chân trở nên nặng trịch.
- Dạ, con cảm ơn bà! Con phải về liền vì có hẹn rồi. - Cô vội vã buông câu nói dối rồi nhấc từng bước ra xe. Đóng cửa và bật máy lạnh chạy rì rì, cô lấy máy gọi cho con trai đến chạy xe về giùm.
- Má ơi, con đang đi dã ngoại với đám bạn, xa vậy giờ sao chạy qua chở má về được. Má gọi cho anh tài xế công ty nghe má! - Đầu bên kia, chỉ còn nghe tiếng tút tút kéo dài…
NGUYỄN THÀNH