Đà Nẵng cuối tuần
Giúp em vơi bớt nhọc nhằn
Ngoài chính sách miễn học phí năm học 2022-2023, một số chương trình “Nâng bước em tới trường", "Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Mẹ đỡ đầu”, “Em nuôi của Đoàn” của các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy hiệu quả và trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các em trong chặng đường dài phía trước.
Em Trần Thị Thùy Dương được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: T.Y |
Vững bước đến trường
Hai năm trước, chị Nguyễn Thị Lan (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Parkinson. Đối mặt với chứng rối loạn hệ thần kinh trung ương, run tay và vận động chậm, chị hầu như không thể ra khỏi nhà, kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, điều chị Lan bận tâm nhất là hai con trai đang độ tuổi đến trường, có trăm thứ cần lo.
Hiểu tấm lòng người mẹ, từ năm học 2022-2023, Đoàn phường Tam Thuận nhận Ngô Anh Kiệt, con trai chị Lan (học sinh lớp 10, Trường THPT Trần Phú) làm “Em nuôi của Đoàn”. Ngoài kinh phí hỗ trợ mỗi tháng 300.000 đồng, Kiệt có thêm những người anh, người chị là cán bộ Đoàn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.
Kiệt bảo, lúc đầu em khá e ngại, ít chia sẻ, nhưng qua thời gian, sự quan tâm của anh chị giúp em thoải mái bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cá nhân. Thỉnh thoảng, ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, cũ kỹ của 3 mẹ con lại đón những thành viên áo xanh tới thăm hỏi, động viên hoặc hỗ trợ dụng cụ học tập, quần áo mới.
Gần tháng nay, ước mơ tự đạp xe đến trường của em Ngô Thị Na (SN 2008, thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đã trở thành hiện thực. Đối với cô bé sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống cùng bà nội già yếu, chiếc xe đạp là tài sản lớn nhất. Chiếc xe do Đảng ủy Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng trao tặng vào tháng 8-2022. Trước đó, Na cũng được Chi đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố nhận làm con nuôi, thuộc chương trình “Mẹ đỡ đầu” do cơ quan phát động. Ngoài khoản hỗ trợ 500.000 đồng mỗi tháng, chiếc xe đạp giúp đoạn đường đến trường của Na trở nên vui vẻ hơn.
Chị Ngô Thị Hoa, cô ruột Na, vài năm nay thêm nặng gánh lo toan bởi ngoài trách nhiệm chăm sóc người mẹ tuổi gần đất xa trời, phải cưu mang thêm 3 đứa cháu mồ côi. Chị Hoa nói cuộc sống gia đình hiện rất khó khăn nên mọi sự giúp đỡ đều trở nên hữu ích. “Khi hay tin cháu gái được các tổ chức, đoàn thể nhận giúp đỡ đến tuổi trưởng thành, lòng tôi không khỏi mừng vui. Điều tôi yên tâm nhất là các cháu được động viên, khích lệ tinh thần tiếp tục vượt khó học giỏi, trở thành người có ích trong tương lai”, chị Hoa chia sẻ.
Cùng cảnh mồ côi, Phạm Văn V. (SN 2008, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu) vừa được chị Phan Như Yến, Giám đốc Công ty CP Intimex Đà Nẵng nhận làm con đỡ đầu. Chị Yến kể, tháng 5-2022, thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng phát động, chị biết hoàn cảnh của V. và ngay lập tức muốn nhận cậu làm con nuôi. “V. khi ấy sống cùng bà ngoại, mọi chi phí sinh hoạt dựa cả vào nguồn trợ cấp dành cho người cao tuổi. Hôm gặp tôi, V. nói có lúc con muốn nghỉ học để ở nhà phụ bà, nghe rất thương nên tôi quyết định nhận V. làm con nuôi, chu cấp mỗi tháng 500.000 đồng đến khi con đủ 18 tuổi. Nếu con vào đại học, tôi sẽ cân nhắc tiếp tục hỗ trợ đến khi con ra trường, có việc làm ổn định”, chị Yến cho hay.
Chia sẻ gánh nặng kinh tế
Tính đến tháng 9-2022, có gần 250 trẻ mồ côi được các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn thành phố nhận đỡ đầu. Bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN thành phố khẳng định đây là tín hiệu vui, bởi theo kế hoạch, năm 2022, phụ nữ thành phố phấn đấu nhận đỡ đầu ít nhất 100 trẻ mồ côi, nhưng con số này đã tăng lên đáng kể cho thấy sự quan tâm của các cấp Hội phụ nữ và mạnh thường quân dành cho trẻ mồ côi độ tuổi đến trường.
Cũng theo bà Hương, thời gian tới, Hội LHPN thành phố sẽ tiếp tục phát huy vai trò kết nối mạnh thường quân, đồng thời huy động sự tham gia của các cấp, ngành vào chương trình “Mẹ đỡ đầu”. “Theo con số thống kê mới nhất, thành phố đang có khoảng 1.558 trẻ mồ côi, trong đó có 74 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, có hoàn cảnh khó khăn, cần người chăm sóc. Từ kết quả khảo sát đó, chúng tôi đã chủ động triển khai các hoạt động chăm sóc trẻ mồ côi, với mức hỗ trợ tối thiểu 500.000 đồng/tháng/em. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phân công cán bộ Hội thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà sách vở, quần áo, phương tiện, đồ dùng học tập nhằm chia sẻ gánh nặng kinh tế, giúp các em toàn tâm, toàn ý tham gia học tập và phát triển bản thân”, bà Hương nói.
Trở thành “Con nuôi Đồn Biên phòng” từ năm 2021, Trần Thị Thùy Dương (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) có thành tích học tập đáng nể, nổi bật là môn tiếng Anh với điểm trung bình cuối học kỳ thường đạt trên 9,0. Quê gốc tỉnh Nghệ An, cách đây mấy năm, Dương theo mẹ vào Đà Nẵng thuê phòng trọ sinh sống. Ban ngày, mẹ chở Dương đến trường rồi đi làm thuê tại một số quán ăn trên địa bàn. Tối đến, hai mẹ con ở trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, chỉ đủ kê bàn học và bày biện một số vật dụng sinh hoạt gia đình.
Từ ngày Dương trở thành “con nuôi” của những người lính mang quân hàm xanh, đường đến trường của em bớt nỗi lo cơm áo. Dương chia sẻ, trước đây mỗi lần muốn mua cuốn sách mới, em đắn đo, không dám mở lời bởi biết hoàn cảnh gia đình không cho phép. “Giờ thì em có thể dùng tiền các chú hỗ trợ để mua thêm sách vở và đồ dùng học tập. Với em bây giờ, điều quan trọng vẫn là chuyện học để không phụ lòng mẹ, cũng như thay lời cảm ơn các chú ở Đồn Biên phòng Sơn Trà - nơi nhận nuôi em thời gian qua. Em rất vui khi có thêm điểm tựa tinh thần vững chắc trong chặng đường dài phía trước”, Dương vui mừng cho biết.
Triển khai từ năm 2016, đến nay chương trình “Nâng bước em tới trường” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố nhận đỡ đầu 38 học sinh, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Cùng với đó, chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” cũng nhận nuôi 24 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/tháng. Đại tá Đỗ Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng thành phố khẳng định đây là hoạt động chính trị thường xuyên của đơn vị, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn.
TIỂU YẾN