Đà Nẵng cuối tuần
Tiện ích từ bệnh án điện tử
Nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện kế hoạch hồ sơ bệnh án điện tử theo Công văn số 46/2018/TT-BYT ngày 28-12-2018 của Bộ Y tế nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh trong giai đoạn từ năm 2024-2028. Cùng với việc kết hợp triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử đã giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục và suốt đời. Từ đó, chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe của mình.
Bệnh nhân được nhân viên y tế Bệnh viện Gia đình chấm vân tay xác định nhân thân để tránh nhầm lẫn khi thực hiện khám bằng bệnh án điện tử. Ảnh: Đ.H.L |
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Chia sẻ về lợi ích của bệnh án điện tử khi đến khám tại Bệnh viện Gia đình, chị Trần P.T (35 tuổi, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Khám như thế này nhanh hơn bởi tôi không phải mang theo giấy tờ và nhân viên y tế cũng đỡ mất công hỏi lại, chỉ cần nhấn vân tay để làm thủ tục. Sau khi nội soi xong, tôi chỉ đợi khoảng vài phút là được bác sĩ gọi vào tư vấn. Kết quả nội soi nằm trên máy tính nên tôi có thể quan sát rõ hơn và cũng dễ đối chiếu nếu lần sau đi khám lại”.
Còn chị Nguyễn M.A (30 tuổi, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) vui vẻ chia sẻ: “Mình khám thai định kỳ ở đây và thấy rất tiện lợi vì tất cả kết quả siêu âm, xét nghiệm của những lần trước được lưu lại một cách khoa học trên máy tính, không cần phải mang theo hồ sơ giấy lỉnh kỉnh hay mất tiền mua sổ khám thai”.
Đặc biệt, đối với những bệnh nhân ở xa, khi đến khám bằng bệnh án điện tử thì vô cùng tiện lợi. Đến từ xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), anh Nguyễn T.T (37 tuổi) cho biết: “Tôi đưa ba đi khám lần đầu thì ông không quen lắm với bệnh án điện tử, bởi người lớn tuổi rất ngại khi thấy máy móc hiện đại. Nhưng giờ thì cụ quen rồi, việc khám bệnh diễn ra nhanh hơn. Đơn thuốc ở đây mỗi loại đều có dán nhãn sử dụng rõ ràng nên không gây nhầm lẫn cho cụ”.
Ngay từ năm 1997, khi còn là Trung tâm Bác sĩ Gia Đình, Bệnh viện Gia đình đã đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu hay bệnh án điện tử. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hữu Dũng, Phó Giám đốc Điều hành Bệnh viện Gia đình cho biết: “Các thủ tục khám bệnh được tinh gọn hơn giúp tiết kiệm thời gian và chi phí; song song đó, người bệnh cũng dễ dàng kết nối với nhân viên y tế khi cần sự hỗ trợ. Trong tương lai, tất cả các cơ sở y tế đều tiến hành số hóa, liên thông dữ liệu giữa các lần khám khác nhau ở một bệnh viện cũng như các bệnh viện với nhau, từ đó làm giảm phiền toái cho bệnh nhân, tránh việc phải thực hiện quá nhiều cận lâm sàng khi chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên hoặc đi từ bệnh viện này sang bệnh viện khác”.
Đối với bác sĩ và nhân viên y tế, hồ sơ bệnh án điện tử là nơi lưu trữ, theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bệnh nhân toàn diện và có hệ thống, giúp bác sĩ nắm được thông tin tiền sử bệnh lý. Đồng thời giúp việc tra cứu hồ sơ sức khỏe dễ dàng, từ đó nâng cao chất lượng chẩn đoán điều trị. Việc chuyển đổi số cũng góp phần hạn chế nhầm lẫn trong y khoa. Bên cạnh đó, bệnh án điện tử còn giúp lãnh đạo bệnh viện nắm toàn bộ quá trình thăm khám điều trị, cấp phát thuốc, góp phần nâng cao hiệu quả làm việc, tiết kiệm nhân lực, vật lực.
“Nhờ bệnh án điện tử mà tất cả thông tin cá nhân, tiền sử bệnh, quá trình theo dõi điều trị, phác đồ điều trị được lưu trữ vĩnh viễn trên phần mềm và theo suốt quá trình chăm sóc sức khỏe người bệnh thay bệnh án giấy. Song song với hồ sơ bệnh án điện tử, chúng tôi còn quan tâm phát triển cả hồ sơ sức khỏe điện tử”, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hữu Dũng chia sẻ.
Hiện nay, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng đã triển khai bệnh án điện tử ở tất cả các khoa nội trú và ngoại trú. Đối với ngoại trú, bệnh viện đã thực hiện bệnh án điện tử 100% về nhập máy thay viết tay. Đối với nội trú, hồ sơ bệnh án thực hiện được 80% về nhập máy thay viết tay.
Bác sĩ CK1 Kim Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cho biết: “Việc thực hiện bệnh án điện tử trong thời gian qua đã giúp bệnh nhân không phải lo lắng lưu trữ tất cả các loại giấy tờ khám, chữa bệnh kèm theo, hay mất kết quả xét nghiệm, cũng như đọc chữ viết toa thuốc bác sĩ không rõ. Người bệnh dễ dàng so sánh các chỉ số xét nghiệm với nhau. Với bệnh viện, việc tìm kiếm tra, cứu thông tin nhanh chóng và chính xác. Thông tin bệnh nhân được lưu trữ số giúp bảo đảm dữ liệu trong thời gian dài, tránh hư hỏng do thời tiết ẩm mốc như bệnh án giấy. Bên cạnh đó, việc truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa cũng nhanh chóng. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các khoa sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn”.
Tăng cường bảo mật thông tin bệnh nhân
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao, Bệnh viện Gia Đình xây dựng đội ngũ công nghệ thông tin giỏi bao gồm: kỹ sư phần cứng, lập trình viên, phát triển phần mềm và nhóm chuyên viên phân tích nghiệp vụ. Không chỉ dừng lại ở bệnh án điện tử, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thăm khám điều trị tại bệnh viện còn được phát triển với nhiều ứng dụng hỗ trợ thiết thực cho người bệnh và bác sĩ như: Hệ thống xác định nhân thân bằng dấu vân tay; hệ thống app phục vụ cho việc thăm khám hằng ngày sử dụng trên nền tảng di động gồm app sinh tồn cho điều dưỡng, máy tính bảng có phần mềm để bác sĩ mang theo khi thăm khám bệnh nhân tại phòng bệnh và app cho bệnh nhân đặt lịch khám tại nhà, thanh toán dịch vụ y tế tại nhà và tra cứu kết quả y tế tại nhà; hệ thống PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh y khoa; ứng dụng Teleheath (kết nối các y, bác sĩ tại các đơn vị y tế khác nhau bằng ứng dụng công nghệ hiện đại) giúp hội chẩn với giáo sư từ xa. Đặc biệt, trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp, Bệnh viện Gia đình là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai app khai báo dịch tễ, app này có dữ liệu liên thông với hệ thống bệnh án điện tử của bệnh viện để có thể lưu trữ thông tin và liên kết vào bệnh án của bệnh nhân.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hữu Dũng khẳng định: "Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu trong lĩnh vực y tế vì nhiều lợi ích thiết thực mang lại. Để tăng tính bảo mật thông tin bệnh nhân, Bệnh viện Gia đình sử dụng phần mềm quản lý riêng được đầu tư cả về trang thiết bị và dung lượng. Chúng tôi có đội ngũ nhân viên công nghệ thông tin riêng phục vụ cho việc phát triển giao diện, phần mềm và bảo mật. Nhờ vậy, trong suốt 14 năm hoạt động toàn bộ thông tin của thân chủ được lưu trữ đầy đủ, nguyên vẹn và an toàn”.
Còn bác sĩ CK1 Kim Văn Hùng cho biết, khó khăn hiện nay mà Bệnh viện Da liễu gặp phải khi triển khai bệnh án điện tử là hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất còn hạn chế, nhiều thiết bị máy móc đã cũ. Cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng còn vướng mắc , bệnh viện chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển của đơn vị để nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin, ảnh hưởng đến các hoạt động khác của bệnh viện. Trong khi ngân sách bệnh viện còn hạn chế, đầu tư quy mô lớn còn khó khăn.
“Để bảo mật thông tin cho bệnh nhân, bệnh viện đã tự quản lý vận hành hệ thống lưu trữ máy chủ. Các thiết bị kết nối sử dụng mạng nội bộ bảo đảm bảo mật thông tin bệnh nhân. Hệ thống dữ liệu được lưu trữ dự phòng hằng ngày để khôi phục nếu xảy ra tình trạng mất dữ liệu bằng hệ thống NAS (hệ thống thiết bị được kết nối mạng, có chứa một hoặc nhiều ổ lưu trữ - PV). Phần mềm quản lý khám chữa bệnh được cập nhật liên tục theo yêu cầu thực tế trong lúc khám, chữa bệnh. Việc liên thông, trao đổi dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử đều được mã hóa trong quá trình trao đổi dữ liệu”, bác sĩ CK1 Kim Văn Hùng giải thích thêm.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG