Đà Nẵng cuối tuần

Đường phố Đà Nẵng với các danh nhân làm nghề dạy học

06:33, 20/11/2022 (GMT+7)

Đặt tên đường là cách người Đà Nẵng vinh danh các danh nhân có nhiều công lao đóng góp cho địa phương và đất nước trong sự nghiệp trồng người. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (1982-2022), bài viết này giới thiệu những danh nhân làm nghề dạy học đã được vinh danh trên các đường phố Đà Nẵng.

Nhà giáo Võ Nguyên Giáp (được đặt tên đường trên địa bàn hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn từ năm 2013) từng dạy học ở Trường Tiểu học tư thục Thăng Long Hà Nội. Ảnh: XUÂN DŨNG
Nhà giáo Võ Nguyên Giáp (được đặt tên đường trên địa bàn hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn từ năm 2013) từng dạy học ở Trường Tiểu học tư thục Thăng Long Hà Nội. Ảnh: XUÂN DŨNG

Trước hết phải kể đến nhà giáo Chu Văn An - người được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2019. Chu Văn An suốt đời dạy học, khi ra làm quan cũng là một ông quan dạy học, là tư nghiệp Quốc tử giám (đời Trần tư nghiệp là hiệu trưởng Quốc tử giám) và trực tiếp dạy thái tử Trần Vượng - tức vua Trần Hiến Tông sau này. Người Đà Nẵng đặt tên nhà giáo Chu Văn An cho một con đường nối đường Phan Châu Trinh và đường Hoàng Diệu từ năm 1958.

Ngoài nhà giáo Chu Văn An, ở Đà Nẵng còn có nhiều nhà giáo từng trực tiếp dạy các vị vua tương lai được đặt tên đường như nhà giáo Trương Văn Hiến (đặt tên đường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2010) từng dạy Nguyễn Nhạc sau là vua Thái Đức và Nguyễn Huệ sau là vua Quang Trung; nhà giáo Nguyễn Hàm Ninh (đặt tên đường trên địa bàn huyện Hòa Vang từ năm 2014) từng dạy hoàng tử Miên Tông - sau là vua Thiệu Trị; nhà giáo Phạm Phú Thứ (đặt tên đường trên địa bàn quận Hải Châu từ năm 1956) từng dạy hoàng tử Ưng Chân - sau là vua Dục Đức; nhà giáo Nguyễn Đình Tựu (đặt tên đường trên địa bàn quận Thanh Khê từ năm 2010) từng dạy hoàng tử Ưng Chân - sau là vua Dục Đức và hoàng tử Ưng Đăng - sau là vua Kiến Phước; nhà giáo Trần Văn Dư (đặt tên đường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2000) từng dạy hoàng tử Ưng Chân - sau là vua Dục Đức và hoàng tử Ưng Kỵ - sau là vua Đồng Khánh; nhà giáo Nguyễn Duy Hiệu (đặt tên đường trên địa bàn quận Sơn Trà từ năm 1994) từng dạy hoàng tử Ưng Đăng - sau là vua Kiến Phước; nhà giáo Nguyễn Thuật từng dạy hoàng tử Ưng Đăng - sau là vua Kiến Phước (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2007); nhà giáo Huỳnh Bá Chánh (đặt tên đường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2002) từng dạy hoàng tử Ưng Đăng - sau là vua Kiến Phước; nhà giáo Nguyễn Thành Ý (đặt tên đường trên địa bàn quận Hải Châu từ năm 2005) từng dạy hoàng tử Ưng Lịch - sau là vua Hàm Nghi và hoàng tử Ưng Kỵ - sau là vua Đồng Khánh…

Đặc biệt, nhiều nhà hoạt động cách mạng xuất thân nhà giáo được người Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường phố, tiêu biểu như nhà giáo Nguyễn Tất Thành (đặt tên đường trên địa bàn ba quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu từ năm 2003), tên gọi hồi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1990, từng dạy học ở trường Dục Thanh Phan Thiết; nhà giáo Hà Huy Tập (đặt tên đường trên địa bàn quận Thanh Khê từ năm 1998) từng dạy học ở Trường Tiểu học Cao Xuân Dục thành phố Vinh; nhà giáo Võ Nguyên Giáp (đặt tên đường trên địa bàn hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn từ năm 2013) từng dạy học ở Tiểu học tư thục Thăng Long Hà Nội; nhà giáo Phan Thanh (đặt tên đường trên địa bàn quận Thanh Khê từ năm 1994) từng dạy học ở huyện Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa và Tiểu học tư thục Thăng Long Hà Nội; nhà giáo Lê Thị Xuyến (đặt tên đường trên địa bàn quận Thanh Khê từ năm 2002) từng dạy học tại trường Trung học Đồng Khánh thành phố Huế; nhà giáo Châu Văn Liêm (đặt tên đường trên địa bàn quận Hải Châu từ năm 2000) từng dạy học ở Long Xuyên và Chợ Thủ tỉnh An Giang; nhà giáo Lâm Quang Thự (đặt tên đường trên địa bàn quận Liên Chiểu từ năm 2004) từng dạy học ở Nha Trang và Sài Gòn; nhà giáo Trần Tống (đặt tên đường trên địa bàn quận Thanh Khê từ năm 2000) từng giữ chức thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; nhà giáo Nguyễn Như Hạnh (đặt tên đường trên địa bàn quận Liên Chiểu từ năm 2002) từng giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội…

Ở Đà Nẵng cũng có không ít danh nhân vừa là văn nghệ sĩ vừa là nhà giáo được vinh danh qua việc đặt tên đường như nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm (đặt tên đường trên địa bàn quận Sơn Trà từ năm 2002); nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu (đặt tên đường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2003), thường được gọi là Đồ Chiểu - người được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2021; nhà thơ - nhà giáo Bà Huyện Thanh Quan (đặt tên đường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2000), tên thật là Ngô Thị Hinh - các tài liệu trước đây ghi Nguyễn Thị Hinh, từng vào kinh đô Huế làm cung trung giáo tập dạy các công chúa và cung phi thời vua Minh Mạng; nhà thơ - nhà giáo Võ Trường Toản (đặt tên đường trên địa bàn quận Sơn Trà từ năm 2002) - người được xem là “ông tổ ngành giáo dục Nam Kỳ”; nhà thơ - nhà giáo Lưu Trọng Lư (đặt tên đường trên địa bàn quận Hải Châu từ năm 2005) và nhà thơ - nhà giáo Chế Lan Viên (đặt tên đường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2000) cùng dạy học ở Trung học tư thục Chấn Thanh Đà Nẵng vào đầu thập niên 1940; nhà thơ - nhà giáo Vũ Đình Liên (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2018), từng dạy học ở Tiểu học tư thục Thăng Long Hà Nội; nhà văn - nhà giáo Nguyễn Văn Xuân (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2013) từng dạy học ở Viện Đại học cộng đồng Quảng Đà; họa sĩ - nhà giáo Tô Ngọc Vân (đặt tên đường trên địa bàn quận Thanh Khê từ năm 2000), từng dạy trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; nhà lý luận phê bình văn học - nhà giáo Lê Đình Kỵ từng dạy Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2016)...

Các danh nhân là nhà quản lý giáo dục cũng được người Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường phố: Ở cấp trường như tư nghiệp Quốc tử giám (đời Lê tư nghiệp chỉ là phó hiệu trưởng Quốc tử giám, giúp việc cho tế tửu/hiệu trưởng) Lê Quý Đôn (đặt tên đường trên địa bàn quận Hải Châu từ năm 1962); tế tửu Quốc tử giám Phạm Đình Hổ (đặt tên đường trên địa bàn quận Liên Chiểu từ năm 2004); thục trưởng Đông Kinh nghĩa thục Lương Văn Can (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2005); thục trưởng Nghĩa thục Diên Phong Phan Thành Tài (đặt tên đường trên địa bàn quận Hải Châu từ năm 1998); thục trưởng Nghĩa thục Phú Lâm - cùng với Nghĩa thục Diên Phong là hai trường học nổi tiếng của phong trào Duy Tân đất Quảng đầu thế kỷ XX - Lê Cơ (đặt tên đường trên địa bàn quận Hải Châu từ năm 2000); hiệu trưởng trường Dục Thanh Phan Thiết Nguyễn Quý Anh (đặt tên đường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2019); Giám đốc Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội Lê Văn Thiêm (đặt tên đường trên địa bàn quận Sơn Trà từ năm 2004); Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hà Nội Hồ Đắc Di (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2007); Hiệu trưởng Trường Đại học Quân y Đỗ Xuân Hợp (đặt tên đường trên địa bàn quận Sơn Trà từ năm 2004); Hiệu trưởng Trường Bưởi thành phố Hà Nội Dương Quảng Hàm (đặt tên đường trên địa bàn quận Hải Châu từ năm 2007); Giám đốc Cao đẳng Sư phạm Trung ương Hoàng Ngọc Phách (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2007); Hiệu trưởng Tiểu học tư thục Thăng Long thành phố Hà Nội Đặng Thai Mai (đặt tên đường trên địa bàn quận Thanh Khê từ năm 2000); Hiệu trưởng Trường Đào tạo giáo viên Trung học Trung Bộ, Giám đốc Nha Bình Dân học vụ Trung Bộ Trần Đình Đàn (đặt tên đường trên địa bàn quận Sơn Trà từ năm 2010)…

Ở cấp huyện như huấn đạo huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình Lương Thúc Kỳ (đặt tên đường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2005). Ở cấp phủ như giáo thụ phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam sau thăng chức Quyền Đốc học tỉnh Hải Dương Nguyễn Tường Phổ (đặt tên đường trên địa bàn quận Liên Chiểu từ năm 2016); giáo thụ phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam và giáo thụ phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa Trần Quý Cáp (đặt tên đường trên địa bàn quận Hải Châu từ năm 1955); giáo thụ phủ Kiến An, tỉnh Định Tường Thủ Khoa Huân (đặt tên đường trên địa bàn quận Sơn Trà từ năm 2003)... Ở cấp tỉnh như đốc học Quảng Nam Đinh Văn Chấp (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2016); đốc học Quảng Nam Trần Đình Phong (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2003); đốc học tỉnh Bình Định Hồ Trung Lượng (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2016); đốc học tỉnh Quảng Trị Phạm Như Xương (đặt tên đường trên địa bàn quận Liên Chiểu từ năm 2000); đốc học tỉnh Nam Định Nguyễn Thượng Hiền (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2003); đốc học tỉnh Nam Định Phạm Văn Nghị (đặt tên đường trên địa bàn quận Thanh Khê từ năm 1998); đốc học tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Khuyến (đặt tên đường trên địa bàn quận Liên Chiểu từ năm 2000); đốc học tỉnh Nghệ An Lê Ấm (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2018)… Ở cấp bộ như Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu (đặt tên đường trên địa bàn quận Liên Chiểu từ năm 2000); Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Nguyễn Đình Tứ (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2007)…

Cũng có không ít danh nhân là nhà giáo chuyên soạn sách giáo khoa được người Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường phố như nhà giáo Lương Thế Vinh (đặt tên đường trên địa bàn quận Sơn Trà từ năm 1995) - người biên soạn sách Đại thành toán pháp bằng chữ Nôm được xem là cuốn sách giáo khoa môn toán đầu tiên ở nước ta, nhà giáo Nguyễn Thiếp (đặt tên đường trên địa bàn quận Sơn Trà từ năm 2000) - người được vua Quang Trung giao nhiệm vụ tư vấn về cải cách giáo dục cho vương triều Tây Sơn, nhà giáo Đào Duy Anh (đặt tên đường trên địa bàn quận Thanh Khê từ năm 2002) - người từ năm 1955 đã biên soạn Giáo trình Lịch sử Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Công Hoan (đặt tên đường trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2002) - người từng làm việc ở Trại tu thư của ngành giáo dục, biên soạn sách Sử Việt Nam hiện đại từ Pháp thuộc đến năm 1950 dùng cho lớp 7 hệ chín năm; nhà giáo Huỳnh Lý (đặt tên đường trên địa bàn quận Hải Châu từ năm 2006) - người từng giữ chức trưởng ban Tu thư của ngành giáo dục Liên khu V trong kháng chiến chống Pháp, trực tiếp biên soạn sách giáo khoa cho cấp tiểu học; nhà giáo Lê Trí Viễn (đặt tên đường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2020) - người từng viết các giáo trình về văn học như Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê mạt-Nguyễn sơ, Một số vấn đề Lịch sử Văn học Việt Nam, Những bài giảng văn ở đại học...

***

Đi trên những đường phố mang tên các danh nhân từng làm nghề dạy học, từng đóng góp tâm huyết và tài năng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước, người Đà Nẵng càng thấm thía đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ - nhà giáo Nguyễn Tất Thành: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.

BÙI VĂN TIẾNG

.