Đà Nẵng cuối tuần

Thông điệp của sự hàn gắn

16:44, 19/11/2022 (GMT+7)

...Đó là một cửa hàng tiện lợi. Nhưng biên kịch Jeong gọi nó là “cửa hàng tiện lợi bất tiện” vì nó rất ít khách. Và vì cửa hàng ít khách nên nó hạn chế nhập hàng, hàng ít nên giá cao, giá cao nên càng ít khách. Đó là lý do cửa hàng tiện lợi này… bất tiện và luôn đối diện với nguy cơ phá sản.

Cuốn sách “Cửa hàng tiện lợi bất tiện” (NXB Dân Trí - 2022, Thu Hưng dịch) được lấy tên từ chính không gian diễn ra các câu chuyện - một cửa hàng tiện lợi Always ở khu phố nhỏ Cheongpa-dong bình dân của thành phố Seoul. Nguy cơ phá sản gần như thường trực ở đây. Song nó vẫn tồn tại bởi sự bác ái của bà chủ, người luôn nỗ lực duy trì sự tồn tại của cửa hàng vì nó mang đến sinh kế cho ba người nhân viên làm việc bán thời gian tại đó.

Bìa cuốn sách “Cửa hàng tiện lợi bất tiện”, tác giả Kim Ho-Yeon, Thu Hưng dịch, NXB Dân trí ấn hành quý 3-2022.
Bìa cuốn sách “Cửa hàng tiện lợi bất tiện”, tác giả Kim Ho-Yeon, Thu Hưng dịch, NXB Dân trí ấn hành quý 3-2022.

Cuốn sách khởi đầu với việc bà Yeom bị lẫn chợt nhớ ra là mình đã đánh rơi cái ví, trong đó có nhiều tiền và quan trọng hơn là cả đống giấy tờ quan trọng. Tiền mất thì tiếc đã đành, nghĩ cái cảnh lê cái thân già đi làm lại đống giấy tờ kia thì chỉ muốn lên cơn trầm cảm. Nhưng rồi một người vô gia cư, hôi hám, to như con gấu và bị chứng mất trí nhớ trả lại cái ví nguyên vẹn cho bà Yeom, không mất một xu nào. Sau này bà mới biết, người ấy đã phải đánh nhau với những gã du côn khác để bảo vệ cái ví trước khi gọi điện cho bà.

Thật bất ngờ, người vô gia cư sau đó không nhận tiền hậu tạ, chỉ xin một bữa cơm. Bà Yeom có một cửa hàng tiện lợi và mang người vô gia cư tên là Dok-go (có nghĩa là cô độc) tới đó, lấy một hộp cơm ngon cho gã ăn, còn dặn nhân viên là sau này bất cứ khi nào gã quay lại, hãy cho gã một hộp cơm ngon lành, nhất định không được đưa cho gã những hộp cơm gần hết hạn.

Sau đó bà nhận Dok-go vào làm nhân viên. Từ chỗ bị mọi người xa lánh, Dok-go bỗng chứng tỏ được giá trị của mình ở cửa hàng. Anh giúp cửa hàng tiện lợi này không còn bất tiện, trấn áp bọn gây rối, anh bày biện lại hàng hóa, lên phương án giao hàng tận nơi, ghi nhớ thói quen khách hàng…

Nhờ sự giao tiếp hằng ngày, cửa hàng bỗng trở thành nơi ký thác nỗi buồn của biết bao khách hàng, những người vẫn bị xem là kẻ thất bại trong cuộc sống. Nhờ những giao tiếp thường nhật này, Dok-go không còn… Dok-go (cô độc) nữa và anh dần khôi phục trí nhớ. Hóa ra anh từng là một bác sĩ! Trong một tai nạn, anh lỡ tay làm chết người và sa vào nghiện rượu. Anh dần mất hết tất cả, mất luôn cả trí nhớ cho đến khi gặp một cụ bà… lãng trí.

Những con người tìm đến cửa hàng tiện lợi ấy đều có ít nhiều tổn thương. Có người đã từng mải mê kiếm tiền, đi tìm giá trị bản thân và dần dần mất kết nối với người thân, với xã hội. Họ đắm chìm vào chuyện đeo đuổi mục đích vạch ra, rồi bế tắc. Những con người ấy đã tình cờ gặp Dok-go, được nghe lời khuyên của anh và họ bước vào một hành trình chữa lành cho nhau. Ngày qua ngày, một cách kỳ diệu, Dok-go không còn cô độc, anh kết nối và hướng dẫn tất cả những người thua cuộc đã gặp nhận ra được vấn đề của bản thân, thay đổi cách sống, cách đối đãi với người thân, thay đổi cuộc sống của mình. Sự kết nối ấy cũng giúp anh dần lấy lại được trí nhớ, biết mình là ai, tại sao lại lâm vào cảnh vô gia cư bần cùng như thế.

“Cửa hàng tiện lợi bất tiện” phát hành trước khi Covid-19 bùng phát mạnh ở Hàn Quốc. Đọc sách, mọi người nhận ra rằng, sự mất kết nối luôn là vấn đề lớn trong cuộc sống của nhiều người, chứ không phải đợi đến khi có một dịch bệnh kinh hoàng gây ra những xáo trộn lớn trong đời sống xã hội thì những vấn đề này mới xuất hiện. Nếu kết nối trong thế giới ảo, bạn sẽ không bao giờ nhận được chân giá trị thật sự. Do đó vai trò của kết nối sẽ là sợi dây ràng buộc giữa người với người, ở đó có sự quan tâm đến nhau, nó sẽ tạo nên sự hàn gắn trong quan hệ xã hội của mỗi con người, sẽ mang lại sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của mỗi người. Kết nối với người thân, với bạn bè xung quanh, với những người ta gặp hằng ngày để tìm giá trị sống, chứ không phải là sự kết nối với một thế giới ảo như mọi người đang trải qua. Vì thế “Cửa hàng tiện lợi bất tiện” đưa ra thông điệp về sự kết nối và hàn gắn, một vấn đề đang dần trở nên xa xỉ, nhất là với giới trẻ.

Tác giả Kim Ho-Yeon là một nhà văn đồng thời là một nhà biên kịch, nên “Cửa hàng tiện lợi bất tiện” giống như một bộ phim truyền hình hoặc một bộ phim điện ảnh. Bạn có thể hình dung từng bối cảnh, dữ liệu cũng như lời thoại đậm chất điện ảnh trong cuốn sách. Nhờ đó có thể cảm nhận được sự tinh tế của cảm xúc và tính hài hước đặc trưng của điện ảnh Hàn Quốc. Cuốn tiểu thuyết đã trở thành sách best-seller và bán được hơn 700.000 bản, đoạt giải Cuốn sách năm 2021 của Yes24 - Trang điện tử thương mại hàng đầu Hàn Quốc.

HOÀNG NHUNG

.