Huỳnh Thúc Kháng và Già Phổ làng Hòa Thanh

.

Năm 1908, phong trào cự sưu kháng thuế bùng phát ở Quảng Nam. Người Pháp cho rằng, dân đi biểu tình xin xâu khắp nơi là do các lãnh tụ của Phong trào Duy Tân xúi sử. Lúc này Phan Châu Trinh đang dạy ở Đông Kinh nghĩa thục tận Hà Nội, Trần Quý Cáp làm Giáo thọ phủ Tân Định (Khánh Hòa). Huỳnh Thúc Kháng đang ở quê nhà Tiên Phước, dù tại đây không có biến động gì ông vẫn bị bắt giam.

Làng chài Hòa Thanh cũ, nay thuộc xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ. Ảnh: L.T
Làng chài Hòa Thanh cũ, nay thuộc xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ. Ảnh: L.T

Bắt một nhân vật“nguy hiểm”!

Để bắt Huỳnh Thúc Kháng, Pháp cử lực lượng hùng hậu được chỉ huy bởi Đề đốc của Nam triều, hai sĩ quan quân đội Pháp cùng 20 lính tập và lính khố xanh. Điều này chứng tỏ người Pháp đánh giá Huỳnh Thúc Kháng là một nhân vật quan trọng và rất nguy hiểm. Sự kiện này được ông kể lại rất cụ thể cả trong cả hai tác phẩm quan trọng của mình: Huỳnh Thúc Kháng niên phổ và Thi tù tùng thoại.

Trong Huỳnh Thúc Kháng niên phổ và Thư trả lời Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (NXB Văn hóa - Thông tin, 2000) Huỳnh Thúc Kháng cho biết (trang 38, 39): “Bắt một một chàng thư sinh tay trơn chưn (sic) trần, phải dùng đến một đề đốc tỉnh, hai quan đồn binh, lại đèo hai chục lính tập, chia đường lục tục kéo đến, xem tôi như một lãnh tụ dân đảng nào, một địch tướng phòng có việc gì xảy ra bất trắc chăng. Tôi thấy vậy trong lòng tự biết, nhưng có thái độ thản nhiên, cười nói như thường. Quan đồn Trà My gọi tôi nói: “Quan Công sứ Hội An có điện gọi đến hỏi, ông nên đi gấp”. Tôi nói: “Đã có điện của Công sứ, tôi phải đi”. Thế rồi sắp sửa hành lý để đi. Ông nói: “Đi đường ông cần gì nên hỏi quan đồn Phương Xá. Quan đồn ấy cùng đi với ông, không thiếu gì”. Quan đồn Phương xá nói: “Mọi việc tôi lo. Ông chỉ đem theo vài quyển sách để dọc đường đọc cho vui, thế thôi”.

Bắt xong, cả đoàn cùng kéo xuống một nhà trạm ở huyện Hà Đông. Sau đó giao Huỳnh Thúc Kháng lại cho đồn trưởng Phương Xá của Pháp cùng 5 lính tập quản lý đưa về Tam Kỳ để tìm phương tiện giải ra Hội An.

Tại tòa Đại lý Tam Kỳ, cụ Huỳnh được viên Đại lý người Pháp “nắn gân” trước bằng cách quy hết trách nhiệm của những biến động cho Phong trào Duy Tân. Tuy nhiên bằng lời lẽ đanh thép, lý luận chặt chẽ, cụ đã quy ngược trách nhiệm lại cho người Pháp. Cuối cùng viên Đại lý đã khôn ngoan “chuyền banh” cho thượng cấp: “Đây không phải là diễn đàn của buổi diễn thuyết. Tôi không phải là người để tranh luận với ông. Có gì mai mốt ông trình bày với quan Công sứ”.

Từ Tam Kỳ đi ghe ra Hội An mất một ngày. Đến tối ngày 25-2 mới tới Hội An. Và đây là cảnh mà người Pháp đối xử với lãnh tụ của Phong trào Duy Tân: “Vừa lên bờ quan đồn gọi tôi bảo: “Nay đã tối rồi ông hãy tạm nghỉ tại nhà binh, ngày mai sẽ gặp quan sứ”. Thế rồi dẫn tôi vào một phong nhà binh. “Chành” một tiếng, cánh cửa đóng kín! Tôi mới biết đây là bót giam tù. Đây là ngày đầu tiên tôi bước vào cảnh trường học thiên nhiên… Tôi và Tiểu La bị giam ở đấy hơn hai tháng, đến ngày tháng 5 mới giải giao lên tỉnh giam cứu đều bị ghép vào tội “theo đảng bội quốc ngầm thông nước ngoài đề xướng dân quyền, kết án đày Côn Lôn. Tôi với Phan Châu Trinh một án “ngộ xá bất nguyên”. Tiểu La 9 năm” (sđd, trang 42).

Tình cảm của lão ghe chài bán mắm

Huỳnh Thúc Kháng cho biết cảnh giam cầm rất nghiêm ngặt, mỗi ngày cai ngục chỉ mở cửa hai lần để mang đồ ăn vào mà thôi.

Hai người học trò của cụ Huỳnh nghe tin thầy bị giam nên vào thăm. Mặc dù đã trình báo nhưng khi xét có một lá thư do bạn của cụ gửi, viên cai ngục nghi ngờ có ý đồ gì đó nên bắt giam luôn hai cậu học trò, chuyển qua tỉnh để điều tra. Vì thế: “Bà con và bạn hữu không ai dám tới thăm nữa” (sđd, trang 14).

Thế nhưng, một bữa trưa, người gác ngục khi đem cơm vào cho cụ đã mang thêm bánh kẹo, thuốc lá và một mảnh giấy nhỏ trong đó viết: “Nghe ông bị giam, người nhà ở xa không ai vào thăm được, tôi có ghe bán mắm ra bán ở Phố (Hội An - NV) đây. Kính gởi quà vặt thăm ông. Như ông có nhắn người nhà điều gì, tôi sẵn lòng chuyển đạt cho”. Dưới mảnh giấy có ghi: Hòa Thanh Lão Phổ kính thơ!” (sđd, trang 15).

Huỳnh Thúc Kháng vô cùng ngạc nhiên. Qua tìm hiểu, người gác ngục cho biết: “Có lão ghe chài ra bán mắm ở đây vài bữa trước, hỏi thăm biết nhà tôi nấu cơm cho các tù nhân trong đó có ông. Ông lão tự xưng là bà con với ông nên gửi đồ đó vào mà không nói tên, chỉ dặn, ông có hỏi thì nói năm ngoái ông có ghé nhà lão uống trà là được” (sđd, trang 15).

Nghĩ mãi cụ Huỳnh mới nhớ ra: “Ngày tháng 10 năm ngoái cùng người bạn đi đò từ Phố về Tam Kỳ theo đường sông, có ghé một cái nhà chài bên bờ sông nghỉ trưa, cùng chủ nhà là một người già nói chuyện. Ông già có ý lưu luyến, nhưng tôi có việc nên uống trà xong thì đi, không ở lại được. Có lẽ Lão Phổ là ông già chủ nhà ở bến đò Hòa Thanh (1) này chăng?” (sđd, trang 14, 15).

Ngày đó nghe “tội phạm chính trị” ai cũng tránh mà ông già bán mắm dám công khai thăm nuôi;  phương tiện đi lại khó khăn, thông tin liên lạc chưa có, ông lại nhận chuyển tin tức cho gia đình cụ Huỳnh ở cách xa mấy chục cây số quả là một nhiệm vụ nặng nề. Điều đó nói lên một cách đầy đủ tình cảm mà ông lão dành cho Huỳnh Thúc Kháng!

Nói về sự kiện này Huỳnh Thúc Kháng đã viết: “Bình sanh giao du bạn hữu, nơi nào cũng có, từ cảnh gặp hoạn nạn, phần đông người quen đều tránh xa không dám lại gần. Trái lại, một lão nhà chài, chỉ tình cờ biết nhau trong chốc lát, mà bác chài ấy đã tìm phương kiếm nẻo, không từ khó nhọc, cố tìm cách gửi lời thăm viếng để an ủi trong lúc buồn rầu. Rõ là người đời biết nhau không nên xem tướng bề ngoài nhỉ” (sđd, trang 15).

Trước nghĩa cử của Hòa Thanh Lão Phổ, Huỳnh Thúc Kháng đã viết tặng ông một bài tứ tuyệt bằng chữ Hán và được chính cụ dịch thơ: Mình côi ngục tối cảnh âm trầm/ Một chữ thân bằng cũng vắng tăm/ Lựa có Hòa Thanh già Phổ nọ/ Ân cần gửi thấu bức thư thăm…

LÊ THÍ

(1) Hòa Thanh là tên một làng chài nằm bên sông Trường Giang và tiếp giáp với biển, nay thuộc xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ.

 

;
;
.
.
.
.
.