Đà Nẵng cuối tuần

Mai Vũ và niềm tự hào phim Việt

14:28, 20/11/2022 (GMT+7)

Tại lễ trao giải Liên hoan phim (LHP) Cannes lần thứ 75 vừa qua, phim hoạt hình ngắn Spring Roll Dream (tạm dịch: Giấc mơ gỏi cuốn) của đạo diễn trẻ Mai Vũ (SN 1992) đã giành giải “Lights on Women” - hạng mục được thành lập từ năm 1998, khuyến khích các nữ đạo diễn theo đuổi khát vọng sáng tạo của mình. Bộ phim cũng lọt vào top 16 phim tranh giải La Cinéf  - hạng mục phát hiện các tài năng mới đến từ các trường điện ảnh trên thế giới…

Minh tinh Kate Winslet trao giải thưởng trị giá 30.000 euro cho Mai Vũ. Ảnh: LP
Minh tinh Kate Winslet trao giải thưởng trị giá 30.000 euro cho Mai Vũ. Ảnh: LP

Giấc mơ gỏi cuốn mượn ẩm thực để kể về khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình. Linh - một bà mẹ đơn thân - đang nỗ lực thích nghi với cuộc sống tại Mỹ cùng cậu con trai Alan. Ông Sang - bố của Linh - mới từ Việt Nam sang và gửi gắm tình thương vào món ăn quê hương: gỏi cuốn. Sự bất đồng quan điểm về việc lựa chọn món ăn gây mâu thuẫn nhưng cũng là cơ hội để mỗi người học cách chấp nhận sự khác biệt, tìm tiếng nói chung.

* Chào Mai Vũ, trải nghiệm ở Cannes để lại dư vị gì?

- Tôi cố gắng gửi Giấc mơ gỏi cuốn đi các LHP để tiếp cận với nhiều khán giả hơn. Thế nhưng, lúc mới nhận thông tin bộ phim được lựa chọn tranh giải La Cinéf - một trong những hạng mục chính của LHP Cannes 2022, tôi choáng ngợp, bối rối, không biết ứng xử như thế nào. Không có sự chuẩn bị, tôi áp lực nhiều nhưng sau đó dần bình tĩnh hơn. Đến Cannes là một vinh dự đối với tôi và những người thực hiện bộ phim. Đây là cơ hội hiếm có để gặp gỡ, trao đổi với những tên tuổi hàng đầu trong làng điện ảnh thế giới cũng như những nhà làm phim trẻ giống mình. Tôi cũng hy vọng sẽ đưa góc nhìn của người Việt đến bạn bè các nước.

Đạo diễn Mai Vũ: “Mỗi người đều có một thôi thúc riêng. Tôi luôn tự nhủ bản thân “cứ làm đi, bỏ bớt nỗi sợ hãi đi”. Tôi tin rằng, giữ một trái tim trong trẻo, nhiệt thành sẽ vượt qua được mọi khó khăn”.

Bộ phim không chiến thắng tại hạng mục quan trọng mà giành được giải thưởng phụ. Chúng tôi hạnh phúc với thành tựu này vì chưa bao giờ nghĩ sẽ chiến thắng. Những tác phẩm được đề cử trong cùng hạng mục đều có cách kể chuyện, đặt vấn đề rất sắc sảo, thể hiện cá tính mạnh.

* Bạn đã bắt đầu hành trình làm phim của mình như thế nào?

- Năm 19 tuổi, khi đang học đại học, tôi cảm thấy chán và bắt đầu tập tành nhào nặn đất sét để kể những câu chuyện theo kiểu stop-motion (thuật ngữ chỉ những đoạn phim được tạo nên bởi hàng loạt hình ảnh chụp tĩnh được chụp liên tiếp). Cũng từ sân chơi này, tôi bén duyên với ê-kíp sản xuất Xin chào bút chì trên HTV và say sưa sáng tạo bằng tất cả nhiệt thành của tuổi trẻ. Chuỗi phim hoạt hình dài hơn 70 tập này gây được nhiều tiếng vang thời điểm đó nhưng chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Điều này khiến tôi thường tự đặt câu hỏi, rằng: “Liệu có nên tiếp tục hành trình làm phim không?”, “Có sống được với nghề không?”… Nhưng niềm hạnh phúc mỗi khi được lên set quay thôi thúc tôi không được bỏ cuộc. Vậy là, tôi lại tiếp tục hỏi bản thân nên làm gì tiếp theo. Và đến năm 2020, tôi quyết định lên đường sang Anh học tại Trường Điện ảnh và Truyền hình quốc gia Vương quốc Anh (National Film and Television School - NFTS) để theo đuổi con đường làm phim chuyên nghiệp, bài bản.

* Quay trở lại với “Giấc mơ gỏi cuốn”, bộ phim đã nên hình thành dáng ra sao?

- Ý tưởng ban đầu của bộ phim đến từ năm nhất đại học, khi học một bộ môn, tôi và các bạn cùng trao đổi về việc xây dựng nhân vật, tìm hình thức khai thác để thể hiện khoảng cách thế hệ giữa các nhân vật cũng như làm sao để kết nối các thành viên trong gia đình. Cuối cùng, chúng tôi quyết định làm một bộ phim về nấu nướng với hình tượng một người cha Việt Nam có con ở nước ngoài. Ẩm thực Việt Nam hàm chứa nhiều nét văn hóa, trong đó có tình thương của cha mẹ gửi gắm trong mỗi lần nấu ăn.

Có lẽ, cảm hứng câu chuyện cũng ít nhiều xuất phát từ trải nghiệm của cá nhân tôi. Tôi có chị gái lớn hơn 10 tuổi. Năm tôi 14 tuổi, chị bắt đầu đi du học và định cư ở Mỹ. Quãng thời gian xa cách dường như làm nên những khác biệt về suy nghĩ, lối sống trong chúng tôi. Bố mẹ tôi là những người giàu tình cảm nhưng ít khi nói lời yêu thương với con cái. Bản thân tôi cũng là một người không giỏi quảng giao. Điều này khó tránh khỏi khoảng cách giữa các thế hệ. Đến khi lớn lên, đi xa, tôi mới tập dần cách thể hiện cảm xúc, tình cảm với bố mẹ. Và điều này thật sự có ý nghĩa, kết nối các thành viên trong gia đình nhiều hơn.

Không chỉ trong gia đình tôi, mâu thuẫn giữa các thế hệ có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, bất cứ nền văn hóa nào. Khi làm bộ phim này, tôi mong muốn khai thác góc nhìn đa chiều từ các nhân vật.  

* Tại sao lại là gỏi cuốn mà không phải mà một món ăn khác?

- Tôi từng suy nghĩ qua rất nhiều món ăn khác nhau của Việt Nam để khai thác như bánh xèo, bánh canh, canh mướp đắng... Nhưng khi tham khảo ý kiến của bạn bè người nước ngoài, tôi nhận thấy gỏi cuốn có sự nhận diện cao hơn và nguyên liệu cũng dễ kiếm ở Anh. Tôi cũng muốn ẩm thực trong phim không quá tách biệt về nền văn hoá để nhiều người có thể tìm thấy mối liên kết. Điểm mấu chốt là hình ảnh gỏi cuốn gợi nhớ cái ôm của mẹ với con.

* Từ ý tưởng đến thực hiện, hẳn là một chặng đường nhiều gian nan?

- Để thực hiện bộ phim này, dự án được nhà trường cấp kinh phí sản xuất khoảng 9.000 bảng Anh, chủ yếu được đầu tư cho nguyên vật liệu, dựng nhân vật, chi phí phòng thu, lồng tiếng, cộng tác viên… Ngoài tôi, ekip còn khoảng 8 người chủ đạo, bao gồm: 1 bạn dựng phim, 1 bạn sản xuất, 1 bạn biên kịch, 1 bạn soạn nhạc, 1 bạn thiết kế âm thanh, 1 bạn thiết kế mỹ thuật… Bên cạnh đó, còn có một số cộng tác viên khác làm model (mô hình), diễn hoạt, visual effect (hiệu ứng hình ảnh).

Cộng sự của tôi đến từ nhiều quốc gia như: Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Ba Lan, Ý, Mexico… Họ đều là những người rất giỏi và sáng tạo, biết cách nâng đỡ chất riêng của từng thành viên. Nhưng trong hai năm hoàn thiện dự án, không ít lần tôi cũng cảm thấy mông lung với những gì mình đang làm. Khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chiếm quá nhiều thời gian khiến tôi căng thẳng, mất cân bằng. Những lúc đó, tôi lấy lại năng lượng bằng cách đi bộ, sưởi nắng, hít thở không khí trong lành… Tôi cũng liên tục tham khảo ý kiến từ những người làm chung. Chúng tôi chiếu thử, làm đi làm lại, không ngừng nỗ lực.

* Mai Vũ trước và sau khi hoàn thành “Giấc mơ gỏi cuốn” hẳn rằng có sự khác biệt?

­- Tôi thay đổi nhiều, lớn nhất là tự tin hơn và biết cách thể hiện bản thân để nhận được sự tin tưởng. Tôi cho rằng đây là một kỹ năng quan trọng. Tuy nhiên, việc thể hiện quan điểm phải dựa trên cơ sở tôn trọng suy nghĩ của người khác. Tôi cũng hoàn thiện hơn với tư cách nhà làm phim.

* Dự định của bạn trong thời gian đến?

- Tôi có có niềm tin và lạc quan về thị trường phim hoạt hình Việt Nam. Chắc chắn, tôi sẽ trở về quê hương với mong muốn sản xuất một bộ phim mang tinh thần Việt dành cho người Việt. Còn hiện tại, tôi đang tìm kiếm nguồn đầu tư để thực hiện một dự án phim tài liệu về cuộc sống người Việt định cư ở Anh.

* Cảm ơn Mai Vũ. Chúc bạn ngày càng thăng hoa với nghệ thuật!

Bên cạnh cách tạo hình nhân vật, nhịp phim, âm nhạc… phối hợp nhịp nhàng tạo nên sự thăng hoa cho bộ phim, phần lồng tiếng là một trong những điểm nhấn thú vị: 3 nhân vật ở 3 quốc gia. NSND Bùi Bài Bình biểu diễn tiếng nói của ông Sang, Elyse Dinh sống ở Mỹ lồng tiếng vai Linh và bé Jarlan Bogolubo từ nước Anh thể hiện nhân vật Alan.

YÊN VŨ

.