Đà Nẵng cuối tuần
Ngập lụt và năng lực hệ thống thoát nước đô thị
Trận mưa lịch sử hôm 14-10 vừa qua gây ngập 0,5m đến 1m tại tại nhiều phường, xã và các tuyến đường ở Đà Nẵng, có nơi ngập 2m.
Vùng rau an toàn La Hường, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, bị ngập nặng sau trận mưa kinh hoàng hôm 14-10 vừa qua (ảnh chụp lúc 9 giờ 48 ngày 15-10). Ảnh: V.T.L |
Tối 14-10, bà Nguyễn Thị Tuyết đang nằm nghỉ ở nhà trên đường Bắc Đẩu (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) thì con gái gọi điện về: “Mẹ ơi, mưa to lắm, nhiều nơi nước ngập lênh láng, nhà mình có răng không mẹ?”. “Nhà mình cao, không răng mô con”. “Mẹ coi thử đi mẹ, chứ nhà mấy bạn con nước vô ầm ầm rồi á”. Buông điện thoại, bà thả chân xuống sàn nhà, hoảng hồn khi nước đã lên tới ống quyển. Giày, dép trôi lềnh bềnh khắp phòng. Bà lội ra mở cửa xem ngoài đường thế nào thì đùng một phát, nước tuôn ào ạt vào nhà, không cách gì khép cửa lại được. Loáng một cái, nước ngập tới thân máy giặt, tủ lạnh, rồi dừng lại ở mức... trên ghi-đông xe máy!
Ở nông thôn, lụt lội diễn ra hằng năm như cơm bữa nhưng so với trận mưa lịch sử hôm 14-10 vừa qua là cả một trời một vực. Thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, năm ngoái bị ngập 0,5m đến 1m. Năm nay theo ông Lê Trung Đấu, Bí thư Chi bộ thôn Cẩm Toại Đông, nơi ngập sâu nhất lên đến 1,5m, nhưng do cả thôn đã sẵn sàng “ứng chiến” với lũ lụt nên thiệt hại không đáng kể so năm ngoái. Qua theo dõi bản tin cảnh báo mưa lũ của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và thực hiện triển khai sơ tán dân theo Công điện số 09/CĐ–PCTT ngày 14-10-2022 do ông Nguyễn Phú Ban, Phó trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng ký, chi bộ cùng ban nhân dân thôn vận động 21 hộ có nguy cơ ngập sâu đến tá túc các hộ ở nơi cao hơn.
Trận mưa được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay ở Đà Nẵng quá bất ngờ khiến người dân thành phố trở tay không kịp. Theo thống kê của UBND thành phố, ngoài những thiệt hại đáng buồn về người, toàn thành phố thiệt hại kinh tế gần 1.500 tỷ đồng.
Số liệu từ các trạm đo mưa tại Đà Nẵng cho thấy khoảng thời gian mưa gây ra trận ngập lụt kinh hoàng hôm 14-10 là 6 giờ (từ 15 giờ đến 21 giờ), với lượng mưa cao nhất ghi nhận ở trạm Suối Đá, quận Sơn Trà, là 637mm/6 giờ. Thế nhưng, theo nhận định của các nhà chuyên môn, năng lực thoát nước tại các đô thị loại 1 ở Việt Nam nói chung, về lý thuyết, đang ở mức đáp ứng được lượng mưa 70mm/2 giờ, nghĩa là với 6 tiếng chỉ có thể đáp ứng được tổng lượng mưa 210mm. Trong thực tế, hạ tầng thoát nước đô thị kém hơn mức này nhiều do các yếu tố về tắc nghẽn cống rãnh, sự vênh nhau về đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước cũ và mới, yếu tố về triều cường…
TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, cho biết hôm 18-10 vừa qua trên tờ Kinh tế & Đô thị (kinhtedothi.vn): “Trong trường hợp của Đà Nẵng, để đáp ứng thoát được lượng nước mưa liên tục trong 6 tiếng cần hạ tầng thoát nước gấp 3 lần hạ tầng hiện tại; nghĩa là năng lực thoát nước của hệ thống phải giải quyết được lượng mưa 100mm/giờ. Đó là con số phi thực tế mà không một đô thị nào trên thế giới hướng đến bởi vì rất tốn tiền. Với các đô thị của Việt Nam lại càng khó làm vì đòi hỏi nhiều chi phí giải phóng mặt bằng, thay toàn bộ hệ thống thoát nước cũ, đào hết đường lên để xây lắp cống mới...”.
Cũng theo ông Huy, khi thiết kế hệ thống thoát nước cho đô thị, các chuyên gia thường dựa vào lịch sử mưa lũ tại địa phương và tần suất mưa với các kịch bản mưa lũ lặp lại một lần trong 20 năm, 50 năm và 100 năm, có nơi dựa vào kịch bản 500 năm xuất hiện 1 lần. Đối với mưa 600mm/6 giờ liên tục thì nó thuộc tần suất 500 năm mới xuất hiện 1 lần. Như vậy, tần suất mưa cực đoan này chưa hề có trong kịch bản thoát lũ của Đà Nẵng nói riêng và hầu hết các đô thị của Việt Nam nói chung.
Như vậy, năng lực thoát nước của hệ thống thoát nước đô thị sẽ quyết định độ ngập lụt của đô thị. Đây cũng là nội dung quan yếu trong Công văn số 186/PCTT ngày 25-10-2022 do Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố gởi các sở, ngành, địa phương về việc “thực hiện các giải pháp phòng chống mưa lớn, ngập lụt trên địa bàn thành phố”.
Theo đó, Ban chỉ huy đề nghị Sở Xây dựng khẩn trương khảo sát toàn bộ các bất cập hiện nay về hệ thống cống thoát nước, đặc biệt tại khu vực đô thị cũ và đề xuất phương án cải tạo phù hợp; rà soát tình hình vận hành các trạm bơm chống ngập, nêu rõ các hạn chế và đề xuất giải pháp phù hợp để tăng cường khả năng thoát nước, chống ngập khu vực đô thị, trung tâm; đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thoát cũ và xây dựng mới hệ thống thoát như cống, trạm bơm, tuyến tiêu thoát nước…
Dân gian có câu “Ông tha mà bà chẳng tha/ Bà cho cái lụt Hăm ba tháng Mười”, cứ đến ngày đó thế nào trời cũng lụt, nước các sông dâng lên ít nhất là báo động 1. Trong lúc chờ thành phố có giải pháp tổng thể chống ngập lâu dài, trước mắt người dân Đà Nẵng không bịt cửa thu nước gây cản trở dòng chảy và chung tay với chính quyền trong việc khơi thông dòng chảy khi có mưa lớn xảy ra từ nay đến ngày “ông tha mà bà chẳng tha” đó.
VĂN THÀNH LÊ