Đà Nẵng cuối tuần

Lê Công Hoàng và "Tro tàn rực rỡ"

07:08, 11/12/2022 (GMT+7)

Là một trong những diễn viên chính, Lê Công Hoàng - “chàng thơ” của dòng phim độc lập - đã góp phần làm nên thành công của bộ phim “Tro tàn rực rỡ” khi thể hiện đầy sinh động tình yêu tuyệt vọng của một chàng trai ít nói, khép mình trong thế giới riêng…

Lê Công Hoàng luôn nghiêm túc với từng vai diễn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Lê Công Hoàng luôn nghiêm túc với từng vai diễn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Tro tàn rực rỡ” (tựa tiếng Anh: “Glorious Ashes”) được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chuyển thể từ 2 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là “Củi mục trôi về”“Tro tàn rực rỡ”. Tác phẩm vừa giành Giải Khinh khí cầu vàng - giải thưởng danh giá nhất của Liên hoan phim Ba châu lục (Festival des Trois Continents) tổ chức tại Nantes (Pháp) - một trong những trụ cột quan trọng của điện ảnh thế giới. Không lâu trước, “Tro tàn rực rỡ” là phim Việt đầu tiên tranh giải tại hạng mục Official Competition cũng như có sự kiện World Premiere ở Liên hoan phim Quốc tế Tokyo (Nhật Bản).

* Chúc mừng Lê Công Hoàng đã có phần hóa thân thành Dương đầy cảm xúc. Với một vai diễn hầu như không nói gì, hẳn quá trình nhập vai của bạn có nhiều điều thú vị?

- Là diễn viên tay ngang, tôi tiếp cận nhân vật theo cách của riêng mình, không quá chú trọng kỹ thuật mà đào sâu tâm lý. Ở thời điểm chuẩn bị quay, tôi tự nhận thấy bản thân đang ở độ tuổi có sự trải nghiệm nhất định về cuộc sống, đủ để cảm và hòa  vào nhân vật đòi hỏi nhiều về nội tâm như Dương. Bên cạnh đó, những kiến thức về nhân sinh quan, tâm lý con người mà tôi tìm hiểu rất nhiều trước đó cũng được áp dụng trong xây dựng nhân vật. Đây là vai diễn nặng ký nhưng tôi may mắn có nhiều thời gian. Tôi cứ làm quen với tâm lý nhân vật từ từ, từng chút, từng chút mỗi ngày.

"Đáy hàng khơi là một bối cảnh rất khó. Ngày quay ở đây, đoàn phim rời khách sạn lúc hai giờ sáng, đến cảng là bốn giờ sáng và tàu nhổ neo sau đó nửa tiếng. Hôm đó biển động, sóng to hơn ngày bình thường rất nhiều. Đến trưa, người chủ tàu gửi về cho tôi 2 tấm ảnh và bảo: 15 phút sau khi tàu rời cảng, mọi người trong đoàn đều say và nằm la liệt, kể cả diễn viên đóng thế và đội bảo hộ. Chỉ duy nhất 2 người không say là Lê Công Hoàng và đạo diễn hình ảnh. Để có được trạng thái làm việc tốt nhất, Hoàng đã có thời gian dài làm quen với sóng biển và tự đo lường sức khỏe của mình. Hoàng từng chia sẻ, trong điều kiện bối cảnh như vậy, Hoàng không được phép say sóng. Tôi rất trân trọng tinh thần làm việc nghiêm túc của Hoàng!”

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc

Tôi tập trước gương về cách thể hiện qua ánh mắt, cử chỉ, nhịp điệu, hơi thở… nhưng không nhiều. Bởi lẽ, tôi có một quan điểm là khi mình đong thật đầy ở bên trong thì tự khắc sẽ tràn ra bên ngoài. Vậy nên, tôi tập trung vào điều này. Một khi đã hòa vào nhân vật, nhân vật sẽ giúp mình rất nhiều. Tôi may mắn trau rèn được kỹ năng thả lỏng. Mỗi khi hóa thân một ai đó, tôi luôn đạt được trạng thái thả lỏng nhất định để hòa vào tư duy của  nhân vật, mạch phim, đạo diễn và  bạn diễn. Khi thả lỏng, nhân vật mới có đất diễn, không gian để sinh hoạt, vùng vẫy trong thế giới của chính họ. Nếu mình vẫn còn giữ bản thể của mình ở bên ngoài, rất khó để nhân vật “chui ra” (cười).

* Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, bạn đã chuẩn bị những kỹ năng gì để trở thành một người con vùng sông nước?

- Tôi tham gia từ những ngày đầu, trước cả khi dự án dự Liên hoan phim quốc tế Busan 2017 (Hàn Quốc) và vượt qua 27 dự án khác để đoạt giải thưởng xuất sắc nhất ở hạng mục Asian Project Market với trị giá 15.000 USD (khoảng 340 triệu đồng). Trước đó, tôi cùng đoàn phim có những ngày lang thang miền Tây để chụp ảnh phục vụ cho proposal (bản trình bày ý tưởng), tìm chất liệu nhập vai… Tính đến ngày phim bấm máy, tôi có khoảng ba năm để xây dựng nhân vật và giữ mình ở trong nhân vật.

Tôi và Juliet Bảo Ngọc Doling (đóng vai Hậu, vợ của Dương) thường xuyên đến huyện Nhà Bè mượn xuồng học lái. Mỗi buổi, chúng tôi tập từ một đến hai tiếng, lái quanh sông Sài Gòn. Để thể hiện cái chất của Dương, một người làm nghề đóng đáy, tôi cũng dành nhiều thời gian đi theo tàu cá ra biển, tập đánh cá và làm quen với sóng biển. Trước ngày quay, tôi và các diễn viên khác đến Cà Mau cùng ăn, cùng ở với người dân nơi đây trong khoảng một tháng. Anh Ngô Quang Tuấn học nghề ở các lò than, Juliet Bảo Ngọc Doling học ép chuối, Phương Anh Đào phơi nắng, nấu cơm, làm việc nội trợ…; còn tôi kết nối với một gia đình đi biển và theo họ lênh đênh giữa khơi. Mọi người rất dễ mến, hướng dẫn tôi nhiều thứ. Tôi cố gắng thích nghi và vượt qua các giới hạn của bản thân như say xe, say sóng…

Tôi cũng đo lường sức khỏe của mình với thuốc say sóng. Thuốc say sóng nếu uống quá liều sẽ buồn ngủ, không đủ tỉnh táo để làm việc. Nếu uống không đủ liều thì lại say. Tôi uống từ nửa viên đến một viên, hai viên…; uống khi đói, lúc no để đánh giá tình trạng cơ thể. Tôi cũng thử các tư thế nằm, các động tác để biết điều gì sẽ khiến mình say. Đến khi theo đoàn di chuyển đến đáy hàng khơi (tức là những hàng đáy được đóng giữa biển khơi, xa đất liền từ 10 đến 15 hải lý, khoảng từ 18 đến 25km), tôi chỉ nằm im, tuyệt đối không làm bất cứ hành động nào đã thử trước đó và khiến mình say. Tôi từ chối hết lời nhờ vả của mọi người. Chỉ đến khi quay, tôi mới bật dậy. Tôi cho rằng đó là điều cần thiết để giữ cho mình luôn tỉnh táo và tập trung thực hiện công việc của mình.

* Đâu là cảnh khó nhất với bạn?

- Đó là phân đoạn có thoại. Dương là chàng trai được nuông chiều từ nhỏ. Thế nhưng, sự thiếu thốn tình thương và nhiều nguyên nhân khác khiến cậu sống khép kín, ít thể hiện cảm xúc. Cả thế giới của Dương xoay vần và gói gọn trong đầu cậu mà thôi, không ai và chẳng ai có thể nắm bắt được. Chính vì vậy, khi Dương mở lời nói chuyện, đặt ánh mắt vào vợ mình, đó là bước chuyển vô cùng quan trọng trong tâm lý nhân vật. Điều này khó khăn với nhân vật, cũng khó khăn với tôi. Tôi phải tư duy, nhập tâm và thử thể hiện rất nhiều.

* Bạn và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã cùng “sáng tạo” nhân vật Dương như thế nào?

- Nhìn ngoại hình của anh Chuyên, mọi người thường có nỗi sợ vô hình. Tôi vượt qua điều đó từ những ngày đầu nên khi làm việc, tôi chỉ quan tâm đạo diễn muốn gì. Hiểu được mong muốn đó, tôi cố gắng làm tốt. Tôi cũng không hề ngại, trực tiếp trao đổi với anh khi gặp vướng mắc để tìm hướng xử lý cho cảnh quay. Tôi tranh luận rất nhiều nhưng chưa bao giờ xung đột với đạo diễn. Bởi vì mạch phim, nhịp phim là của đạo diễn. Diễn viên trong từng cảnh quay không thể biết mình cần thể hiện tâm lý đến đâu là vừa, là đủ vì nhân vật đã vào vai nhưng nằm trong tổng thể câu chuyện thì đạo diễn là người tường tận nhất.

Bên cạnh đó, chỉ nghe anh Chuyên nói chuyện thôi, bất cứ ai đều có thể hình dung được cả không khí, hơi thở, bối cảnh, không gian, cảm xúc… của cả câu chuyện rồi. Mọi hình dung của anh đều rõ ràng nên khi tôi hòa mình vào không khí, bối cảnh của phim thì chỉ việc sống như Dương. Dương đã ở đó sẵn rồi.

* Bạn ấn tượng như thế nào về bạn diễn Juliet Bảo Ngọc Doling?

- Tôi quá là khâm phục Ngọc. Tôi nhìn thấy tôi của những năm trước, nhưng tốt hơn rất nhiều. Ngọc thông minh, lỳ lợm và rất hợp vai. Riêng khoản lái tắc ráng, chúng tôi học cùng nhau, tầm 5, 7 buổi là thành thục. Nhưng tôi lái không cứng, chuyên nghiệp và ngầu bằng Ngọc. Nhìn Ngọc lái, cảm giác “đã” lắm. Ngọc xử lý mọi thứ mạnh dạn, không rụt rè như tôi.

* Bạn bén duyên với diễn xuất như thế nào?

- Năm 2011, tôi đang là sinh viên ngành Ngân hàng của Đại học Văn Lang, chưa từng tham gia diễn xuất hay có ý niệm gì về điện ảnh. Cái duyên đến tình cờ trong lần chị gái nhờ chở đi casting phim “Cha và con và…” của đạo diễn Phan Đăng Di (tác phẩm từng lọt vào vòng tranh giải Gấu Vàng của Liên hoan phim Berlin 2015). Tình cờ  đạo diễn nhìn thấy và đề nghị tôi thử vai. Sau đó, tôi còn trải qua thêm 4 vòng. Mãi vài tháng sau, tôi mới được chốt. Vậy là, tuần 2 buổi, sau giờ học, tôi làm quen những kiến thức đầu tiên về diễn xuất cùng đoàn phim. Nhưng phải đến hơn 2 năm, phim mới bắt đầu quay. Khi đó, tôi đang đi làm ở Ngân hàng Nhà nước, lại vừa vào biên chế. Tôi đứng trước sự lựa chọn: bỏ phim để tập trung công danh hay bỏ sự nghiệp để đóng phim (?!). Tôi xin nghỉ không lương 45 ngày nhưng không được. Sau khi cân nhắc thật kỹ, tôi quyết định nghỉ việc vì biết đây là cơ hội hiếm có và nhiều tiềm năng. Đoàn phim cũng có đến gặp bố mẹ của tôi 2, 3 lần để xin phép cho tôi được đi đóng phim. Bố mẹ dù tiếc nuối, lo lắng và buồn nhưng trước giờ vẫn luôn ủng hộ quyết định của tôi. Thế là, tôi có vai diễn đầu tiên trong đời.

Đóng phim xong, tôi… thất nghiệp. Tôi từng gọi điện hỏi anh Di về việc theo đuổi diễn xuất và nhận câu trả lời là “không”. Anh Di lo cho tôi vì sự bấp bênh của nghề diễn. Nhưng đam mê dành cho điện ảnh ngày càng lớn dần, tôi tìm cách chạm đến, dù là đi đường vòng. Tôi khởi đầu với việc tham gia vào ê-kíp sản xuất chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, trải nghiệm nhiều vai trò, từ quay phim, dựng phóng sự, dẫn chương trình đến sản xuất, đồ họa… Khi còn là sinh viên, tôi từng quay, dựng, sản xuất các sản phẩm truyền thông nghe - nhìn, coi như cũng là nghề tay trái. Đến năm 2015, tôi thành lập một công ty và hoạt động truyền thông, sau đó là cố vấn sáng tạo, chiến lược marketing… Công việc này giúp tôi luôn có sự kết nối nhất định với anh chị em trong ngành phim.

* Dự định của bạn với nghệ thuật thứ 7?

- Với tôi, mỗi nhân vật là một cuộc đời và việc được sống những cuộc đời khác nhau là may mắn mà nghệ thuật thứ 7 đem lại. Tuy nhiên, tư duy của tôi là làm việc gì cũng cần thời gian, sự sâu sắc, đong đầy. Chắc phải mươi, mười lăm năm nữa, tôi mới nghĩ đến việc làm một cái gì đó với phim. Riêng với nghiệp diễn, tôi chưa có kế hoạch. Hiện tại, tôi vẫn là một người kinh doanh, sáng tạo. Nhưng tôi làm các công việc khác với tâm thế, ý thức quan sát đời sống, thu thập những ý niệm, sự nhìn nhận cũng như khả năng hòa vào các thế giới văn hóa, thế giới đời sống khác nhau. Tôi trau dồi, tập luyện mỗi ngày về khả năng điều khiển tâm lý, cơ thể cũng như cảm thụ về tự nhiên, văn hóa để thẩm thấu, tích lũy đến độ chín nhất định.

* Cảm ơn những chia sẻ chân tình của Hoàng. Chúc bạn ngày càng thăng hoa trong nghệ thuật!

“Tro tàn rực rỡ” đánh dấu sự tái xuất màn ảnh rộng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau hơn 10 năm vắng bóng. Tác phẩm dài 116 phút, là “câu chuyện về tình yêu đầy nhân văn của những người phụ nữ miền Tây dành cho người đàn ông nhiều tổn thương của họ – thứ tình yêu giản đơn mà phức tạp ngày nay ít thấy”, như chia sẻ của đạo diễn.

KHA MIÊN

.