Đà Nẵng cuối tuần

Mùa đông nhớ căn bếp của ngoại

17:38, 10/12/2022 (GMT+7)

Mấy hôm nay, nghe cái lạnh đầu đông ùa về, lòng tôi giăng kín nỗi thương nhớ ngoại.

Ngày nhỏ, tôi thích nhất là được ngồi bên bếp lửa với bà vào những ngày trời sang đông. Căn bếp của ngoại đơn sơ, giản dị, chỉ bằng những tấm ván gỗ ghép lại, ô cửa sổ nhỏ nhìn ra vườn cây xanh mát. Đã bao lần, tôi ngồi bên hiên nhà ấy khi chiều muộn, ngắm không chán dải khói lam mỏng nhẹ như sương vương vấn bay lên từ mái bếp thâm nâu vì mưa nắng. Ấy là khi bà tôi nổi lửa chuẩn bị bữa cơm chiều. Những ngày đông giá rét, đi học về, thế nào chị em tôi cũng chạy vào bếp, tranh nhau ngồi sát cạnh bà. Trong căn bếp của bà là những kỷ niệm, là tình yêu thương được chắt chiu qua năm tháng, là nơi tưng bừng, nhộn nhịp, ấm áp nhất trong hoài niệm tuổi thơ tôi. Những đêm Giao thừa ngồi canh nồi bánh tét sôi sùng sục trên bếp; tiếng cười rộn rã của bà con, lối xóm vào những dịp nhà ngoại có đám giỗ; mái tóc bám đầy mạng nhện trên đầu đám trẻ nhỏ khi chơi trốn tìm rúc trong bếp; thậm chí mấy dì tôi chọn căn bếp yêu thương này làm nơi hẹn hò, thủ thỉ với người yêu...

Trong căn bếp thân quen ấy còn là biết bao món ngon đã đi vào nỗi nhớ. Nồi cơm gạo mới tháng Mười nấu nồi gang, ủ trong tro bếp, đáy nồi là tảng cháy giòn tan, vàng rộm. Niêu cá bống kho tiêu đậm đà, bùi ngậy, mở vung ra thơm lừng cả gian bếp nhỏ. Nồi canh cá khoai nấu với vạt rau dại mọc trước ngõ nhà bà với hương vị thanh ngọt giữa tiết trời mưa lạnh. Những củ khoai lang nướng vùi trong bếp lửa thơm mùi củi, và cả thơm mùi của ngoại nữa. Góc bếp nhỏ này sớm chiều bềnh bồng làn khói êm ả như ru, trong khung cảnh ấy, ngoại tựa bà tiên độ lượng giữa bao la miền cổ tích.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mùa đông là mùa của ký ức, tiết trời dễ khiến lòng người rung động trước những cảnh tượng thấy quen trong quá khứ. Đôi lần giữa những chộn rộn phố phường, khi chợt bắt gặp bóng dáng một cụ bà, tôi lại nghĩ về ngoại với tất cả niềm yêu thương. Ngày ngoại mất cũng vào một ngày đầu đông, tôi không đứng bên huyệt mộ mà đến chỗ người ta đốt đồ người đã khuất, tìm về những thứ yêu thương, gần gũi nhất về ngoại. Cái áo ấm màu tím hoa cà, cái mền màu xanh lơ, bộ đồ bà ba, chiếc quạt nan, cả chiếc khăn trùm đầu của bà nữa... tất cả đều dần tan vào trong lửa, mất hút trước mắt tôi. Nếu không có người kìm lại, tôi đã chạy vào trong lửa, để giữ mọi thứ khỏi vụt mất tầm tay, cố níu những gì còn sót lại. Lửa cháy nhanh quá… Dòng nước mắt ở đâu bỗng dưng tuôn nức nở. Đến lúc này tôi mới ngỡ ngàng nhận ra rằng bà đã xa rồi, đi xa thật rồi, sẽ chẳng bao giờ tôi nghe bà hát ru nữa, chẳng bao giờ tôi nghe bà kể chuyện nữa, chẳng bao giờ ngồi bên bếp lửa với bà trong những ngày đông giá rét nữa.Tôi đã khóc nghẹn ngào trong đau đớn “Ngoại ơi, ngoại đừng bỏ con…”.

Sau này lập gia đình, tôi cũng có một gian bếp riêng cho mình. Nhiều lần, đứng nấu ăn giữa căn bếp đầy đủ tiện nghi, rộng rãi ấy mà tôi vẫn cảm thấy trống trải, thiếu vắng một thứ gì đấy rất quen thuộc. Lục tung ký ức mới ồ lên rằng ấy là mùi khói bếp hun cay mắt vì mớ củi ướt đun vội, để mấy ngày sau mùi ấy cứ còn ám trên áo quần. Thì ra tất cả những tiện nghi không thể nào thay thế được ánh lửa hồng reo vui tí tách dưới chiếc kiềng ba chân trong căn bếp của ngoại. Cái bếp ấy, nhỏ xíu, cũ kỹ, nhưng lúc nào cũng vang vọng âm thanh lẻng xẻng của xoong nồi, tiếng gà con chiêm chiếp kêu đòi gạo khi thấy bóng ngoại lui cui trong bếp và cả tiếng con mèo mướp biếng lười nằm trong góc bếp. Căn bếp là giang sơn thu nhỏ của ngoại. Nơi đó, lúc nào cũng được ngoại cất giữ biết bao tình yêu thương dành dụm, chắt chiu cho con cháu.

Dường như càng trưởng thành, người ta càng nhớ nhiều những chuyện xưa cũ. Trên những chặng đường đời, trong xa xôi, tôi vẫn thường tự hỏi: Gió đông về, trong những sớm tinh mơ, ngoại có còn lụi cụi nhóm lửa cho đứa cháu nhỏ được có giây phút vui cười bên bà? Và tôi, như nỗi niềm của người cháu trong bài thơ “Bếp lửa” của tác giả Bằng Việt:

“Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

LÊ VY

.