Đà Nẵng cuối tuần

Nghiên cứu hướng đến giải pháp chăm sóc y tế

17:44, 17/12/2022 (GMT+7)

Theo đánh giá của chuyên gia, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) khá mới mẻ, nhân văn khi tập trung đến nhóm giải pháp hỗ trợ y tế cho người khuyết tật, người có sức khỏe yếu, người mắc bệnh nền nhằm giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhóm sinh viên nghiên cứu đề tài
Nhóm sinh viên nghiên cứu đề tài "Thiết bị hỗ trợ người bị run tay" tiếp tục cải thiện sản phẩm với mục tiêu bán ra thị trường trong tương lai. Ảnh: H.L

Cải thiện chất lượng cuộc sống

Mang tính ứng dụng cao, đề tài “Thiết bị hỗ trợ người bị run tay” của nhóm sinh viên khoa Cơ khí vượt qua 1.231 đề tài nghiên cứu cả nước, giành giải Nhì, giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc Euréka lần thứ 24 năm 2022. Sinh viên Bạch Ngọc Bích Đào, lớp 19C1, khoa Cơ khí, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, thiết bị sử dụng mô-men quán tính con quay hồi chuyển, hoạt động trên nguyên tắc mô-men động lượng. Các đĩa quay nằm bên trong con quay hồi chuyển sẽ hấp thụ lực nhiễu, giúp giảm hiện tượng run tay cho bệnh nhân parkinson.

Đồng hành cùng Bạch Ngọc Bích Đào trong suốt quá trình nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, sinh viên Võ Văn Hoàng cho biết trước đó nhóm đã đến một số bệnh viện, trung tâm y tế tìm hiểu, quan sát biểu hiện của người bệnh parkinson. “Người mắc bệnh parkinson thường không kiểm soát được vận động cơ bắp, chân tay bị run cứng, cử động chậm chạp, đi lại khó khăn nên quyết tâm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ giảm run. Để đánh giá hiệu quả, nhóm sử dụng hai cảm biến đo dao động tần số 3-7Hz, phân tích trên máy đo hình sin. Khi thử nghiệm sản phẩm trên 2 bệnh nhân parkinson, nhóm nhận thấy mức độ run tay của họ giảm 70%, có thể cầm nắm những vật nhỏ như điện thoại, bút”, Hoàng nói.

Chung mục tiêu hỗ trợ giải pháp y tế cho người già, người giảm khả năng vận động, sản phẩm bồn vệ sinh di dộng có tính năng theo dõi sức khỏe của nhóm sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật - Điều khiển tự động hóa và ngành Công nghệ thông tin cũng nhận về những phản hồi tích cực. Ths. Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi số Dr.SME đánh giá đây là dự án nhân văn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, người già mất khả năng vận động. Quá trình hoàn thiện có thể tích hợp thêm các cảm biến và phần cứng giúp tăng tính năng sản phẩm như khả năng phân tích dữ liệu sức khỏe, đưa ra cảnh báo cho người nhà. Với chất liệu nhựa và công cụ dễ tìm, sản phẩm hoàn toàn có thể sản xuất trong nước, thậm chí tại Đà Nẵng.

Trần Văn Phúc, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật - Điều khiển tự động hóa, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết sản phẩm được tích hợp các giải pháp thông minh như cảm biến nhịp tim, chỉ số oxy trong máu ở khu vực nắp bồn, nhiệt độ. Phía đáy bồn được bố trí túi chứa bằng hạt nhựa dễ phân hủy, đèn UV lắp ở nắp bồn có tác dụng diệt vi khuẩn phát sinh, giảm mùi hôi. Cảm biến hồng ngoại bật đèn UV khi nắp bồn cầu đóng và tắt khi mở nắp. Các chỉ số sức khỏe, vệ sinh… truyền về điện thoại thông qua ứng dụng Blynk miễn phí. Ngoài ra, người khỏe mạnh cũng có thể đo các chỉ số sức khỏe thông qua sản phẩm.

Sản phẩm bồn vệ sinh di động có trọng lượng khoảng 1kg, dễ dàng di chuyển, lắp đặt. Theo Phúc, nhóm đang tiếp tục nghiên cứu cơ chế tự động đóng bao chất thải, thuận tiện vệ sinh cho người bệnh nằm bất động. Mặt khác, nhóm sẽ nghiên cứu thêm mẫu giường nằm đặc biệt cho bệnh nhân bại liệt, giúp họ dễ dàng đi vệ sinh tại giường mà không cần người nhà hỗ trợ.

Khuyến khích sinh viên nghiên cứu

Là một trong những giám khảo tham gia chấm giải sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc Euréka lần thứ 24, PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Điện tử - Tin học - Tự động hóa, Bộ Công Thương cho biết, giải thưởng năm nay thu hút 1.231 đề tài đến từ 119 trường đại học, cao đẳng, học viện trong cả nước. Trong đó, đề tài “Thiết bị hỗ trợ người bị run tay” của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) khá mới mẻ, mang tính ứng dụng cao. Để phát triển thành sản phẩm bán ra thị trường, nhóm cần nghiên cứu, đánh giá thêm tính ổn định ở dữ liệu, số liệu cũng như ứng dụng thêm nhiều bệnh nhân. Ngoài phân tích, tính toán hiệu quả trên máy đo hình sin, nhóm cũng có thể sử dụng cảm biến gia tốc để đo dao động run của bệnh nhân parkinson.

Trước đó, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng cảm biến Kinect phục vụ quá trình tạo mẫu tay, chân giả cho người khuyết tật” của nhóm sinh viên lớp 18CDT1, khoa Cơ khí, cũng xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố năm 2021. Với đề tài này, nhóm nghiên cứu đã dùng công nghệ cảm biến hình ảnh Kinect quét các phần chi cụt, sau đó xử lý hình ảnh, thiết kế ổ mỏm cụt bằng nhựa PLA, dựa trên công nghệ in 3D. Bước xử lý này giúp số hóa toàn bộ số liệu kích thước và hình dạng của chi khuyết tật, tạo ra một bộ phận tay, chân giả vừa vặn với từng người. Ngoài giá trị khoa học, đề tài được đánh giá mang tính nhân văn khi có thể hỗ trợ nhóm người yếu thế tăng cường khả năng vận động, cải thiện chất lượng cuộc sống.

PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho hay, nhà trường luôn khuyến khích sinh viên nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và yêu cầu các giảng viên theo sát, hỗ trợ. Đối với sản phẩm có tính ứng dụng cao, nhà trường sẵn sàng làm cầu nối liên kết, giúp sinh viên tìm đầu ra cho sản phẩm hoặc tiếp cận các giải pháp công nghệ để tiếp tục phát triển và nhân rộng. “Nhà trường dành kinh phí thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên và xem đó là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động giáo dục. Hiện nhà trường đã ban hành chính sách vinh danh, khen thưởng sinh viên, giảng viên có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, có sản phẩm nghiên cứu mang tính ứng dụng, hỗ trợ sức khỏe cộng đồng”, PGS.TS Phan Cao Thọ cho hay.

HUỲNH LÊ

.