Đà Nẵng cuối tuần
Sinh viên làm talkshow về bài chòi
“Đưa em về từ giấc mơ” là chủ đề sự kiện văn hóa dân gian kết hợp nghệ thuật bài chòi do nhóm 6 sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng tổ chức.
Những nghệ nhân bài chòi tham gia giao lưu cùng sinh viên tại chương trình "Đưa em về từ giấc mơ". Ảnh : LÊ MAI |
Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống
Dự án tốt nghiệp với chủ đề “Đưa em về từ giấc mơ” được nhóm bạn Phạm Minh Đức, Nguyễn Hà Anh Thư, Lê Xuân Vũ, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Trần Ngọc Hiệp và Nguyễn Thị Nga thực hiện “tất tần tật”, từ kịch bản, ý tưởng và tổ chức thực hiện. Phạm Minh Đức chia sẻ: “Đây là nơi chúng tôi gửi gắm đam mê về nghệ thuật bài chòi, lan tỏa giá trị nghệ thuật văn hóa dân gian đến các bạn trẻ như mình”. Là không gian tổng hợp các loại hình văn hóa dân gian, trong đó khán giả có thể giao lưu với những “anh hiệu, chị hiệu” trong nghệ thuật diễn xướng bài chòi xứ Quảng, được lắng nghe những làn điệu bài chòi “chuẩn” nhất, được tham gia chơi bài chòi và hòa mình vào không khí của những trò chơi dân gian nói chung.
Các thành viên nhóm tổ chức đều là sinh viên năm cuối lớp PR16301, chuyên ngành PR và Tổ chức sự kiện, thuộc Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng. Theo Minh Đức, trong quá trình học môn quản trị sự kiện, các thành viên có sự kết nối và đồng điệu với nhau trong việc tự tổ chức một chương trình lan tỏa nghệ thuật truyền thống. Cả nhóm đều là người Quảng Nam nên “thấm” được phần nào văn hóa miền Trung. Đức kể, bài chòi và những làn điệu dân ca xứ Quảng đã thân quen với em từ những ngày em được bà nội dắt đi coi tivi nhà hàng xóm. Ba mẹ Đức cũng yêu dân ca, yêu bài chòi… và ủng hộ em lan tỏa giá trị này đến các bạn trẻ.
“Chúng tôi nhận thấy bài chòi trong bức tranh văn hóa hiện nay đã có phần lép vế trước sự nổi lên của những dòng nhạc trẻ trung, sôi động và sợ một ngày nào đó nó sẽ mai một. Đó cũng là một phần lý do để tôi và các bạn ấp ủ những chương trình như “Đưa em về từ giấc mơ”, Đức cho biết.
Đây cũng là dịp để Đức và các bạn trau dồi kỹ năng tổ chức sự kiện. Từ ý tưởng, 6 bạn trẻ phân công mỗi người một việc, người đảm nhận tài chính, người lo hậu cầu, người phụ trách truyền thông. Ròng rã suốt một tháng, chương trình cũng thành hình với sự kiện chính bên cạnh các mini game, cuộc thi video về văn hóa dân gian gắn với bài chòi, thông tin về các nghệ nhân trên mạng xã hội… Đặc biệt là đi “ngỏ lời” mời những nghệ nhân bài chòi chuyên nghiệp tham gia biểu diễn. Mọi công tác chuẩn bị đều được sự hỗ trợ của thạc sĩ Hồ Thị Thu Hiền nhằm hạn chế thiếu sót.
Kỳ vọng vươn xa
Có mặt tại sân trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng tối 27-11, nhiều khán giả trẻ bất ngờ khi khách mời của “Đưa em về từ giấc mơ” là những gương mặt nổi danh của nghệ thuật bài chòi như Nghệ nhân ưu tú Thanh Châu, “nàng thơ bài chòi” Huyền Tân hay giọng ca trẻ Hoàng Oanh - “làn gió mới” của bài chòi xứ Quảng và những thành viên của CLB Bài chòi sông Hàn. Tại đây, những “anh hiệu”, “chị hiệu” chia sẻ về đam mê, về con đường chinh phục giấc mơ của mình đối với Di sản văn hóa phi vật thể này.
Nghệ nhân Thanh Châu và Huyền Tân nhiều năm kinh nghiệm trong nghệ thuật bài chòi và tham gia tích cực vào hoạt động phục vụ biểu diễn và bảo tồn di sản. Năm ngoái, “cặp bài trùng” Thanh Châu - Huyền Tân giành Huy chương Bạc “Hội diễn đàn, hát dân ca 3 miền năm 2021” của Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Do đó, khi nhận được lời mời tham dự chương trình từ những bạn trẻ yêu bài chòi, họ hết sức cảm động.
“Chúng tôi rất vui và tự hào khi được ngồi đây, được trò chuyện và chia sẻ cùng các em sinh viên, thầy cô về di sản bài chòi. Phía Bắc có ca trù, miền Tây có đờn ca tài tử thì chúng ta có bài chòi như một giá trị đặc trưng cần được lưu giữ cho thế hệ sau. Biết đâu trong số các bạn sinh viên ở đây, sẽ có người đi theo và gắn bó với nghệ thuật này”, Nghệ nhân ưu tú Thanh Châu cho biết.
Tiếp lời nghệ nhân Thanh Châu, nghệ nhân Huyền Tân chia sẻ: “Khi còn nhỏ, tôi đã theo chân mẹ đi bán hàng rong ở đoàn hát tuồng, rồi âm nhạc truyền thống, nhịp phách, nhịp trống đã thấm sâu vào mình từ khi nào không hay. Bây giờ, thế hệ trẻ đa số ưa chuộng nghệ thuật trẻ trung, sôi động hơn là nghệ thuật truyền thống, cũng có nhiều bạn đam mê như những sinh viên ở đây nhưng là số ít. Chúng tôi trân quý điều đó và sẵn sàng trao truyền bài chòi đến thế hệ trẻ để chúng ta cùng nhau gìn giữ, phát huy và bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Thầy Nguyễn Đình An, Giám đốc Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng bày tỏ: “Chương trình “Đưa em về từ giấc mơ” là một dự án tốt nghiệp và các em sinh viên đã nỗ lực tổ chức chuyên nghiệp, bài bản nhất có thể. Những hoạt động trong khuôn khổ sự kiện dù nhỏ nhưng cho thấy sự năng động, sáng tạo và ý thức rất lớn của các em trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc. Mục tiêu của nhà trường là tạo điều kiện, định hướng cho sinh viên thực hiện thêm nhiều hoạt động ý nghĩa như thế này”.
Tên gọi “Đưa em về từ giấc mơ” xuất phát từ ước mơ của những thành viên, là đưa bài chòi đến gần hơn với thế hệ trẻ. Nhóm bạn cũng ấp ủ dự định trong tương lai mở rộng quy mô chương trình ra ngoài khuôn khổ nhà trường, đến phố cổ Hội An. “Độ lan tỏa của bài chòi trong giới trẻ hiện nay còn hạn chế so với các xu hướng âm nhạc trẻ trung. Em hy vọng từ chương trình này, biết đâu sẽ hình thành niềm ưa thích với bài chòi trong sinh viên”, Minh Đức kỳ vọng.
LÊ MAI